Multimedia Đọc Báo in

Quản lý nhà nước về bảo hộ chỉ dẫn địa lý: Làm thế nào để nâng cao hiệu quả ở Tây Nguyên?

08:52, 26/10/2020

Tính đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có 3 đặc sản được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý (CDĐL), gồm: Cà phê Buôn Ma Thuột ở Đắk Lắk (2005), sâm Ngọc Linh (2016) và cà phê Đắk Hà (2019) ở Kon Tum.

Có thể nói, xây dựng và đăng ký bảo hộ CDĐL đã khó, quản lý, duy trì và phát triển các CDĐL đã được bảo hộ để những sản phẩm này thực sự mang lại lợi ích, cải thiện đời sống cho người dân địa phương là điều còn khó khăn hơn.

Du khách Nha Trang tìm hiểu cà phê
Du khách Nha Trang thích thú khám phá những hiểu biết mới về cà phê tại Làng cà phê Trung Nguyên. Ảnh: Nguyên Hoa

Có một điểm chung là các CDĐL đang được bảo hộ ở Tây Nguyên đều do các tổ chức thuộc hệ thống chính quyền địa phương nộp đơn đăng ký và trực tiếp thực hiện vai trò quản lý; sự tham gia của các nhà sản xuất, doanh nghiệp, hiệp hội các nhà sản xuất và kinh doanh là rất hạn chế. Tuy nhiên, phát triển các sản phẩm đặc sắc của địa phương không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước hay riêng địa phương đó mà là của cả cộng đồng. Nếu chúng ta không thiết lập được một cơ chế quản lý và phối hợp quản lý hiệu quả thì rất khó để phát huy những tiềm năng hiện có, cũng như những giá trị to lớn mà CDĐL mang lại.

Nhìn chung, hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại các địa phương thời gian qua đã được chú trọng và tăng cường, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp trong khai thác và phát triển tài sản trí tuệ địa phương. Thế nhưng, để hoạt động này ngày càng phát huy hiệu quả nhằm hỗ trợ tốt nhất các nhà sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị của các đặc sản vùng miền và quan trọng hơn cả là góp phần cải thiện đời sống, thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân, thiết nghĩ các địa phương cần thực hiện các giải pháp sau:

Tăng cường sự phối hợp giữa Nhà nước và các cá nhân, tổ chức có liên quan. CDĐL có thể được coi là thương hiệu của một vùng và là một phần của thương hiệu quốc gia, vì thế không thể chỉ một địa phương hay một cá nhân, tổ chức có thể tự mình xây dựng CDĐL và khai thác tối đa các lợi ích mà nó mang lại. Mỗi chủ thể đều đóng một vai trò quan trọng riêng, đều có một trách nhiệm riêng và chính sự phối hợp linh hoạt, đúng chức năng, đúng thẩm quyền sẽ góp phần tạo nên giá trị.

Công ty cổ phần Cà phê An Thái  An Thái là một trong những thành viên tích cực của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, góp phần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Buôn Ma Thuột Coffee
Công ty cổ phần Cà phê An Thái là một trong những thành viên tích cực của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, góp phần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Buôn Ma Thuột Coffee. Ảnh: Nguyên Hoa 

Cùng với đó, đảm bảo sự phối hợp giữa doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý địa phương để quản lý hiệu quả sản phẩm đã được bảo hộ. Chính nét đặc thù trong quy định pháp luật Việt Nam về các chủ thể của quyền sở hữu công nghiệp đối với CDĐL đã tạo ra một sự phân chia về quyền và nghĩa vụ giữa chủ sở hữu, chủ thể quản lý và chủ thể sử dụng CDĐL. Vì thế, để cơ chế quản lý hiện hành thực sự phát huy hiệu quả, bên cạnh việc chú trọng hoàn thiện bộ máy, nâng cao năng lực chuyên môn của các cơ quan chuyên trách hay hỗ trợ nhiệt tình cho các doanh nghiệp thì các chính sách, quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác, hỗ trợ giữa các cơ quan quản lý với nhau và với các doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết. Nếu các chủ thể này có thể phối hợp chặt chẽ thì sẽ góp phần tạo dựng được một cơ chế quản lý thông suốt và hiệu quả.

Nâng cao nhận thức của các chủ thể (cơ quan nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân) về giá trị, tầm quan trọng và lợi ích của việc đăng ký CDĐL, cũng như tạo dựng niềm tin về hiệu quả mà CDĐL mang lại. Để làm được như vậy thì việc cung cấp và tiếp nhận thông tin là điều then chốt, bởi vì thông tin hiện đang là vấn đề yếu kém mà các cá nhân, cơ sở sản xuất hay hiệp hội quản lý CDĐL đều đang gặp phải. Có thể nói, nếu trang bị cho các chủ thể những kiến thức và thông tin cần thiết về bảo hộ CDĐL trong nước và quốc tế; về những rủi ro, nguy cơ bị xâm phạm có thể xảy ra thì mới có thể nâng cao nhận thức của họ về vấn đề này.

Việc bảo hộ thành công CDĐL là kết quả quan trọng nhưng mới chỉ là bước khởi đầu. Nhiệm vụ quan trọng hơn là phải duy trì và phát triển để chúng xứng đáng là thương hiệu mạnh của quốc gia, qua đó đem đến những lợi ích thiết thực cho người dân. Vì lẽ đó mà công tác quản lý nhà nước càng phải được chú trọng, vừa đảm bảo đúng pháp luật, vừa linh hoạt với đặc điểm của mỗi vùng miền, vừa phù hợp với nhu cầu thị trường ở từng giai đoạn. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ trở thành công cụ thương mại quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và thâm nhập thị trường. Các tỉnh ở Tây Nguyên có tiềm năng rất lớn với các loại nông sản ngon, dược liệu quý. Hy vọng trong thời gian tới sẽ còn có nhiều sản phẩm đặc trưng của vùng đất này có thể vươn xa ở thị trường trong nước và quốc tế nhờ chú trọng hơn công tác quản lý nhà nước về bảo hộ CDĐL.

Đặng Công Nhật Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.