Multimedia Đọc Báo in

Thách thức trong quản lý thương mại điện tử (Kỳ 1)

08:12, 01/07/2021

Thương mại điện tử đang trở thành phương thức kinh doanh lên ngôi trong giai đoạn hiện nay. Song đây cũng là kênh bán hàng “béo bở” cho các đối tượng lợi dụng để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ… Thực tế này đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề quản lý của cơ quan chức năng.

Kỳ 1: “Loạn” bán hàng online

Hiện nay, việc bán hàng qua các kênh thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng nhiều, phát triển nhanh và mạnh mẽ. Bên cạnh mặt tích cực, hoạt động này cũng phát sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về buôn bán hàng hóa vi phạm, làm sai lệch thông tin hàng hóa để lừa dối người tiêu dùng và gây ảnh hưởng xấu đến nền sản xuất trong nước.

Phát hiện hàng loạt sai phạm

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đắk Lắk, phương thức kinh doanh bằng TMĐT thông qua các website, mạng xã hội Facebook, Zalo "nở rộ" và có chiều hướng phức tạp.

Tháng 11-2020, Cục QLTT Đắk Lắk chủ động thành lập Tổ công tác TMĐT - Truyền thông, đảm trách riêng việc chống gian lận thương mại trên môi trường mạng Internet. Đây là Cục QLTT đầu tiên trong cả nước thành lập Tổ công tác TMĐT - Truyền thông nhằm quản lý hiệu quả đối với các giao dịch mua, bán trên nền tảng TMĐT. Trong đó, tập trung vào những "điểm nóng” trên môi trường mạng, những chủ tài khoản mạng xã hội buôn bán sỉ, thu hút lượt người xem nhiều. Qua đó, Cục liên tiếp phát hiện nhiều vi phạm chỉ trong thời gian ngắn.

Từ việc theo dõi bán hàng trên mạng xã hội, Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đã xác định, phát hiện kho hàng trên đường Đỗ Nhuận, TP. Buôn Ma Thuột bày bán nhiều hàng hóa vi phạm.
Từ việc theo dõi bán hàng trên mạng xã hội, Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đã xác định, phát hiện kho hàng trên đường Đỗ Nhuận, TP. Buôn Ma Thuột bày bán nhiều hàng hóa vi phạm.

Cụ thể, từ tháng 1 đến 5-2021, đã có 41 vụ việc được Cục QLTT Đắk Lắk phát hiện vi phạm ở lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng TMĐT. Lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính, tịch thu hàng hóa trên 500 triệu đồng, bao gồm 720 thiết bị điện, 720 sản phẩm quần áo các loại, 979 mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ... Đáng chú ý là vào ngày 3-6 vừa qua, Tổ công tác TMĐT - Truyền thông phối hợp với Đội QLTT số 1 bất ngờ kiểm tra kho hàng tại địa chỉ 81 Đỗ Nhuận (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) do ông Nguyễn Viết Lãm làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn công tác phát hiện hàng nghìn mỹ phẩm, thực phẩm chức năng như thuốc giảm cân, viên uống trắng da, collagen, son môi… không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa. Đồng thời, qua kiểm tra cho thấy, chủ cơ sở nhập số hàng này là hàng trôi nổi trên thị trường và kinh doanh chủ yếu trên nền tảng TMĐT hoặc livestream bán hàng trên mạng xã hội Facebook.

Tương tự, cũng với hành vi lợi dụng mạng xã hội để tiêu thụ số lượng lớn hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, Cục QLTT Đắk Lắk vừa xử phạt hành chính cơ sở kinh doanh ông Nguyễn Thành Minh (phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) 21,5 triệu đồng; đồng thời tịch thu 720 bộ quần áo các loại không có nhãn hàng hóa, không nguồn gốc, xuất xứ, không hóa đơn, chứng từ, có tổng trị giá 47,5 triệu đồng. Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Minh cũng không thực hiện đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định.

Ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục QLTT Đắk Lắk cho biết, hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh đang có bước phát triển mạnh cả về số lượng, quy mô, thu hút nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia. Đặc biệt, với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thị trường TMĐT trở nên sôi động hơn, hạn chế được việc người dân tiếp xúc trực tiếp không cần thiết. Tuy nhiên, các giao dịch trên kênh phân phối này cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiều mặt hàng không được nhập khẩu chính ngạch, không hóa đơn chứng từ, giả mạo hàng hóa của thương hiệu khác, có không ít mặt hàng không rõ nguồn gốc được chào bán công khai qua mạng xã hội.

Lợi dụng công nghệ gây thất thu thuế

Trong thời điểm dịch bệnh, người dân có xu hướng mua sắm trực tuyến nhiều hơn thay vì mua hàng tại các điểm kinh doanh theo kiểu truyền thống như trước. Trong lúc nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng thì kinh doanh online vẫn đạt doanh số và phát triển tốt, mang lại khoản thu lớn cho người kinh doanh. Sản phẩm được mua nhiều nhất chủ yếu là mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, quần áo thời trang…

Tuy nhiên, theo Cục QLTT Đắk Lắk, đi cùng với đó là người bán hàng online không biết hoặc cố tình không thực hiện nghĩa vụ đăng ký kinh doanh theo quy định, không đăng ký hoặc thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định, không công bố đầy đủ trên website bán hàng thông tin về chủ sở hữu website…

Lần theo dấu vết kinh doanh trên mạng xã hội, Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk phát hiện kho hàng  ở TP. Buôn Ma Thuột chứa nhiều loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Lần theo dấu vết kinh doanh trên mạng xã hội, Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk phát hiện kho hàng ở TP. Buôn Ma Thuột chứa nhiều loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc cơ sở kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh, nhưng không đăng ký kinh doanh theo quy định. Điển hình như việc bán hàng qua mạng xã hội Facebook của ông Lê Hữu Tùng (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) vừa được Cục QLTT phát hiện hồi giữa tháng 3 vừa qua. Lần theo dấu vết kinh doanh trên mạng, cơ quan chức năng bất ngờ kiểm tra và phát hiện cơ sở này có địa điểm kinh doanh tại đường Trần Phú (TP. Buôn Ma Thuột) đang kinh doanh hàng nghìn sản phẩm, trong đó có hơn 700 mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng. Một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Thế nhưng chủ cơ sở là ông Lê Hữu Tùng không thực hiện đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định.

Có thể thấy, hoạt động bán hàng qua mạng xã hội mà không qua kiểm duyệt, không đăng ký kinh doanh khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đối tượng kinh doanh có phát sinh doanh thu, nhưng cơ quan chức năng không kiểm soát được nguồn thu. Đó là chưa kể, người mua đặt hàng qua mạng, người bán giao hàng tận nhà và thanh toán bằng tiền mặt, không lấy hóa đơn nên rất khó kiểm soát thuế.

Theo Luật Quản lý thuế năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2016) thì tổ chức, cá nhân phát sinh nghĩa vụ thuế khi có hoạt động thương mại hoặc làm công, mua bán tài sản, không phân biệt giao dịch thương mại được thực hiện theo phương thức truyền thống hay theo phương thức điện tử. Do đó, nếu không kiểm soát tốt nguồn thu từ hoạt động này sẽ gây bất bình đẳng đối với các cá nhân, tổ chức trong kinh doanh và thất thu thuế cho Nhà nước.

(còn nữa)

Trâm Anh


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.