Multimedia Đọc Báo in

Cô Hiệu trưởng có duyên với xây dựng trường chuẩn quốc gia

10:45, 09/12/2013
Sau khi tốt nghiệp Trường Trung học sư phạm Dak Lak, cô Phạm Thị Nguyệt được phân công về công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, huyện Krông Buk (nay là TX.Buôn Hồ).

Sau 13 năm công tác tại trường, từ một giáo viên, Chủ tịch Công đoàn trường, cô Nguyệt đã phấn đấu, học thêm để tốt nghiệp Đại học sư phạm và được bổ nhiệm Hiệu phó vào năm 1999. Cô cùng tập thể giáo viên trong trường đã đưa Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi từ một trường còn khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt trở thành trường Chuẩn quốc gia mức độ 1. Đến năm 2008, cô Nguyệt được phân công về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân. Với năng lực thực tiễn và trách nhiệm của mình, cô đã lãnh đạo nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, đưa Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân từ đơn vị giáo dục có chất lượng dạy và học ở mức trung bình trở thành trường có nhiều giáo viên và học sinh đạt giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Bên cạnh đó, cô còn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường học cho nhà trường nên năm 2011 Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân cũng được công nhận trường Chuẩn quốc gia mức độ 1.

Cô Phạm Thị Nguyệt đang hướng dẫn học sinh múa hát.
Cô Phạm Thị Nguyệt đang hướng dẫn học sinh múa hát.

Luôn trăn trở làm thế nào để  thu hút học sinh đến trường và nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, cô Nguyệt thường xuyên sắp xếp thời gian cùng đội ngũ giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi. Cô và Ban Giám hiệu nhà trường tích cực tổ chức các hoạt động thu hút học sinh đến trường như: múa hát tập thể, các trò chơi dân gian…. (Bản thân cô đã trực tiếp tham gia Hội thi kể chuyện “Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và đoạt giải Nhì cấp thị xã, giải Khuyến khích cấp tỉnh). Nhờ vậy, từ nhiều năm nay, Trường Nguyễn Văn Trỗi và Trường Nguyễn Viết Xuân đều không có tình trạng học sinh bỏ học, thậm chí nhiều học sinh ở địa bàn khác cũng xin về học tại 2 trường này. Nhà ở TP.Buôn Ma Thuột cách trường hơn 30km nhưng hằng ngày, từ sáng tới chiều cô Nguyệt đều có mặt ở trường. Nhiều buổi tối phải ở lại trường để họp chi bộ, họp trường hoặc cùng với địa phương giải quyết công việc nhưng cô Nguyệt chưa bao giờ nề hà; ngược lại, cô coi công việc là niềm vui, là niềm tự hào của bản thân. Là Bí thư Chi bộ nhà trường, cô đã lãnh đạo Chi bộ Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh” liên tục nhiều năm liền. Bản thân cô Nguyệt cũng nhiều năm liên tục được Thị ủy, UBND thị xã và  Sở GD-ĐT khen thưởng, tuyên dương. Năm học 2012-2013, cô Nguyệt được công nhận “Chiến sĩ thi đua” cấp Thị xã.

Tháng 9-2013, Phòng GD-ĐT TX.Buôn Hồ lại điều động cô Phạm Thị Nguyệt về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, một trường có chất lượng dạy và học tốt và là trường Chuẩn quốc gia mức độ 1. Nhận nhiệm vụ ở đơn vị mới, cô giáo Phạm Thị Nguyệt tràn đầy quyết tâm phấn đấu cùng với tập thể nhà trường đưa Trường Nguyễn Tất Thành trở thành trường Chuẩn quốc gia mức độ 2 trong thời gian tới.

Ngô Trung Việt


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.