Multimedia Đọc Báo in

Bài học ân tình

09:30, 07/12/2013
Có lẽ ai cũng có một ngôi trường gắn liền với tuổi thơ nghịch ngợm và vụng dại. Ở đó xen lẫn những kỷ niệm vui buồn, có cảm xúc rưng rưng, có ngọt ngào ân tình của thầy cô dù là nhẹ nhàng nhưng vẫn hằn sâu thương nhớ. Đặc biệt, với bọn trẻ lớn lên từ vùng đất đỏ bazan như chúng tôi, mái trường như cũng mang vị nồng nồng của đất đỏ và hương thơm ngào ngạt của hoa rừng, nhất là tình cảm của thầy cô đến từ các tỉnh miền Bắc xa xôi.

Còn nhớ những năm đầu theo gia đình đi xây dựng kinh tế mới ở Dak Lak chúng tôi đi trên con đường nhỏ như nét vẽ ngoằn ngoèo dưới bạt ngàn núi rừng để đến trường. Ngôi trường cũng rất nhỏ núp dưới tán cây cổ thụ, học sinh đứng để học vì thiếu thốn quá nhiều, kể cả bàn ghế. Bù lại ở đó có ân tình nồng ấm của cô thầy. Tình thương ngày ấy đi vào tâm hồn tôi như một thứ nhựa sống mạnh mẽ và đã ươm mầm, nuôi dưỡng ước mơ cho tôi.

Nhớ hoài những bài học ân tình cô giáo dạy môn Văn năm cuối cấp 2 đã dành cho chúng tôi. Tình thương cô dành cho học trò thể hiện ở từng bài giảng. Cô dạy tận tình, lời giảng của cô đưa chúng tôi đi vào thế giới trong tác phẩm. Những mảnh đời bất hạnh, những ấm lạnh sang hèn, những ân tình nồng ấm thiêng liêng hay bon chen tranh cạnh …  trong các tác phẩm cô đều giúp chúng tôi cảm nhận được. Cô giúp học trò nhận ra những mảng sáng, tối của cuộc sống và biết khen chê để rút ra bài học cho mình. Năm cuối cấp 2 cũng là năm tôi nhận ra cô là người đầu tiên dạy học sinh không theo kiểu hô hào khẩu hiệu. Cô không hề nói đến thành tích, càng không nhắc đến chuyện tiền bạc. Cô dạy như tự cháy hết mình cùng tác phẩm để cho chúng tôi có được tiết học hay nhất. Năm học đó nhà trường có tổ chức dạy ôn tập cho học sinh thi tốt nghiệp THCS, tôi với mấy đứa bạn không có tiền nộp nên không học. Tuy vậy chúng tôi vẫn đến lớp học ôn. Phần vì lo, phần thích nghe cô giảng nên bọn tôi đứng bên ngoài nghe rồi ghi chép. Một lần mấy đứa “học trộm” chúng tôi bị phát hiện. Trước vẻ hoảng sợ của chúng tôi cô mỉm cười gọi lại gần. Cô bất ngờ dang tay ôm chúng tôi và bảo vào lớp, lúc quay đi tôi nghe cô nói nhỏ như đang tự nói với mình: “khát vọng học tập của học sinh mới đáng quý”. Cô còn dặn cả lớp không nhắc đến chuyện nộp tiền khi vào học vì “tiền quan trọng nhưng không quý bằng tình người”.

Có lần cô gọi tôi lên bảng trả bài, vì đôi dép nhựa đã đứt một chiếc nên tôi lê một chân đi khập khiễng. Cô nhìn thấy và bảo tôi về chỗ. Cuối buổi học hôm ấy cô gọi tôi vào phòng nội trú. Cô vội vàng lục tìm hai chiếc xăm xe đạp cô mua theo tiêu chuẩn rồi mượn xe cô giáo phòng bên đi ra. Khi trở về tôi thấy cô rất vui, cô cầm đôi dép nhựa màu trắng đưa cho tôi như người mẹ trao con một món quà. Hôm ấy tôi ra về với tâm trạng vui mừng, mỗi lần quay lại tôi đều thấy cô nhìn theo cười vui vẻ. Ngày ấy ngây thơ tôi đâu để ý chiếc xe đạp cô dựng ở góc phòng đã xẹp lốp…

Đó là những kỷ niệm đẹp về tình thương cô giáo dành cho tôi và lũ học trò nghèo từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Đã mấy chục năm rồi, tình thương ấy trở thành những bài học ân tình quý báu, nhất là trong cuộc sống hiện nay.

Tôi lớn lên lựa chọn đi trên con đường cô đã đi. Đứng trên bục giảng với khăn bàn, lọ hoa, phấn không bụi lại càng thương những thầy cô giáo cũ lên lớp mà bụng vẫn chưa no. Cũng đôi khi chạnh lòng xấu hổ vì mình hôm nay chưa làm được điều cô dạy bảo. Nhiều lần thảng thốt gọi thầm: ta ơi, đâu rồi lời hứa xưa với những người đã cho ta con chữ vào đời? Đứng trên bục giảng mang những con chữ , những bài học ngày xưa cô đã dạy trao lại cho thế hệ sau, niềm vui lớn nhất là được sống trong cái nôi mình đã lớn lên. Hôm nay và mãi về sau sẽ còn được sống hoài với kỷ niệm về ngôi trường nghèo khó nhưng đầy ắp tình người.  Và, tự hứa với lòng sẽ mang bài học ân tình cô cho trao lại thế hệ sau để còn hoài tình thương ngày ấy.

Lê Quang Thọ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.