Multimedia Đọc Báo in

Dịch bệnh nguy hiểm bùng phát mạnh

08:45, 26/09/2017

Thông tin từ ngành Y tế, những tuần gần đây, các dịch bệnh tay chân miệng, viêm đường hô hấp, nhất là viêm phổi nặng đang bùng phát mạnh.

Bệnh đường hô hấp tăng cao

Thấy con trai 8 tháng tuổi nổi sốt, bú kém kèm theo các triệu chứng ho, khò khè và nôn trớ, vợ chồng chị Lê Thị Thủy (ở thôn Tân Trung A, xã Ea Toh, huyện Krông Năng) liền đưa con vào Bệnh viện huyện khám bệnh. Tại đây cháu bé được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm phổi nặng, phải nhập viện điều trị, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục điều trị tích cực. Chị Thủy cho biết: “Khi thấy các bác sĩ bảo bệnh tình của cháu rất nặng, nhưng may mắn là đưa đến bệnh viện kịp thời, tôi như trút được gánh nặng. Sau 20 ngày điều trị tích cực đến nay sức khỏe của cháu đã ổn định, không còn phải thở máy, cũng hết sốt và có thể được xuất viện về nhà trong vài ngày tới”.

Một trường hợp trẻ mắc tay chân miệng điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Một trường hợp trẻ mắc tay chân miệng điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Trong những ngày qua, trường hợp tương tự như của con trai chị Thủy xảy ra rất nhiều tại các bệnh viện trong tỉnh. Tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi ngày có khoảng 40 ca bệnh hô hấp mới nhập viện, trong đó chủ yếu là viêm phổi và viêm phổi nặng. Hầu hết các ca viêm phổi nặng đều rơi vào trẻ sơ sinh đến dưới 12 tháng tuổi, trong đó một số trường hợp phải thở máy mới hồi phục sức khỏe. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, nhiễm khuẩn hô hấp cấp là bệnh lý thường gặp và tăng cao trong thời gian này do thời tiết nắng mưa thất thường, độc lực của vi rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh khiến trẻ có sức đề kháng yếu và chưa được tiêm ngừa đầy đủ dễ bị bệnh. Hiện tại, mỗi ngày Khoa có khoảng 100-150 bệnh nhân hô hấp cấp, thậm chí ngày cao điểm lên tới 200 bệnh nhân nằm điều trị nội trú. Đa phần bệnh lý của hô hấp cấp nhập viện thường là viêm phế quản, viêm phổi, viêm phổi nặng… Bệnh viêm phổi khởi phát từ bệnh cảm thông thường như: sốt, ho, sổ mũi, khò khè và các triệu chứng này thường nặng hơn vào ban đêm. Bệnh diễn tiến nhanh nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời dễ gây suy hô hấp, tử vong.

Cảnh giác với bệnh tay chân miệng

Ngoài số ca bệnh hô hấp tăng cao, thì bệnh tay chân miệng cũng đang có chiều hướng tăng nhanh. Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Năm nay, bệnh tay chân miệng tăng cao hơn so với trung bình của các năm. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 1.200 trường hợp mắc bệnh tại tất cả các địa phương trong tỉnh, so với cùng kỳ năm 2016, tăng gấp 2 lần trong đó tập trung ở TP. Buôn Ma Thuột và 2 huyện Cư M’gar, Buôn Đôn. Đặc biệt, thời điểm học sinh bước vào năm học mới, bệnh tay chân miệng càng tăng rõ ràng hơn, nhất là tại các trường mầm non, bởi đây là bệnh lây qua đường tiêu hóa, khi trẻ nhỏ tiếp xúc với nhau hoặc cầm nắm đồ chơi của trẻ bị bệnh thì rất dễ lây.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, để phòng ngừa các bệnh đường hô hấp cần tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho trẻ để tăng miễn dịch; bổ sung dinh dưỡng cho trẻ; hạn chế cho trẻ tiếp xúc với mầm bệnh và khi thấy trẻ có dấu hiệu của bệnh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để phân loại điều trị kịp thời. 

Để khống chế bệnh tay chân miệng không lan rộng, những ngày qua ngành Y tế đã đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, kịp thời xử lý triệt để đến từng ca bệnh, ổ dịch; tăng cường truyền thông về phòng chống tay chân miệng đến người dân, nhất là cha mẹ, người chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và các ngành có liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tay chân miệng tại trường học và cộng đồng.

Bác sĩ Phạm Văn Lào cảnh báo: Từ tháng 9 đến tháng 11 là thời điểm bệnh tay chân miệng bước vào đỉnh dịch, phụ huynh cần chú ý, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh, như: sốt, giật mình, nổi bóng nước ở họng, miệng, tay, chân… để đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển nặng gây nhiều biến chứng và nguy cơ tử vong cao. Để phòng bệnh tay chân miệng, biện pháp tốt nhất là cách ly triệt để trẻ mắc bệnh; xử lý môi trường có trẻ mắc bệnh bằng hóa chất (Cloramin B); rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.