Multimedia Đọc Báo in

Giúp trẻ cách chọn bạn mà chơi

09:21, 06/12/2013
Ngoài ảnh hưởng rất lớn từ sự giáo dục của gia đình, nhà trường thì việc trẻ được tiếp xúc và giao lưu với bạn bè xung quanh cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến hình thành nhân cách của trẻ.

Tục ngữ có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”; hay “Ở chọn nơi, chơi chọn bạn”… Vì vậy, việc dạy trẻ biết cách chọn bạn tốt để chơi không những giúp trẻ làm quen với môi trường giao tiếp cộng đồng trong xã hội mà còn giúp trẻ không bị ảnh hưởng bởi những tác nhân xấu xung quanh, biết tự bảo vệ mình cũng như phân biệt được cái hay - cái đẹp, cái tốt - cái xấu trong cuộc sống.

Ngay cả người trưởng thành với tầm hiểu biết và nhận thức hơn hẳn so với trẻ mà đôi khi vẫn bị ảnh hưởng bởi môi trường sống và mọi người xung quanh. Với trẻ, điều này càng dễ hơn bởi khả năng hiểu biết và nhận thức của trẻ chưa cao, trẻ chưa có kỹ năng và thói quen nhận thức, phản ứng theo chuẩn mực của xã hội. Khi còn nhỏ, nhân cách của trẻ đang được định hình nên giai đoạn này trẻ thường có thói quen bắt chước, làm theo mọi người xung quanh. Vì vậy, khi tiếp xúc với cái xấu, người xấu, trẻ rất dễ thay đổi tính nết, sinh hư hoặc có những hành vi lệch chuẩn. Nếu trẻ được tiếp xúc, học và chơi với những người bạn tốt sẽ giúp cho trẻ có những hành vi đúng đắn, phù hợp như: biết tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau học tập tiến bộ, thậm chí trẻ còn có thể khắc phục những khuyết điểm của bản thân thông qua sự góp ý của những người bạn xung quanh. Ngược lại, nếu trẻ tiếp xúc và chơi với bạn bè xấu, trẻ sẽ dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc thậm chí là bị lợi dụng làm những điều sai trái và hậu quả là tính cách và nhân cách của trẻ bị biến thái, dễ nảy sinh cái ác và tội lỗi… Nhiều cha mẹ thường có quan niệm rằng: hãy để trẻ phát triển một cách tự nhiên, không nên can thiệp nhiều vào đời sống của trẻ theo ý mình muốn. Có lẽ quan niệm này chưa hẳn là đúng bởi để trẻ phát triển tự nhiên không có nghĩa cha mẹ không có sự can thiệp, không nên dành cho trẻ sự chiều chuộng hay ưu ái quá mức mà cần sự chỉ bảo và định hướng cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

Muốn làm được điều đó, trước tiên, cha mẹ phải trang bị cho trẻ thái độ tiếp nhận và lắng nghe những góp ý cũng như những lời khuyên hữu ích dành cho trẻ của mọi người nhất là gia đình, tránh việc trẻ rơi vào tình trạng quá tự tin vào bản thân mà bỏ ngoài tai những định hướng từ cha mẹ. Cha mẹ cũng cần nắm bắt và theo dõi những thay đổi của con mình để kịp thời uốn nắn bằng cách: khi trẻ ở nhà, cha mẹ cần chú ý nghe trẻ kể chuyện bạn bè mà trẻ hay chơi và tiếp xúc. Đồng thời, hãy chú ý đến những biểu hiện của trẻ để xem trẻ đang học những tính tốt hay xấu từ bạn. Bên cạnh đó, cha mẹ cần trao đổi với trẻ nguyên tắc chọn bạn tốt ngay khi trẻ còn nhỏ. Việc trang bị những kiến thức về ứng xử, cách chơi với bạn, cách kết bạn… cũng cần được cha mẹ quan tâm và định hướng giúp trẻ tìm hiểu ngay từ nhỏ. Cha mẹ cần giúp trẻ cách phân biệt bạn tốt và bạn xấu qua lời nói, thái độ và hành động từ bạn bè xung quanh. Ngoài ra, cha mẹ cũng không nên áp đặt trẻ phải chọn bạn theo kiểu như: cùng lứa tuổi, chỉ được chơi với bạn học giỏi, con nhà giàu có… Điều này vô tình khiến con trẻ bị gò ép và cấm đoán trong việc chọn bạn chơi. Khi nhận thấy trẻ đang chơi với bạn không tốt, cha mẹ nên trao đổi tế nhị với trẻ để trẻ dần nhận ra, tránh áp đặt trẻ và làm tổn thương tâm lý trẻ (đặc biệt là đối với trẻ là nữ).

Cha mẹ phải là những “nhà tâm lý”, những “bác sĩ tinh thần” thường xuyên cho con trẻ mới có thể góp phần giúp chúng hoàn thiện nhân cách và vững vàng hơn trong cuộc sống.

Cao Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.