Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn đường đến giảng đường đại học

15:31, 26/07/2014

Kỳ thi tuyển sinh vào Trường Đại học Tây Nguyên năm 2014 đã kết thúc, song nhiều người có dịp chứng kiến đã không khỏi khâm phục nghị lực, khát khao cháy bỏng của những thí sinh nghèo, nỗ lực vượt qua hoàn cảnh để đến được với kỳ thi mơ ước…

Chắt chiu từng đồng để đi thi đại học

Phải mất hơn 10 phút sau tiếng chuông báo hiệu hết giờ làm bài môn thi cuối cùng của khối C, thí sinh Trần Thị Minh Phương, dự thi ngành Giáo dục tiểu học mới ra đến cổng Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP. Buôn Ma Thuột). Chuyện là sau khi hoàn thành bài làm môn Ngữ văn, Phương vội vàng điện thoại thông báo cho mẹ về kết quả bài làm và cả tin vui được Hội Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên hỗ trợ 500.000 đồng. Gặp tôi Phương buồn rầu kể về hoàn cảnh gia đình: Bố ốm liệt giường nhiều năm nay, mẹ đi làm thuê xa thỉnh thoảng mới về nhà. Trước lúc lên xe đò về nhà ở huyện Sa Thầy (Kon Tum), bất giác Phương hỏi: “Chị có thể giúp em một chiếc xe lăn cho bố được không? Bố em bệnh nặng không đi lại được nhiều năm nay rồi!”. Mỗi lần đi học hay đi làm thêm thấy ai ngồi xe lăn em đều lân la hỏi mua xe ở đâu, bao nhiêu tiền. Hỏi cũng chỉ để thỏa mãn khát khao có một chiếc xe lăn cho bố, chứ gia đình em không bao giờ có có đủ tiền để mua chiếc xe lăn trị giá hơn một triệu đồng”.

Để nuôi ước mơ trở thành sinh viên đại học, Phương phải đi rửa chén cho các quán ăn ở chợ huyện Sa Thầy, đi nhổ củ mì, làm cỏ bắp lấy tiền nộp học phí và nuôi heo đất để có chi phí cho kỳ thi đại học. Hôm biết kết quả thi tốt nghiệp, Phương khui heo đất, đếm được hơn 400.000 đồng. Thương con gái một mình dặm trường vất vả, mẹ cho thêm 300.000 đồng để làm lộ phí và không quên căn dặn không nên quá tằn tiện  để bảo đảm sức khỏe thi. Biết tính mẹ lo xa, trả lại tiền mẹ sẽ càng lo lắng, trước hôm lên đường sang Buôn Ma Thuột, Phương lén để vào túi mẹ toàn bộ số tiền tiết kiệm, qua tới nhà trọ mới điện thoại về báo để mẹ có tiền lo cơm nước, thuốc thang cho ba và các em. Hơn nửa tháng trọ học, vỏn vẹn 300.000 đồng với đủ thứ phải chi trả nên Phương chỉ dám ăn mì tôm trừ bữa. Phương thổ lộ: “Ăn mì tôm hơn 10 ngày, em không còn đủ sức, nhiều anh chị sinh viên khuyên em xin cơm “tiếp sức mùa thi”, nhưng em ngại. Nhìn em cứ thập thò tại điểm tiếp sức, bác bảo vệ đã dắt em tới nhờ các anh chị tình nguyện giúp đỡ”.

Đại diện Hội Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên trao tiền  hỗ trợ cho thí sinh Trần Thị Minh Phương.
Đại diện Hội Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên trao tiền hỗ trợ cho thí sinh Trần Thị Minh Phương.

Thương mẹ bệnh tật không ai chăm sóc

Cũng tại điểm thi Trường THCS Trần Hưng Đạo trong đợt thi thứ 2, nhiều thí sinh và người nhà không khỏi chạnh lòng khi thấy một sĩ tử đến trường thi với bộ quần áo nhàu cũ. Đó là thí sinh Huỳnh Tấn Tùng, đến từ xã An Phong, huyện Hoài Ân, Bình Định, dự thi khối C. Trong khi đợi người cháu họ làm bài ở môn thi cuối cùng, anh Huỳnh Văn Long (nhà ở huyện Krông Buk) cho biết, sẩm tối ngày 8-7, Tùng mới từ Bình Định lên đến Krông Buk, hai chú cháu chỉ kịp ăn chén cơm rồi vội vã chạy xe máy lên Buôn Ma Thuột tìm điểm thi. Gần 22 giờ đêm mới tới nơi, trời tối, lại không quen biết ai, đành gõ cửa nhờ bác bảo vệ điểm thi cho ngủ nhờ. Thật may mắn, không chỉ được bác bảo vệ cho tá túc qua đêm, Tùng còn được các anh chị sinh viên tình nguyện hỗ trợ trong suốt những ngày thi. Hoàn cảnh của Tùng rất đáng thương, ba đi làm ăn xa, còn mẹ bị bệnh tâm thần, ba anh em Tùng gần như phải tự bảo bọc nhau. Hành trang đi thi của Tùng chỉ có sách vở bỏ trong chiếc bao đựng gạo và một bộ quần áo mặc trên người. Thương cháu, anh Long lấy tạm một bộ quần áo của con trai đang học THPT để Tùng mặc đi thi. Tùng chia sẻ: mẹ không cho đi thi, bởi nếu đi học xa sẽ không có ai đỡ đần công việc nhà và lo cho hai em còn quá nhỏ. Với khát khao có một việc làm ổn định để nuôi thân và có thêm điều kiện chăm sóc mẹ và hai em, Tùng đã không quản ngại vất vả suốt 12 năm miệt mài đèn sách để hôm nay đến với kỳ thi đại học. Lộ phí đi thi chỉ vỏn vẹn 170.000 đồng cùng với 100.000 đồng bà nội bán lúa cho - số tiền cũng chỉ đủ tiền xe đi từ Bình Định đến huyện Krông Buk. Nhận 500.000 đồng hỗ trợ thí sinh nghèo, Tùng nói: “Cả ba môn thi em đều làm bài rất tốt, em tin mình sẽ đỗ đại học. Nhưng đỗ rồi không biết lấy tiền đâu chi phí mấy năm học, còn mẹ và hai em ai chăm sóc!”

Hội Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên có nhiều việc làm hỗ trợ
Hội Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên và những việc làm hỗ trợ thí sinh nghèo

 Trong gần 20.000 thí sinh dự thi vào Trường Đại học Tây Nguyên năm nay còn rất nhiều những hoàn cảnh thương tâm, nhưng nghị lực của các bạn thật đáng khâm phục. Con đường vào đại học vẫn còn đó lắm nỗi gian truân khi gia đình các em thuộc diện nghèo, kinh tế khó khăn, bố mẹ bệnh tật… Thế nhưng, trước niềm vui về ước mơ lớn đang dần thành hiện thực, các em vẫn vững tin vào tương lai. 

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.