Multimedia Đọc Báo in

Vững vàng thời chiến, tiên phong thời bình

15:33, 26/07/2014

Sau chiến tranh, trở về quê hương với những vết thương trên cơ thể, dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn của cuộc sống đời thường song các thương, bệnh binh vẫn phát huy được phẩm chất của “bộ đội Cụ Hồ”, không chỉ vươn lên trong cuộc sống mà còn tiên phong, nhiệt tình với công tác xã hội...

Chi hội trưởng cựu chiến binh gương mẫu

Quê ở Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), ông Đào Văn Huề nhập ngũ năm 1972. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ông làm quản giáo ở trại giam Quân khu 3. Năm 1979, ông được bổ sung vào tiểu đội lái xe của Đoàn 330 thuộc Quân khu 9 và bị thương trong một lần cùng đồng đội truy quét tàn quân Pôn Pốt ở biên giới Việt Nam-Campuchia. Giải ngũ về lại quê hương, cũng như nhiều đồng đội khác, ông Huề phải đối mặt với nỗi lo cơm áo đời thường với một gánh nặng 4 đứa con thơ, và các em còn nhỏ. Đầu năm 1995, ông Huề đưa vợ con vào Dak Lak lập nghiệp, định cư ở buôn M’Duk, phường Ea Tam (TP.Buôn Ma Thuột) và buôn bán lặt vặt để mưu sinh.

Cuộc sống nơi quê hương mới chưa hết khó khăn nhưng ông vẫn hăng hái tham gia công tác xã hội. Năm 1997, ông Huề được tín nhiệm làm tổ trưởng tổ liên gia 5 của buôn M’Duk. Từ năm 2001, ông được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội CCB buôn. Khi ông Huề mới nhận nhiệm vụ, Chi hội CCB buôn M’Duk chỉ có vỏn vẹn 9 hội viên, các mặt hoạt động đều yếu, quỹ hội cũng chỉ có 500.000 đồng. Với suy nghĩ “Là nơi tập hợp những người đã từng xung phong nơi tuyến đầu để bảo vệ Tổ quốc nên Hội CCB phải là một tổ chức gương mẫu, vững mạnh, tiên phong trong mọi hoạt động ở địa phương”, ông Huề luôn trăn trở làm thế nào để xây dựng Chi hội thật sự vững mạnh, thật sự là nòng cốt ở buôn. Ông lặn lội đi học hỏi cách làm của các chi hội ở các phường trên địa bàn thành phố để áp dụng; tranh thủ thời gian rảnh đến các hộ có người từng là bộ đội, từng tham gia nghĩa vụ quân sự để vận động vào hội. Chỉ một năm sau khi ông “nhậm chức”, Chi hội CCB buôn M’Duk đã kết nạp được thêm 7 hội viên. Đến nay, Chi hội đã có 64 hội viên, xây dựng được nguồn quỹ đồng đội lên tới 72 triệu đồng để luân phiên cho các hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Ông Huề phấn khởi cho biết: “Mỗi hội viên được vay từ 5-10 triệu đồng, hầu hết đều đầu tư vào phát triển chăn nuôi, trồng cà phê… Theo thống kê, có đến 90% số hội viên được vay vốn hiện đều có kinh tế khá, như ông Lê Trọng Bường từ hoàn cảnh khó khăn, được vay vốn để chăn nuôi nên đã có thu nhập ổn định hơn; hay ông Bùi Đình Sơn hiện đã xây dựng được một trang trại chăn nuôi heo rừng và trồng hoa, trở thành một điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương… Từ chỗ chỉ có một hội viên kinh tế khá, đến nay Chi hội CCB buôn M’Duk đã có 5 hội viên giàu, 33 hội viên có mức sống từ trung bình khá trở lên và chỉ còn 1 hộ hội viên nghèo”.

Ông Đào Văn Huề (bên trái) và các thành viên Chi hội CCB bàn việc quyên góp ủng hộ biển đảo.
Ông Đào Văn Huề (bên trái) và các thành viên Chi hội CCB bàn việc quyên góp ủng hộ biển đảo.

“Xây dựng hội viên mẫu mực, đi đầu trong mọi hoạt động của địa phương” được Chi hội CCB buôn M’Duk xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Các hội viên CCB luôn hoàn thành trước thời hạn mọi nghĩa vụ công dân; là nòng cốt trong phong trào gìn giữ an ninh trật tự ở địa phương. Hội CCB với nhiều hội viên là cán bộ chủ chốt của buôn và của phường Ea Tam còn tham gia tích cực xây dựng hệ thống chính trị của buôn, góp phần “xốc” hoạt động của các đoàn thể khác. Đội văn nghệ CCB buôn M’Duk không chỉ gặt hái nhiều giải thưởng trong các hội thi, hội diễn mà còn là gương mặt sáng giá trong các buổi giao lưu, hội họp của CCB thành phố. Vào dịp đầu xuân mới hằng năm, Chi hội CCB đều tổ chức gặp mặt hội viên, đồng thời mời tất cả thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ của buôn đến giao lưu, kể chuyện truyền thống, động viên; nhờ vậy, năm nào buôn M’Duk cũng đạt và vượt về chỉ tiêu giao quân. Tinh thần mẫu mực của CCB còn được thể hiện trong các buổi sinh hoạt của Chi hội: suốt 5 năm nay, trong các buổi sinh hoạt thường kỳ, hội viên CCB đều mặc quân phục và đeo huy hiệu chỉnh tề, trang trọng.

Với những thành tích nổi bật trong hoạt động, trong những năm qua Chi hội CCB buôn M’Duk luôn được đánh giá là một trong những đơn vị vững mạnh tiêu biểu của phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột). Thành tích đó có sự góp phần không nhỏ của bệnh binh Đào Văn Huề - người CCB đã có hơn 15 năm gắn bó với công tác hội. 

Vừa làm kinh tế giỏi vừa nhiệt tình tham gia công tác xã hội

Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn, năng động của ông Chu Văn Khang ở tổ dân phố 10, phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột), ít ai biết rằng ông là thương binh hạng 4/4, trên người còn 6 mảnh đạn, cứ mỗi khi trở trời là vết thương ở cột sống lại hành hạ đau nhức. Quê ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, ông Khang nhập ngũ năm 1970, tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam Bộ. Hăng hái, dũng cảm, ông đã vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại mặt trận trong giai đoạn ác liệt nhất của Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Ông bị thương vào tháng 4-1973 trong trận đánh Trung đoàn 35 ngụy tại Mỹ Tho. Được đưa ra Bắc chữa trị vết thương, sau đó ông đã thi đỗ vào Đại học Nông nghiệp I Hà Nội và trở thành kỹ sư nông nghiệp công tác tại Ty Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa.

Ông Chu Văn Khang đang cho cá ăn.
Ông Chu Văn Khang đang cho cá ăn.

Năm 2001, ông Khang quyết định bán hết nhà cửa, ruộng vườn ở quê để vào Dak Lak định cư cùng các con. Mặc dù cuộc sống không quá khó khăn, các con đã trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định có thể phụng dưỡng cha mẹ nhưng với bản tính năng động, chịu khó, vợ chồng ông Khang vẫn xoay sở làm kinh tế: từ bán bánh đến nuôi heo, thả cá, nuôi ếch, thu mua và buôn bán mít non... Việc gì vợ chồng ông cũng đều làm rất thành công với mức thu nhập cao. Những năm 2008-2011, mô hình nuôi ếch thương phẩm của ông Khang được rất nhiều nông dân tìm đến tham quan, học tập. Với quy mô nuôi 90.000 con ếch/năm, mỗi ngày gia đình ông xuất bán từ 60-65 kg ếch, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Năm 2012, do vợ ông bị gãy chân, sức khỏe yếu hơn nên ông nghỉ nuôi ếch, chuyển sang thu mua, sơ chế và bỏ mối mít non. Cứ vào mùa mít, người cựu binh 65 tuổi ấy lại rong ruổi khắp TP.Buôn Ma Thuột và các huyện lân cận mua mít non về luộc, bào nhỏ và bỏ mối cho các quán cơm chay trên địa bàn. Hiện nay, việc buôn bán mít non, nuôi cá và nuôi heo mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm (sau khi đã trừ hết chi phí).

Bận rộn phát triển kinh tế gia đình là thế song ông Khang cũng rất hăng hái, nhiệt tình với công tác xã hội ở địa phương. Từ năm 2004 đến nay, ông là Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ của tổ dân phố. Ông cũng từng là Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh; Trưởng Ban công tác Mặt trận và vẫn đang đảm nhiệm vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, Chi hội trưởng Chi hội nuôi ếch thuộc Hội Làm vườn Dak Lak, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Hội CCB phường Tân Thành, tổ trưởng tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội của Hội. Với tâm niệm “luôn phát huy phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ trong mọi công việc”, nhiệm vụ nào cũng được ông hoàn thành tốt. Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ, ông nắm rất chắc hoàn cảnh từng hộ trong tổ dân phố, kịp thời vận động sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời khi có người gặp cảnh hoạn nạn, khó khăn. Phụ trách Chi hội nông dân, ông tích cực vận động hội viên xây dựng quỹ hội để cho nhau vay phát triển kinh tế; thường xuyên gắn kết, bảo ban nhau cách chăn nuôi, trồng trọt. Còn tổ vay vốn do ông phụ trách hiện có 43 hội viên với dư nợ hơn 1 tỷ đồng, luôn được Ngân hàng đánh giá cao bởi nguồn vốn được cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích và trả nợ đúng hạn.

Với những thành tích đạt được trong công tác, ông Khang đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Ông cũng là điển hình sẽ được Hội CCB TP. Buôn Ma Thuột tuyên dương tại Đại hội tổng kết phong trào thi đua CCB gương mẫu 5 năm 2009-2014 sắp tới.

Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.