Multimedia Đọc Báo in

Phòng chống bệnh dại: Cần siết chặt quản lý vật nuôi

09:05, 10/05/2019

Hiện đang vào mùa nắng nóng, là thời điểm bệnh dại có thể bùng phát và diễn biến khó lường. Trong khi đó, tình trạng nuôi chó, mèo thả rông còn diễn ra khá phổ biến tại các địa phương trong tỉnh, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó nuôi chưa cao…

Nhiều trường hợp tử vong do bệnh dại

Những năm gần đây, mặc dù các biện pháp nhằm khống chế, loại trừ bệnh dại đã được triển khai, song số ca tử vong do bệnh dại ở Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng chưa có dấu hiệu giảm. Nếu như năm 2017, toàn tỉnh ghi nhận 5 trường hợp tử vong do bệnh dại, thì năm 2018, con số này đã tăng lên 7 trường hợp. Và mới đây, trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh dại đầu tiên trong năm 2019.

Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột tiêm vắc xin phòng dại cho chó tại địa bàn dân cư.
Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột tiêm vắc xin phòng dại cho chó tại địa bàn dân cư.

Theo nhận định của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp, nguy cơ phơi nhiễm bệnh từ động vật sang người chưa được kiểm soát, số người phơi nhiễm với vi rút dại liên tục tăng. Trong khi đó, nguyên nhân của những ca tử vong nói trên đều do chưa tiêm vắc xin phòng dại, không được sơ cứu ban đầu để xử lý vết thương sau khi bị chó, mèo cào, cắn. Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Hiện nay, rất nhiều người dân còn tâm lý chủ quan khi bị chó, mèo cào, cắn. Họ cho rằng chúng là vật nuôi trong nhà không có gì nguy hiểm nên không tiêm vắc xin phòng bệnh”. 

Vô tư nuôi chó thả rông

Những vụ việc về chó thả rông cắn chết bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên hay cắn đứt lìa 2 tai của bé trai 12 tuổi ở Thanh Hóa mới xảy ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng nuôi chó thả rông tại các khu dân cư. 

Tại Điều 4 của Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT, ngày 4-8-2009 của Bộ NN&PTNT về hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật quy định rõ: ở thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh nơi công cộng. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này vẫn không được nhiều chủ nuôi chấp hành. Ghi nhận tại nhiều tuyến đường, khu dân cư trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cho thấy, tình trạng nuôi chó thả rông, không rọ mõm khi ra đường vẫn xuất hiện khá phổ biến. Thậm chí, một số chủ nuôi còn chở chó cảnh đi dạo phố bằng xe máy mà không hề xích, rọ mõm. Còn tại khu vực nông thôn, hầu hết người dân đều xem việc nuôi chó thả rông là điều hiển nhiên, vì có như thế chó mới có thể giữ nhà, coi rẫy, canh trộm.

Giám sát, quản lý chưa chặt chẽ

Tại điểm a, b, khoản 2, Điều 7, Nghị định 90/2017/NĐ-CP, ngày 31-7-2017 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y cũng quy định: phạt tiền từ 600 - 800 nghìn đồng đối với các hành vi không tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng, không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Văn bản pháp luật quy định xử lý đã có, chế tài xử phạt cũng rõ ràng, song đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp nào nuôi chó thả rông bị nhắc nhở, xử phạt.

Xe loa tuyên truyền lưu động của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tuyên truyền tại các khu dân cư.
Xe loa tuyên truyền lưu động của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tuyên truyền tại các khu dân cư.

Đáng nói, chó nuôi thả rông không chỉ là tác nhân gây tai nạn giao thông, uy hiếp tính mạng người đi đường mà còn là nguyên nhân lây lan, phát tán bệnh dại khi phần lớn chó nuôi không được tiêm vắc xin phòng bệnh. Theo ông Thủy Lệ Vũ, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: “Hiện nay, ở thành phố, thị xã và các khu dân cư đông, đa số người dân đều nuôi chó cảnh nên việc quản lý tương đối dễ. Tuy nhiên, ở các khu vực  vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân lại nuôi nhiều chó cỏ, chủ yếu là thả rông để trông nhà, trông rẫy nên rất khó quản lý. Trong khi đó điều kiện kinh tế của người dân ở những khu vực này còn khó khăn, việc tiêm vắc xin phòng dại cho chó lại mất phí nên người dân không hưởng ứng nhiều. Tính từ đầu năm 2019 đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh mới tiêm được trên 50.000 liều vắc xin, đạt khoảng 25% so với tổng số lượng đàn chó nuôi trên địa bàn”.

Cũng theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giám sát đàn chó trên địa bàn, yêu cầu chủ nuôi đăng ký. Song thực tế, ý thức chấp hành của người nuôi từ việc đăng ký, tiêm ngừa bệnh dại còn rất hạn chế, trong khi chính quyền địa phương lại chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý. Ông Thủy Lệ Vũ nhìn nhận: “Chế tài xử phạt việc nuôi chó thả rông đã có nhưng rất thấp nên chưa tạo được sức răn đe. Hơn nữa, đa số các trường hợp bị chó hàng xóm cắn, thường cả nể và chọn biện pháp hòa giải nên cũng thiếu cơ sở để xử lý. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng chưa thực sự quyết liệt trong việc xử phạt các trường hợp vi phạm trên địa bàn”.

Được biết, để nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành quy định, chủ động tiêm phòng cho chó nuôi, thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng việc dùng xe có gắn loa phát thanh đi tuyên truyền lưu động tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố, đồng thời đẩy mạnh việc tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo. Tuy nhiên, để tạo được hiệu quả lâu dài, cần phải có sự phối hợp đồng bộ của chính quyền địa phương và người nuôi chó, mèo.

Bộ Y tế khuyến cáo, khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm, người dân phải rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%; hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đồng thời đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời, tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc