Multimedia Đọc Báo in

Sáng mãi đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

09:57, 25/07/2014

Cứ đến tháng Bảy hằng năm, toàn tỉnh lại nở rộ những công trình, phần việc thiết thực, ý nghĩa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” hướng về đối tượng chính sách, người có công với tình cảm tri ân sâu nặng…

Tri ân người có công là đạo lý truyền thống

Vượt hơn 30 km từ trung tâm huyện Krông Pak, chúng tôi về thăm thân nhân liệt sĩ Nguyễn Đình Long, công an viên thôn 6 xã Vụ Bổn. Trong căn nhà tình nghĩa khang trang được xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước trị giá hơn 40 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Liên, vợ liệt sĩ xúc động nói: “Sự quan tâm kịp thời của ngành LĐ-TBXH, Công an các cấp đã lấy lại sự công bằng cho chồng em. Nơi chín suối, anh ấy cũng an lòng khi vợ, hai con thơ, cha mẹ già không còn vất vả ngược xuôi, gõ cửa nhiều nơi để giải quyết chế độ chính sách”. Như Báo Dak Lak đã có nhiều bài phản ánh, cách đây đúng 6  năm, do can ngăn 2 nhóm thanh niên đang hỗn chiến, anh Long bị một tên côn đồ dùng dao sát hại. Tuy nhiên, khi UBND tỉnh có công văn đề nghị Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công và công nhận liệt sĩ cho anh Long thì Cục Người có công (Bộ LĐ-TBXH) có văn bản trả lời “trường hợp chết của anh Nguyễn Đình Long chưa đủ điều kiện đề nghị xác nhận Liệt sĩ”. Vì lý do, theo bản án của TAND tỉnh Dak Lak chưa thể hiện được sự dũng cảm cứu người và hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ của anh Long. Với trách nhiệm của mình, Sở LĐ-TBXH đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan Công an tỉnh làm việc với TAND tỉnh làm rõ tình tiết dũng cảm hy sinh trong phòng chống tội phạm của anh Long. Về phía Công an tỉnh đã tham mưu Bộ Công an tặng Bằng khen cho anh Long vì đã dũng cảm hy sinh trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ tính mạng cho nhân dân. Huyện ủy Krông Pak cũng đã tổ chức hội nghị tuyên dương tấm gương hy sinh của đồng chí Long để toàn thể cán bộ, chiến sĩ học tập. Sau hơn 3 năm nỗ lực của UBND tỉnh và các ngành hữu quan, đồng chí Long đã được công nhận liệt sĩ.

Đồng chí Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở LĐ-TBXH (bìa trái) thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Tô Thị Chiểu (khối 1, phường Tân Hòa,  TP. Buôn Ma Thuột) nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Đồng chí Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở LĐ-TBXH (bìa trái) thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Tô Thị Chiểu (khối 1, phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Trên đây chỉ là một trong những hành động thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các sở, ngành đối với những người đã hy sinh vì sự bình yên của nhân dân. Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", những năm qua Dak Lak đã thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công, đặc biệt với phong trào "Đền ơn đáp nghĩa” đã huy động được sức mạnh của toàn xã hội cùng chung tay chăm lo cho đối tượng chính sách. Qua đó người có công, thân nhân người có công thấy vinh dự, tự hào, tăng thêm ý chí để vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Các hoạt động tri ân có sức lan tỏa sâu rộng và ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành việc làm thường xuyên được cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể đưa vào kế hoạch phấn đấu hằng năm. Chỉ riêng 5 năm (2009-2014), toàn tỉnh đã vận động được gần 38 tỷ đồng cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, đã xây dựng mới, sửa chữa 1.700 nhà tình nghĩa và trao tặng trên 1.500 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 2 tỷ đồng cho người có công, gia đình chính sách. Nguồn quỹ này còn được dùng để thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, người có công nhân dịp các ngày lễ, tết trong năm. Không chỉ vậy, với phương châm Nhà nước, nhân dân và những người có công cùng nỗ lực phấn đấu, đến nay trên 98% trong tổng số hơn 48.000 đối tượng có công trong tỉnh có mức sống bằng hoặc hơn mức trung bình của người dân địa phương. Công việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ được chăm lo trọn vẹn, nghĩa tình với 181 hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ tại Campuchia và liệt sĩ hy sinh trên địa bàn Tây Nguyên được cất bốc, đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.

Chăm lo tốt hơn cho mọi đối tượng chính sách

Toàn tỉnh có khoảng 48.000 người có công, trong đó gần 13.000 người đang hưởng trợ cấp hằng tháng, với tổng kinh phí chi trả bình quân khoảng 19 tỷ đồng/tháng. Công tác chi trả được thực hiện kịp thời, đúng kỳ, đúng người, đủ số tiền và đến tận tay đối tượng thụ hưởng. Với tinh thần trách nhiệm cao, ngành LĐ-TB&XH đã và đang xem xét, bổ sung và giải quyết chế độ cho các đối tượng còn tồn đọng sau chiến tranh một cách tích cực. Ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: “Từ tháng 7-2013, Sở LĐ-TBXH đã triển khai thực hiện Pháp lệnh số 04 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII ban hành ngày 16-7-2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung có lợi cho đối tượng  thụ hưởng chính sách… Mặc dù còn gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai, nhưng ngành LĐ-TBXH đã nỗ lực giải quyết chế độ ưu đãi cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công theo phương châm: đầy đủ, đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng chính sách một cách nhanh nhất”. Cùng với đó, công tác chăm sóc thương binh, trợ cấp khó khăn đột xuất, hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà cho hộ chính sách, tổ chức thăm và tặng quà các gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng, tu bổ tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; xác định hài cốt liệt sĩ, thông báo phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang và giúp đỡ người thân của liệt sĩ đến thăm viếng; thực hiện các chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo, miễn giảm tiền sử dụng đất, cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình người có công…cũng được thực hiện thường xuyên.

Ông Nguyễn Quang Trường, khẳng định: Phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Dak Lak sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, phấn đấu thực hiện những mục tiêu về công tác thương binh liệt sĩ và người có công đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI là nâng cao mức sống về vật chất, tinh thần, đến năm 2015, cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Để đạt mục tiêu này, không riêng vào dịp tháng Bảy, bằng tình cảm sâu sắc và việc làm thiết thực, các địa phương và mỗi cá nhân tích cực tham gia và thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước. Điều mà ngành LĐ-TB&XH tỉnh đang trăn trở hiện nay là toàn tỉnh vẫn còn 319 gia đình người có công là hộ nghèo; một số con thương binh chưa được quan tâm giải quyết việc làm; tiến độ làm mới, sửa chữa nhà ở cho người có công theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ trong 2 năm 2013-2014 còn chậm; còn một số người tham gia kháng chiến, nhưng không có giấy tờ gốc hoặc các thông tin liên quan do đó chưa thể giải quyết chế độ; vẫn còn tình trạng giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ người có công …

Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.