Multimedia Đọc Báo in

Trăn trở xã nghèo Cư Elang

10:31, 28/12/2013

Đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, mùa mưa ngập lụt, nắng lại khô hạn, cơ sở vật chất thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao… là những khó khăn thách thức với chính quyền và người dân xã Cư Elang (huyện Ea Kar) trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Cư Elang là một trong 19 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh. Đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 54,96%, giảm 7,08% so với đầu năm, nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo lại chiếm đến 26,73%, tăng 7,94% so với đầu năm. Sở dĩ số hộ nghèo, cận nghèo của xã cao, ngoài nguyên nhân các hộ thiếu lao động, đất canh tác, vốn, phương tiện sản xuất, đông người ăn theo thì những khó khăn về giao thông, thủy lợi, khí hậu, đất đai cũng tạo nên nhiều trở lực lớn trong đời sống, sản xuất của người dân. Toàn xã có trên 100 km đường giao thông nhưng mới chỉ có 11,7 km đã được thảm nhựa, 20,4 km đường cấp phối, còn lại toàn là đường đất sạt lở, lầy lội; 3 công trình hồ đập thủy lợi sức chứa nhỏ, chỉ đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu cho khoảng 4% diện tích cây trồng trên địa bàn. Không những vậy, trong khi địa phương chưa xác định được loại cây trồng chủ lực, người dân cũng chỉ biết quanh quẩn với cây lúa, ngô, đậu, sắn nhưng diện tích nhỏ lẻ, sản xuất manh mún do đất đai bạc màu, khô hạn kéo dài, chỉ trồng tỉa được 1 vụ.

Thôn 2 là thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong 10 thôn, buôn trên địa bàn xã Cư Elang với tỷ lệ trên 76%.
Thôn 2 là thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong 10 thôn, buôn trên địa bàn xã Cư Elang với tỷ lệ trên 76%.

Để minh chứng cho những điều trên, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Lập đưa chúng tôi đi tìm hiểu đời sống, sản xuất của người dân ở thôn 2 - một trong những thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã. Toàn thôn có 134 hộ thì có đến 102 hộ nghèo, 23 hộ cận nghèo nên thật khó để tìm được một căn nhà xây kiên cố. Căn nhà của gia đình anh Hoàng Văn Kính (dân tộc Nùng) bốn bề được thưng bằng vách nứa, nền đất, bên trong không có gì đáng giá. Sau 8 năm chuyển từ tỉnh Cao Bằng vào sinh sống, lập nghiệp ở nơi đây, gia đình anh vẫn chưa thể thoát khỏi danh sách hộ nghèo. 5 miệng ăn trong nhà trông cả vào 1,5 sào lúa cạn nhưng chỉ trồng được 1 vụ/năm nên cứ thiếu trước hụt sau, để có thể trang trải cuộc sống, hai vợ chồng phải tranh thủ đi làm thuê đủ thứ việc. “Không có vốn, đất sản xuất ít lại phụ thuộc chủ yếu vào “trời” nên để lo đủ cái ăn đã khó nói gì đến chuyện vươn lên thoát nghèo”, anh Kính thở dài. Gia đình chị Nông Thị Khìn cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, 3 sào đất trồng ngô lại là đất xám pha cát, mùa mưa ngập lụt, nắng khô hạn, việc trồng tỉa bấp bênh, năm được năm mất. Bản thân chị không biết chữ, sức khỏe yếu chỉ ở nhà trông con, mình chồng phải gồng gánh làm thuê làm mướn để lo cho cuộc sống của 4 người trong nhà nên cái nghèo cứ đeo bám hết năm này đến năm khác. 

Theo Đề án giảm nghèo của xã Cư Elang giai đoạn 2012-2015, đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 41%, giảm 21% so với năm 2012. Theo Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Lập, để thực hiện mục tiêu trên, xã đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể, trong đó tập trung vào các lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến đời sống, sản xuất của người dân. Cụ thể, đến năm 2015 sẽ hỗ trợ cho khoảng 1.800 lượt người nghèo vay vốn với số tiền 27 tỷ đồng, đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi; tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; nhựa hóa 34 km đường giao thông nông thôn, tu sửa, nâng cấp 3 công trình thủy lợi hiện có và xây mới thêm 1 công trình; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 320 hộ nghèo; tăng cường hỗ trợ về y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội cho người nghèo… Cấp ủy, chính quyền địa phương đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo giảm nghèo xã, tập trung huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo, có biện pháp hỗ trợ phù hợp và thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội giúp người nghèo vươn lên. Đồng thời, huy động, khuyến khích sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội và ý thức tự vươn lên của người dân.

Tuy nhiên, điều khó khăn nhất hiện nay trong việc thực hiện công tác giảm nghèo của xã Cư Elang chính là vấn đề kinh phí. Bởi theo dự toán của xã, tổng kinh phí thực hiện Đề án là hơn 182,7 tỷ đồng bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn vay tín dụng và người dân đóng góp. Vì vậy, để có thể giảm nghèo nhanh và bền vững như mục tiêu của đề án, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền, người dân nơi đây, rất cần sự hỗ trợ về mọi mặt của các cấp, ngành hữu quan.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.