Multimedia Đọc Báo in

Đại hội đồng WHO: Thông qua nghị quyết yêu cầu điều tra về Covid-19

13:49, 22/05/2020
Ngày 19-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kết thúc phiên họp thường niên chính thức, trong đó, các quốc gia thành viên quyết tâm xúc tiến một cuộc điều tra độc lập về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19 của WHO.

Đại hội đồng WHO đã chính thức thông qua nghị quyết kêu gọi điều tra độc lập về sự ứng phó của cơ quan này trước đại dịch Covid-19. Văn kiện được toàn bộ 194 thành viên ủng hộ, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Nghị quyết yêu cầu tiến hành càng sớm càng tốt một cuộc đánh giá khách quan, độc lập và đầy đủ về phản ứng quốc tế dưới sự điều phối của WHO nhằm đối phó với đại dịch Covid-19, để từ đó cải thiện năng lực phòng ngừa, sự sẵn sàng và phản ứng toàn cầu trước các đại dịch. Cuộc điều tra sẽ phải xem xét một cách kỹ lưỡng những biện pháp mà WHO đã thực hiện khi đối mặt với đại dịch Covid-19.

Quá trình điều tra sẽ được thực hiện thông qua các cuộc phỏng vấn với những nhân viên hàng đầu của WHO, các chuyến thăm trực tiếp, xem xét tài liệu và các cuộc họp với những quốc gia bị ảnh hưởng, cũng như việc liệu các nước thành viên của WHO có tuân thủ nghĩa vụ của họ theo Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) hay không.

 Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 tại một bệnh viện ở Moskva, Nga ngày 17-5-2020.  Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 tại một bệnh viện ở Moskva, Nga ngày 17-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

IHR là một tập hợp các yêu cầu ràng buộc về mặt pháp lý đối với mỗi quốc gia để xây dựng và duy trì năng lực y tế công cộng nhằm bảo vệ người dân trước sự lây lan của dịch bệnh. IHR được tạo ra vào năm 2005, như một phần của phản ứng toàn cầu nhằm tăng cường năng lực y tế cộng đồng sau đại dịch SARS năm 2003-2004. Hiện giờ văn bản vẫn chưa được cập nhật.

Nghị quyết được thông qua sau những chỉ trích liên tiếp từ phía Mỹ. Đỉnh điểm là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi giữa tháng 4 vừa qua ngừng tài trợ cho WHO, thậm chí còn đe dọa dừng tài trợ vĩnh viễn, cũng như rút khỏi cơ quan này nếu không có sự thay đổi đáng kể trong 30 ngày. Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất của WHO.

WHO đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích trong thời gian gần đây về cách thức đối phó dịch bệnh. Nhiều ý kiến cho rằng WHO đã phục thuộc quá nhiều vào các số liệu “đáng nghi vấn” của Trung Quốc, kết quả là lãng phí thời gian quý báu trong việc tuyên bố đại dịch toàn cầu.

Tuy nhiên, việc nghị quyết đã được toàn thể các thành viên WHO thông qua không có nghĩa là cuộc tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc đã được dàn xếp. Trong khi Trung Quốc tiếp tục khẳng định sự ủng hộ với WHO, chỉ trích chính quyền Mỹ tìm cách chối bỏ các nghĩa vụ đối với WHO, cũng như phủ nhận nỗ lực của Trung Quốc trong cuộc chiến chống Covid-19, thì Mỹ lại kêu gọi một cơ quan y tế Liên hiệp quốc minh bạch và đáng tin cậy hơn.

Một số chuyên gia cho rằng, căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến cuộc điều tra độc lập về Covid-19 trở nên khó khăn hơn.

Phát biểu với tờ Global News, bà Ilona Kickbusch, Chủ tịch Trung tâm Y tế toàn cầu tại Viện nghiên cứu và phát triển Quốc tế ở Geneve cho rằng, những căng thẳng địa chính trị hiện nay có thể gây khó khăn cho việc tìm ra một giải pháp làm hài lòng cả Mỹ và Trung Quốc. Bà Ilona Kickbusch từng là thành viên của Hội đồng đánh giá Ebola, có nhiệm vụ xem xét phản ứng của WHO khi dịch Ebola bùng phát vào năm 2014 và 2015. Chuyên gia này nhấn mạnh, các quốc gia thành viên cần phải tìm kiếm những cách thức cần thiết để cải thiện tổ chức WHO: “Không những xem xét lại bản thân WHO mà còn phải xem xét cách tương tác giữa nước thành viên trong tổ chức. WHO được tạo nên từ các nước thành viên. Chúng ta có thể khiến tổ chức này lớn mạnh hơn và phản ứng tốt hơn đối với các đại dịch trong tương lai nhưng tất cả chúng ta cũng cần phải rút ra những bài học”.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng Nghị quyết ngày 19-5 phần nhiều mang tính hình thức khi không thể xác định cuộc điều tra như thế sẽ được tiến hành như thế nào và do bên nào dẫn dắt.

Trong một phản ứng mới nhất, Liên minh châu Âu tuyên bố tiếp tục ủng hộ WHO, đồng thời nhấn mạnh giờ không phải là lúc để đổ lỗi. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn phụ trách đối ngoại của EU Virginie Battu-Henriksson nêu rõ: "Đây là thời điểm thể hiện đoàn kết chứ không phải lúc làm xói mòn hợp tác đa phương".

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres thì tiếp tục chỉ trích những nước đã “phớt lờ các khuyến nghị của WHO” để kiểm tra một cách có hệ thống và cách ly các trường hợp nghi nhiễm, cũng như thực thi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng các nước không được sử dụng WHO làm đòn bẩy để giải quyết các vấn đề chính trị. Theo ông Ryabkov, Nga phản đối việc chính trị hóa mọi thứ liên quan đến sự lây lan của vi rút  SARS-CoV-2 và ủng hộ việc tìm ra các phương thức cho phép tiến tới một giải pháp hiệu quả hơn cho các vấn đề liên quan đến đại dịch, củng cố vai trò của WHO và ngăn chặn tổ chức này suy yếu.

Về phần mình, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố tổ chức đa phương này sẽ tiếp tục dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch Covid-19. Ông Ghebreyesus cũng hoan nghênh nghị quyết của Liên minh châu Âu (EU) vừa được 194 nước thành viên WHO thông qua. Ông khẳng định: “Tổ chức Y tế thế giới luôn luôn cam kết đầy đủ về sự minh bạch, về trách nhiệm giải trình và về việc liên tục cải thiện. Chúng tôi muốn giải trình hơn bất kỳ ai khác”.

Hồng Hà (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.