Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Nỗ lực trong công tác giảm nghèo

09:02, 15/04/2014

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp từ hỗ trợ nhà ở, y tế, giáo dục, đến cho vay vốn ưu đãi, chuyển giao khoa học - kỹ thuật… TP. Buôn Ma Thuột đã và đang nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Cần câu hơn xâu cá

Theo kết quả rà soát, năm 2011 TP. Buôn Ma Thuột có 3.671 hộ nghèo, chiếm 5% tổng số dân; 4.231 hộ cận nghèo, chiếm 5,8%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo, nhưng chủ yếu vẫn là thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu lao động, thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong sản xuất, trong khi tình hình giá cả nông sản không ổn định, hạn hán, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. Xác định rõ thực trạng trên, trong chỉ đạo thực hiện chương trình giảm nghèo, Thành phố đã chú trọng triển khai các chính sách hỗ trợ theo hướng “Cho cần câu hơn cho xâu cá” - nghĩa là cung cấp cho hộ nghèo cơ sở, phương tiện để họ tự tạo sinh kế, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo. Thực tế cho thấy, cách làm trên đã phát huy hiệu quả.

Gia đình chị H’Yer Ênuôl là hộ cận nghèo ở buôn Ea Bông (xã Cư Êbur). Với lợi thế về nguồn nhân lực và chuồng trại sẵn có nên năm 2013, gia đình chị được UBND thành phố Buôn Ma Thuột chọn đầu tư mô hình phát triển chăn nuôi dê. Ngoài 6 con giống được hỗ trợ, gia đình đầu tư mua thêm 2 con, sau 8 tháng đã phát triển đàn lên 13 con. Chị H’Yer cho biết: trước đây, theo tập quán canh tác của buôn, bà con chủ yếu trồng cây lúa, cà phê, rau xanh và chăn nuôi heo, bò. Mặc dù nguồn thức ăn cho dê trong tự nhiên khá dồi dào nhưng rất ít hộ biết đến mô hình này. Nhờ chương trình khuyến nông của thành phố đã đầu tư xây dựng 2 mô hình trình diễn và tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho cả những hộ ngoài mô hình, nên đến nay đã có 30 hộ trong buôn mạnh dạn phát triển chăn nuôi dê. Nhìn đàn dê lớn lên hằng ngày, chị H’Yer rất phấn khởi, bởi với giá bán từ 120.000 – 130.000 đồng/kg thì đến cuối năm nay, gia đình chị không chỉ thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo mà còn dư sức hoàn trả 20% vốn đầu tư ban đầu cho UBND thành phố để tạo nguồn nhân rộng mô hình. Anh Vương Văn Hùng, Trưởng trạm Khuyến nông thành phố cho biết, trước khi “rót vốn” để xây dựng mô hình, các ngành chức năng đều tiến hành khảo sát, đánh giá điều kiện sản xuất và nhu cầu của từng địa phương để chọn cách làm phù hợp nhất. Đồng thời, tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ký cam kết với các hộ, thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời “gỡ khó” trong quá trình triển khai thực hiện. Nhờ vậy, các mô hình khuyến nông đều phát huy hiệu quả và được bà con nhân rộng.

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng góp phần làm thay đổi diện mạo các buôn đồng bào dân tộc thiểu số.
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng góp phần làm thay đổi diện mạo các buôn đồng bào dân tộc thiểu số.

Để giảm nghèo bền vững

Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu giảm nghèo, số hộ nghèo trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã giảm từ 3.671 hộ (chiếm tỷ lệ 5%) năm 2011 xuống còn 1.539 hộ (chiếm 2,01%) năm 2013; số hộ cận nghèo cũng giảm từ 4.231 hộ (chiếm 5,8%), xuống còn 2.436 hộ (chiếm 3,18%). Kết quả trên có được là nhờ UBND thành phố đã triển khai đồng bộ các chương trình an sinh xã hội đối với hộ nghèo, tạo điều kiện và tiếp thêm nguồn lực giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống. Trong 3 năm qua, hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố đã được vay gần 258 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi; 36 hộ được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 67/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 11.675 lao động nông thôn được đào tạo nghề miễn phí; hàng nghìn lượt hộ nghèo được hỗ trợ về y tế, giáo dục. Bên cạnh đó, hộ nghèo còn được các cấp, ngành chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình giảm nghèo phù hợp với điều kiện địa phương như: nuôi gà thả vườn, ngan Pháp, heo hướng nạc, kỹ thuật vỗ béo bò, trồng hoa, cải tạo vườn tạp, ghép cải tạo cà phê, ủ phân vi sinh… Những buôn đồng bào dân tộc thiểu số còn được hưởng lợi từ các chương trình, nghị quyết của Thành ủy về phát trển kinh tế - xã hội các thôn, buôn, cụm dân cư đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cũng triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực chia sẻ khó khăn với người nghèo. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” do MTTQ thành phố triển khai đã huy động được 4,98 tỷ đồng Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ xây dựng 150 nhà Đại đoàn kết, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế và tặng quà Tết cho hộ nghèo. Các đoàn thể như Hội LHPN, Nông dân, Cựu chiến binh, Chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên cũng tích cực triển khai xây dựng tổ, nhóm tín dụng tiết kiệm, hũ gạo tình thương, giúp nhau vốn, ngày công, cây, con giống; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, khám chữa bệnh; tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề ngắn hạn… tạo thành “đòn bẩy” trợ giúp người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Thành phố Buôn Ma Thuột đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1%. Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh việc tiếp tục triển khai đồng bộ các chương trình an sinh xã hội, các chính sách hỗ trợ theo hướng tạo sinh kế cho hộ nghèo, vấn đề quan trọng hàng đầu là sự  nỗ lực và ý thức tự vươn lên của chính các hộ nghèo.

 Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.