Multimedia Đọc Báo in

Triển khai BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS: Trở ngại từ tâm lý người bệnh

08:35, 29/09/2017

Khi các nguồn lực tài trợ cho việc điều trị HIV/AIDS cắt giảm thì bảo hiểm y tế (BHYT) được xem là nguồn bảo đảm để người nhiễm HIV tiếp cận với dịch vụ chăm sóc điều trị và sử dụng thuốc ARV một cách bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh ngại tham gia BHYT…

Tỷ lệ người nhiễm HIV điều trị ARV chưa có BHYT còn cao

Đến thời điểm hiện tại, phần lớn các hoạt động chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS ở tỉnh ta đều do các dự án quốc tế (Dự án can thiệp, giảm hại HIV/AIDS tại Việt Nam của Chính phủ Mỹ - VAAC-US.CDC, Dự án Quỹ toàn cầu) tài trợ. Tuy nhiên, các nguồn tài trợ này sẽ kết thúc vào cuối năm 2017, sau thời điểm đó các chi phí chăm sóc điều trị sẽ do người nhiễm HIV/AIDS tự chi trả, nếu người bệnh có thẻ BHYT thì sẽ được BHYT đồng chi trả.

Người nhiễm HIV kiểm tra sức khỏe định kỳ tại Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh.
Người nhiễm HIV kiểm tra sức khỏe định kỳ tại Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh.

Thạc sĩ Lê Đình Vinh, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Chi phí điều trị HIV/AIDS cho một bệnh nhân rất khác nhau. Nếu chỉ tính chi phí thuốc kháng vi rút HIV (ARV) với phác đồ phổ biến nhất (phác đồ bậc 1) thì tiền thuốc khoảng gần 6 triệu đồng/người/năm. Nếu người bệnh kháng thuốc phải sử dụng phác đồ cao hơn, chi phí cho thuốc ARV cũng cao hơn từ 6-10 lần. Với mức chi phí này, người nhiễm HIV/AIDS rất khó tự chi trả nếu không có BHYT, bởi hầu hết họ có hoàn cảnh khó khăn. Nguy cơ lớn nhất là người bệnh sẽ bỏ dở điều trị ARV dẫn đến tình trạng kháng thuốc, hậu quả là việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn và tốn kém gấp bội phần.

Theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Thị Xuân, khi tham gia BHYT, người tham gia có quyền giấu kín thông tin bị nhiễm HIV và cũng không cần khai báo bản thân có mắc bệnh lý nào hay không.

Theo số liệu của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, toàn tỉnh hiện có 531/991 người nhiễm HIV/AIDS được quản lý đang điều trị thuốc ARV. Trong đó, 354 người có thẻ BHYT, còn 177 trường hợp chưa có BHYT, chiếm tỷ lệ trên 33%. Nếu tính cả số người nhiễm HIV được quản lý chưa tham gia điều trị ARV thì tỷ lệ này còn cao hơn.

Hiện nay, ngành Y tế tỉnh đang tiếp nhận và chuyển giao các hoạt động phòng chống HIV/AIDS từ các dự án, trong đó có phối hợp với BHXH tỉnh triển khai khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS; tư vấn cho bệnh nhân sự cần thiết của thẻ BHYT và việc thực hiện cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh HIV/AIDS qua BHYT. Tuy nhiên, theo bác sĩ Chu Đức Thảo, Trưởng Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, muốn thực hiện việc chi trả bằng quỹ BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS thì một yếu tố đóng vai trò quan trọng là bệnh nhân buộc phải có thẻ BHYT.

Đẩy mạnh tuyên truyền để người nhiễm HIV tham gia BHYT

Theo Quyết định 2188-QĐ/TTg ngày 15-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người sử dụng thuốc ARV thì UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào khả năng ngân sách hỗ trợ các đối tượng nhiễm HIV/AIDS mua thẻ BHYT. Hiện Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã lập danh sách các bệnh nhân điều trị ARV chưa có thẻ BHYT gửi Sở Y tế để tiến hành các thủ tục hỗ trợ các đối tượng này mua BHYT.

Khi tham gia BHYT, người nhiễm HIV không những được khám, điều trị, xét nghiệm, cấp thuốc kháng vi rút và thanh toán theo chế độ của BHYT, mà còn được hưởng các chế độ liên quan đến những bệnh nhiễm trùng cơ hội. Lợi ích là thế, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn chưa tham gia bởi đa số họ chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết của việc mua BHYT. Nhiều người lo lắng bị “lộ” thông tin cá nhân khi chuyển sang điều trị HIV/AIDS sử dụng thẻ BHYT. Chị H., một bệnh nhân HIV/AIDS ở TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Vấn đề mà người nhiễm HIV chúng tôi ngại nhất là phải đăng ký, khai báo thông tin cá nhân, công khai tình trạng bệnh khi tham gia khám chữa bệnh BHYT. Nếu không được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, bản thân tôi sẽ không tham gia BHYT”.

Theo Thạc sĩ Lê Đình Vinh, để giải tỏa sự lo ngại này, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách BHYT đến với các đối tượng. Đồng thời đang kiện toàn cơ sở phòng khám chuyên khoa khám để người nhiễm HIV có thể yên tâm đăng ký khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ngay tại đây.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.