Multimedia Đọc Báo in

Cần sớm ngăn chặn tình trạng trẻ em bỏ học đi lao động ở TP. Hồ Chí Minh

09:09, 23/07/2014

Từ đầu năm đến nay, ở một số huyện trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng trẻ em bị “cò mồi” dụ dỗ đưa đi làm việc ở TP. Hồ Chí Minh trong số đó có rất nhiều em đang là học sinh các bậc tiểu học, trung học cơ sở. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của gia đình và bản thân các em nhỏ này, nhiều chủ sử dụng lao động đã phớt lờ các quy định của Bộ Luật Lao động khi nhận các em vào làm việc.

Lao động trẻ em bị bóc lột

Từ sau Tết Âm lịch 2014, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) nhận được thông tin nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của một số huyện trong tỉnh (có độ tuổi từ 9-17) bỏ học theo “cò mồi” đi  làm việc cho các cơ sở may mặc ở TP. Hồ Chí Minh. Các em không có hợp đồng lao động, hàng ngày phải làm việc từ 7 giờ sáng đến 22 giờ đêm, mức lương thỏa thuận là 18 triệu đồng/em/năm, nhưng đến cuối năm mới trả lương, nếu em nào bỏ về giữa chừng thì sẽ không được trả lương. Bà Từ Thị Khanh - Trưởng Phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (thuộc Sở LĐ-TB&XH) cho biết: sau khi tiếp nhận thông tin trên, Sở đã có công văn yêu cầu Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống kê tình hình lao động trẻ em tại địa phương. Qua đó, có 3 huyện phát hiện trẻ em đi lao động ở TP. Hồ Chí Minh là huyện Lak (30 em), Krông Bông (27 em) và Krông Pak (28 em), trong đó huyện Krông Bông, tất cả số lao động trẻ em này đều bỏ học từ đầu năm 2014. Qua điều tra cho thấy số trẻ ở huyện Krông Bông được đưa đi lao động là do một phụ nữ tên H’Yu Bđap, ngụ xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin làm môi giới tuyển người . Cứ mỗi trẻ được thuê, chủ cơ sở tuyển dụng trả “hoa hồng” cho bà H’Yu từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Sau khi được các cơ quan chức năng giải thích, thuyết phục, bà H’Yu đã cam kết sẽ về TP.HCM đưa tất cả số lao động trẻ em trở lại Dak Lak. Ngoài ra, cũng đã có công văn đề nghị Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh  kiểm tra “giải cứu” số trẻ em đang làm việc tại đây. Qua kiểm tra đột xuất, phía TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện 3 công ty may mặc và cơ sở kinh doanh đang sử dụng lao động trẻ em từ Dak Lak xuống, tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính về việc sử dụng lao động trẻ em trái phép; đề nghị thanh toán tiền công cho các em, tạo điều kiện để các em về với gia đình.

Em H’Ngăn mới đi lao động ở TP. Hồ Chí Minh về  đang chăm sóc em cho mẹ.
Em H’Ngăn mới đi lao động ở TP. Hồ Chí Minh về đang chăm sóc em cho mẹ.

 Em H’Ngăn (13 tuổi, trú ở buôn Yang Reh, xã Yang Reh, huyện Krông Bông) mới được “cò mồi” đưa về nhà hơn nửa tháng kể: xuống dưới đó (TP. Hồ Chí Minh), em được đưa đến xưởng may làm việc gấp quần áo bỏ vào túi. Hàng ngày, em phải làm việc 3 ca, từ 7 giờ sáng cho đến 11 giờ trưa, từ 14 giờ cho đến 18 giờ và từ 20 giờ đến 22 giờ. Công việc tuy không nặng nhọc, nhưng nhiều khi đứng quá lâu, mỏi chân muốn khụy xuống em cũng phải cố gắng làm vì sợ chủ la mắng và không trả tiền lương. Theo bà Khanh, việc các em nhỏ đi lao động xa sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ như: bị lợi dụng, ép buộc lao động cưỡng bức, lao động nặng nhọc nguy hiểm; dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy, buôn bán trẻ em… Trong trường hợp không may vướng vào những tệ nạn, các em sẽ bị tổn hại về tâm lý và sức khỏe, gây ảnh hưởng xấu trong quá trình phát triển nhân cách. 

 Vì đâu nên nỗi !

Qua tìm hiểu, phần lớn những gia đình có lao động trẻ em phải bỏ học đi lao động đều nằm trong diện nghèo đói, đông con và thiếu đất sản xuất. Ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Yang Reh, huyện Krông Bông thừa nhận: có rất nhiều trẻ em trên địa bàn xã bỏ học đi lao động tại TP. Hồ Chí Minh, dù các đoàn thể của xã đã đến tuyên truyền, vận động từng gia đình động viên con em họ trở về để tiếp tục đi học nhưng không mang lại kết quả. Nhiều gia đình lý luận rằng: họ nghèo khổ nên việc để con cái đi kiếm tiền về phụ giúp gia đình là điều tất yếu. Như buôn Yang Reh, nơi có số trẻ em đi lao động “đội sổ” luôn nằm trong diện buôn nghèo nhất xã, với 167 hộ thì có đến 70% là hộ nghèo và cận nghèo.

Ông Y Gron, bố của H’Ngăn cho rằng: nhà 4 người chỉ có hơn một sào ruộng nước, với 1 ha đất rẫy cằn cỗi trên cao, làm lụng quanh năm may ra chỉ đủ ăn, giờ con lớn rồi không thích đi học, lại đi làm có tiền về phụ giúp bố mẹ nên gia đình cũng không phản đối chuyện này.  Cùng trong buôn, hoàn cảnh của gia đình em H’Chiên (14 tuổi, học sinh lớp 7) vô cùng khó khăn. Gia đình có 3 người, nhưng chỉ có 1 sào ruộng, thiếu ăn quanh năm. Nhắc đến chuyện phải để đứa con nhỏ đi lao động xa, bà H’Ling (mẹ em H’Chiên) rơm rớm nước mắt: “Cũng muốn để nó ở nhà đi học lắm, ngặt nỗi nhà nghèo quá! Tôi và con H’Chiên đều mang bệnh u nang buồng trứng, may mà nó đi làm mấy tháng được 5 triệu đồng đem về nhà mua thuốc chữa bệnh, không thì chẳng biết bấu víu vào đâu!”.

Bà Khanh cho biết thêm: để ngăn chặn tình trạng này, chúng tôi đã đề nghị Sở LĐ-TB-XH TP. Hồ Chí Minh phối hợp xử lý những cơ sở sử dụng lao động trẻ em bất hợp pháp trên địa bàn, đồng thời tham mưu UBND tỉnh Dak Lak chỉ đạo các ngành, các cấp tích cực thực hiện các quy định bảo vệ quyền trẻ em, trong đó ngăn chặn, xử lý việc tuyển dụng lao động trẻ em vào các công việc nặng nhọc, độc hại. Tuy nhiên, về lâu dài để giải quyết dứt điểm tình trạng này, ngoài những biện pháp tuyên truyền thì các địa phương trong tỉnh cần có giải pháp về xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao trình độ nhận thức cho người dân.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.