Multimedia Đọc Báo in

Đại dịch Covid-19: Lo ngại nguy cơ về làn sóng lây nhiễm thứ hai

10:20, 15/05/2020
Thế giới bước sang tuần mới với thêm một số nước châu Âu và bang New York của Mỹ bắt đầu tiến trình nới lỏng phong tỏa. Tuy nhiên các ca mới lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại Trung Quốc và Hàn Quốc báo hiệu nguy cơ của làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Ngày 13-5, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo có 2 ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng sau 3 tuần không ghi nhận ca mắc mới. Đáng chú ý, cả 2 ca mắc mới tại Hong Kong không liên quan đến những người ở nước ngoài về. Hai ca bệnh này là một phụ nữ 66 tuổi, làm nội trợ và cháu gái 5 tuổi.

Hong Kong được coi là một trong những nơi khống chế thành công đại dịch Covid-19, với hầu hết các ca lây nhiễm từ bên ngoài và được cách ly ngay lập tức. Việc phát hiện các ca nhiễm mới làm tăng quan ngại về nguy cơ tái bùng phát lây nhiễm trong cộng đồng.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Seoul, Hàn Quốc.    Ảnh: Yonhap/TTXVN
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Hầu như cả đất nước Trung Quốc đã bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường và ngày 11-5, khu vui chơi Disneyland Thượng Hải đã mở cửa trở lại sau ba tháng đóng cửa. Nhưng niềm vui này sớm bị dập tắt khi liên tiếp có những ca lây nhiễm mới trong cộng đồng tại Vũ Hán, tất cả ở cùng một khu dân cư và hầu hết là người cao tuổi.

Các quan chức Hàn Quốc cũng đã ra lệnh đóng cửa các quán bar và vũ trường ở tâm dịch mới tại thủ đô Seoul - “khu phố Tây” Itaewon, nơi có ít nhất 100 ca nhiễm mới. Ổ dịch Itaewon bùng phát cũng đã buộc Bộ Giáo dục Hàn Quốc phải đưa ra quyết định lùi thời điểm học sinh trở lại trường thêm một tuần nữa. Điều đáng chú ý là các cơ quan chức năng mới chỉ liên lạc và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm gần 50% trong số hơn 5.500 người thuộc diện nghi ngờ nhiễm vi rút SARS-CoV-2 khi đã đến khu vực Itaewon trong tuần nghỉ lễ vừa qua.

Không chỉ riêng Hàn Quốc, Trung Quốc, các nhà quan sát cũng đang nhìn vào thực tế tại Singapore. Đầu tháng 4-2020, quốc gia Đông Nam Á này chỉ ghi nhận chưa đến 2.000 trường hợp mắc Covid-19 nhưng đến nay đã tăng vọt tới 23.000 trường hợp. Đây là rủi ro tiềm ẩn của việc nới lỏng các hạn chế quá sớm và quan điểm sai lầm cho rằng họ đã chiến thắng trong cuộc chiến dù nó mới chỉ bắt đầu. Chính phủ Singapore đang đẩy mạnh việc tìm kiếm những người đã tiếp xúc với người bệnh, hạn chế di chuyển, thậm chí triển khai chó robot để khuyến khích giãn cách xã hội, trong một nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

Tình trạng trên cho thấy tình huống khó xử của các chính phủ trên toàn thế giới khi vừa phải tìm cách khôi phục nền kinh tế đình đốn, vừa phải kiểm soát đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người và khiến hơn 4 triệu người lây nhiễm.

Với hàng triệu người bị thất nghiệp và các nền kinh tế lao đao vì dịch bệnh, các chính phủ đều muốn nhanh chóng khôi phục nền kinh tế, nhưng hầu hết đều chọn cách tiếp cận nới lỏng phong tỏa từng bước một và thận trọng.

Tại Mỹ, Thống đốc bang New Yok Andrew Cuomo tuyên bố cho phép ba khu vực nông thôn miền Bắc của bang nối lại các hoạt động bình thường vào cuối tuần này. Tuy nhiên, trước mắt sẽ chỉ có ngành xây dựng, sản xuất và bán lẻ được phép mở cửa trở lại.

Hầu như toàn bộ các nước thành viên Liên minh châu Âu đã chính thức bước vào thời kỳ dỡ bỏ phong tỏa. Tuy nhiên, việc nới lỏng những hạn chế này lại diễn ra trong sự lo ngại bao trùm về nguy cơ một làn sóng lây nhiễm thứ hai sau mùa hè. Đường cong dịch bệnh giảm và nhiệt độ tăng cao dễ làm nảy sinh tâm lý chủ quan ở một số người, vốn có khuynh hướng không tôn trọng các quy tắc về vệ sinh và giãn cách xã hội.

Ngày 11-5, lần đầu tiên trong vòng gần 8 tuần, người dân Pháp có thể ra đường mà không cần xin phép và một số cửa hàng đã mở cửa trở lại, nhưng Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran nêu rõ nếu tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh trở lại, Chính phủ Pháp sẽ "một lần nữa triển khai các biện pháp phong tỏa". Tại Tây Ban Nha, nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm, chỉ một phần đất nước được dỡ bỏ phong tỏa. Nhiều thành phố lớn như Madrid hay Barcelona vẫn phải thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Trong khi đó tại Đức, quốc gia vẫn luôn được xem là một hình mẫu tại châu Âu về quản lý khủng hoảng, thì mốc 50 ca mắc mới trên 100.000 người dân đã bị phá vỡ tại 3 khu vực. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi trong giai đoạn dịch bệnh mới này, điều rất quan trọng là người dân phải tuân thủ các quy tắc cơ bản, tức là giữ khoảng cách, đeo khẩu trang che miệng và mũi.

Ủy ban châu Âu cũng đã kêu gọi các chính phủ sẵn sàng cho nguy cơ một làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai. Theo Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Stefan de Keersmaecker, cần phải tận dụng mọi cơ hội để cải thiện các hệ thống giám sát và phải đảm bảo mọi người dân đều hiểu rằng, nguy cơ một làn sóng lây nhiễm có thể xảy ra.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cũng khuyến cáo rằng với dự đoán làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 có thể tấn công trở lại mạnh mẽ vào cuối năm nay, người dân Hàn Quốc cần tiếp tục tuân thủ nghiêm các quy định giãn cách xã hội để hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Hàn Quốc đang cân nhắc tái áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định "sự cảnh giác cực độ" là cần thiết bởi nhiều quốc gia bắt đầu dỡ bỏ các lệnh phong tỏa. Người đứng đầu chương trình các tình trạng khẩn cấp của WHO, Tiến sĩ Mike Ryan cảnh báo: "Dù dịch bệnh tiếp tục diễn biến ở mức độ ít nghiêm trọng nhưng lại không có khả năng điều tra các nhóm bệnh nhân, thì sẽ luôn có khả năng loại vi rút này sẽ bùng phát trở lại".

Hồng Hà (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.