Multimedia Đọc Báo in

Nạn tảo hôn ở Ea Mdróh vẫn chưa hết "nóng"

08:40, 30/10/2016

Ở xã Ea Mdróh (huyện Cư M’gar), tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra phổ biến, nhất là ở những địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nạn tảo hôn đã gây ra nhiều hệ lụy đáng lo ngại.

Anh P.S.P ở thôn Thạch Sơn năm nay mới 35 tuổi nhưng đã lên chức ông ngoại được hơn một năm. Đứa con gái thứ hai của anh P. là P.M.Nh (SN 2001) cũng vừa về nhà chồng được vài tháng. Còn T.T.X (thôn Đồng Giao) thì học hết lớp 9 là quyết định ở nhà lấy chồng. Hiện nay, mới 16 tuổi nhưng X. đã có thai 5 tháng. Bà L.T.N, mẹ X. lý giải: “Nó hợp nhau thì nó lấy thôi, để đến 18 tuổi, 20 tuổi mới lập gia đình thì sẽ khó. Số nó may mắn lấy được chồng tốt thì sẽ không khổ…”

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn thì nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là do nhận thức của người dân về chính sách dân số - KHHGĐ còn nhiều hạn chế. Các cặp tảo hôn khi tổ chức cưới đều không thông qua chính quyền địa phương, đợi đến khi đủ tuổi theo quy định thì mới đến UBND xã để đăng ký kết hôn và khai sinh cho con cái. Phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn đều sống phụ thuộc chủ yếu vào bố mẹ. Hệ lụy của việc tảo hôn là tình trạng đói nghèo, con cái còi cọc, suy dinh dưỡng do bố mẹ chưa trưởng thành nên ý thức và kinh nghiệm chăm sóc con cái còn rất nhiều hạn chế.

Cán bộ dân số, cộng tác viên dân số xã Ea Mdróh đến tận hộ gia đình  để tuyên truyền về dân số - KHHGĐ.
Cán bộ dân số, cộng tác viên dân số xã Ea Mdróh đến tận hộ gia đình để tuyên truyền về dân số - KHHGĐ.

Trong thời gian qua xã Ea Mdróh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn song hiệu quả chưa cao. Chị Đinh Thu Hồng, cán bộ chuyên trách Dân số - KHHGĐ xã Ea Mdróh cho biết: “Số lượng các vụ tảo hôn năm nay tăng cao so với năm 2015. Cán bộ chuyên trách dân số, cộng tác viên dân số cũng đã tích cực đi tuyên truyền, vận động nhưng hiệu quả không cao. Tảo hôn ở đây như một “phong trào”, thấy những bạn bè cùng trang lứa lấy chồng thì các em cũng đòi lấy chồng, phụ huynh cũng cho rằng lứa tuổi đó lấy vợ lấy chồng được rồi thì cũng đồng ý thôi”.

Có lẽ, để hạn chế tình trạng tảo hôn, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết và nhận thức của người dân về Luật Hôn nhân và gia đình cùng những hệ lụy của việc tảo hôn, chính quyền địa phương cũng cần có biện pháp xử phạt các trường hợp vi phạm để nêu gương trong cộng đồng dân cư. 

Theo Ban Dân số/KHHGĐ xã Ea Mdróh, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã đã ghi nhận được 12 trường hợp tảo hôn, tập trung ở các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: các thôn Đồng Giao, Đồng Tâm, Đoàn Kết, Hợp Thành, buôn Ea Mdróh và buôn Cuôr.


Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.