Multimedia Đọc Báo in

Thắp lửa hạnh phúc từ bữa cơm sum họp gia đình

10:36, 28/06/2016

Từ lâu, bữa cơm gia đình đã trở thành nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Bữa cơm không chỉ là “chất keo” gắn kết tình cảm giữa các thành viên mà còn vun đắp, tạo dựng hạnh phúc gia đình.

Cuộc sống hiện đại, mọi người tất bật với rất nhiều công việc, quỹ thời gian dành cho gia đình sẽ ít đi. Thế nhưng, nếu mỗi thành viên đều có ý thức vun đắp thì vẫn duy trì được những bữa cơm gia đình đầm ấm, hạnh phúc, trong đó người mẹ, người vợ chính là “nhạc trưởng” để thắp lên ngọn lửa yêu thương. Bận rộn với việc kinh doanh nhưng chị Đoàn Uyên Thao, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Quyến (thôn 2, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) không cho phép mình lơ là việc chăm sóc chồng, con. Mặc dù nhà cũng có người giúp việc nhưng chị vẫn tự đi chợ và nấu những món ăn mà chồng, con yêu thích. Bởi với chị, việc tề gia nội trợ của người phụ nữ là điều rất quan trọng trong giữ gìn hạnh phúc gia đình. Bữa cơm tối quây quần, đầm ấm với đủ tất cả các thành viên không chỉ gắn kết thêm tình cảm  gia đình mà còn là dịp để bố mẹ, con cái trao đổi, thổ lộ những tâm tư, tình cảm và cả những “sự cố” gặp phải trong cuộc sống hằng ngày. Qua đó, mọi người sẽ hiểu, chia sẻ và dễ cảm thông, gần gũi nhau hơn. Đồng thời, anh chị cũng kịp thời nắm bắt những thay đổi trong tâm, sinh lý của các con để có giải pháp giúp đỡ, định hướng kịp thời. Nhờ vậy, hiện 4 con của anh chị đều chăm ngoan, lễ phép, học hành đến nơi đến chốn. “Là người vợ, người mẹ, là trung tâm của sự đoàn kết trong gia đình, người phụ nữ không chỉ cần nhường nhịn, yêu thương, mà đôi khi phải biết hy sinh, chịu thiệt thòi một chút để giữ gìn, vun đắp sự yên ấm, hạnh phúc, thành đạt của gia đình, chồng, con”, chị Thao chia sẻ.

Bữa cơm sum họp ấm áp yêu thương của gia đình ông Cao Mạnh Khả (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar)
Bữa cơm sum họp ấm áp yêu thương của gia đình ông Cao Mạnh Khả (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar).

Đối với gia đình ông Cao Mạnh Khả ở thôn Tiến Thành (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar), bữa cơm gia đình đã được duy trì gần 40 năm qua. Tuy mỗi người mỗi việc, ông bận rộn với công việc của một trưởng thôn, canh tác 1 ha rẫy, con trai công tác ở xã, con dâu làm giáo viên nhưng mỗi bữa trưa và tối, các thành viên lại quây quần bên mâm cơm gia đình được nấu bởi bàn tay khéo léo của vợ ông. Theo ông Khả, bữa cơm gia đình với sự đoàn tụ ông bà, cha mẹ, con cháu sau một ngày làm việc, học tập là nét đẹp truyền thống cần giữ gìn, phát huy. Trong bữa cơm, ông bà, cha mẹ có thể chỉ bảo con cháu cách ăn nói, ứng xử có văn hóa, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Điều đáng nói, vào Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) hằng năm, gia đình ông lại tổ chức bữa cơm sum họp với sự có mặt của cả 3 thế hệ. Trong ngày đặc biệt này, mọi người sẽ được thưởng thức những món ăn ngon, cùng trò chuyện, trao đổi về những định hướng trong tương lai, chia sẻ những khúc mắc, lo toan trong cuộc sống, công việc hằng ngày để càng hiểu và gần gũi nhau hơn.

Lấy nhau từ thuở cơ hàn, khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng đến nay, vợ chồng chị Đào Thị Viên ở thôn 7 (xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar) cũng đã tạo dựng được một cơ ngơi khang trang, 4 con chăm ngoan, học giỏi. Có được thành quả ấy một phần cũng nhờ sự vun vén, biết lo toan, tính toán khéo léo của chị. Để lo chu toàn mọi việc, mỗi ngày chị đều thức dậy từ sớm để giặt giũ, lau dọn nhà cửa, chuẩn bị cơm nước cho cả nhà. Khi các con đến trường cũng là lúc chị đi làm rẫy cùng chồng. Chị Viên chia sẻ: “Mặc dù bận rộn trăm bề nhưng hằng ngày tôi đều chuẩn bị đủ 3 bữa cơm cho chồng, con vừa tiết kiệm, vừa bảo đảm vệ sinh và thể hiện được sự yêu thương, quan tâm của người vợ, người mẹ. Vào những dịp đặc biệt, tôi luôn dành thời gian để chế biến món ăn cả nhà yêu thích, dạy con gái nấu những món truyền thống nhằm giữ gìn nét đẹp của gia đình Việt Nam”.

Năm 2016 là năm thứ 3 liên tiếp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chọn “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” là chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam (28-6). Bữa cơm là thành quả lao động, là giây phút sum vầy, là nơi truyền nhận những kinh nghiệm giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên để cùng nhau xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Với ý nghĩa quan trọng đó, việc duy trì bữa cơm gia đình trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay là điều cần thiết, là nét đẹp văn hóa truyền thống rất cần được gìn giữ, phát huy.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.