Multimedia Đọc Báo in

Quản lý trong lĩnh vực y tế: Vẫn còn nhiều "lỗ hổng"

10:00, 09/12/2019

Xác định nhu cầu mua sắm chưa phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực; thiếu bác sĩ, cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao; còn lúng túng trong công tác đấu thầu thuốc; vướng mắc giữa nhu cầu điều trị và quỹ bảo hiểm y tế, không đủ kinh phí để trang trải hoạt động… Đó là những vấn đề được các đại biểu thẳng thắn nêu ra tại phiên giám sát chuyên đề trong khuôn khổ Kỳ họp thứ chín – HĐND tỉnh khóa IX vừa diễn ra.

“Bắt bệnh” 7 tồn tại bất cập

Theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh, trong giai đoạn từ năm 2016 đến hết tháng 6-2019, toàn tỉnh đã huy động được hơn 620 tỷ đồng để thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực y tế. Tổng số giường bệnh tại các cơ sở y tế trong tỉnh được nâng lên 4.580 giường, tăng 940 giường so với năm 2016. Tổng kinh phí chi thường xuyên cấp cho ngành Y tế trong giai đoạn này là gần 2.295 tỷ đồng, cơ bản đảm bảo được hoạt động của các cơ sở y tế công lập.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra răng miệng cho bệnh nhi.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra răng miệng cho bệnh nhi.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý các cơ sở y tế và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế; trong đó 7 “nhược điểm” nổi cộm là: chưa có sự phối hợp thường xuyên giữa ngành Y tế với các cấp, các ngành có liên quan trong công tác phòng chống dịch bệnh chủ động; việc sử dụng các trang thiết bị y tế còn kém hiệu quả; thiếu bác sĩ, cán bộ có trình độ chuyên môn cao; vướng mắc giữa nhu cầu điều trị và quỹ bảo hiểm y tế, không đủ kinh phí để trang trải hoạt động; việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, quy trình đấu thầu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế còn chậm; tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở vi phạm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng; việc thanh tra, kiểm tra còn có sự chồng chéo giữa các ngành, cấp trong việc thực thi pháp luật về y tế.

Các đại biểu chỉ rõ, hiện nay việc xác định nhu cầu mua sắm chưa phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực; nhiều thiết bị đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng. Trang thiết bị cung cấp cho các trạm y tế chủ yếu là máy siêu âm, máy xét nghiệm, máy vi tính, tủ bảo quản vắc xin, tuy nhiên hiệu quả sử dụng một số loại máy để phục vụ công tác khám, chữa bệnh đạt rất thấp. Các trang thiết bị cung cấp không được sử dụng do thiếu bác sĩ, kỹ thuật viên hoặc đã bị hư hỏng.

Đơn cử như tại huyện Krông Ana, 7/8 trạm y tế được trang bị máy siêu âm, tuy nhiên chỉ sử dụng được 2 máy, nguyên nhân là do một số máy siêu âm chẩn đoán hình ảnh xách tay chất lượng kém, hư hỏng; bên cạnh đó một số trạm y tế thiếu bác sĩ, kỹ thuật viên.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là vẫn còn trường hợp thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm và cách ứng xử của một bộ phận cán bộ, nhân viên y tế tại bệnh viện công khiến người bệnh chưa hài lòng, tạo dư luận không tốt trong xã hội; chưa có chính sách khuyến khích thu hút đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao; tình trạng bác sĩ từ các cơ sở y tế công lập chuyển ra các cơ sở tư nhân diễn ra nhiều ở các năm gần đây; công tác đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế vẫn còn chậm, lúng túng trong triển khai…

“Kê thuốc” giải quyết tận gốc

Giải trình việc đấu thầu thuốc vẫn còn một số bất cập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh chỉ ra những nguyên nhân chính như: đội ngũ cán bộ thực hiện công tác đấu thầu tại cơ sở còn thiếu kinh nghiệm, chưa nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn về công tác đấu thầu; một số mặt hàng thuốc thiết yếu và thuốc cấp cứu do nhu cầu sử dụng ít nên không thu hút các nhà thầu tham gia, dẫn đến rớt thầu… UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở nhằm đảm bảo cung cấp thuốc kịp thời phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân…

Người dân khám bệnh tại Trạm y tế phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ.
Người dân khám bệnh tại Trạm y tế phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ.
 

“Thu nhập thấp khiến bác sĩ chưa yên tâm công tác lâu dài, dẫn đến tình trạng có nhiều bác sĩ xin thôi việc để chuyển công tác đến cơ sở y tế tư nhân – nơi có mức thu nhập cao hơn”.

 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh

Thảo luận nội dung này, đại biểu Y Si Thắt Ksơr cho rằng, cần có chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao; đồng thời tăng quyền phân cấp cho ngành y tế tự chủ trong vấn đề kinh phí, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm mọi mặt trên cơ sở Nhà nước kiểm soát, kiểm tra giá cả, đảm bảo hợp lý…

Nhiều đại biểu đóng góp ý kiến, đưa ra các giải pháp cụ thể: đẩy mạnh cải cách hành chính, giáo dục y đức, quy chế ứng xử của cán bộ y tế; kiện toàn cơ chế xử lý, phản hồi ý kiến, bảo vệ quyền lợi của người bệnh; nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực; đẩy mạnh tốc độ phát triển y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao, đồng thời với y tế phổ cập; xây dựng chiến lược ngành y tế trung, dài hạn; phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng; tăng cường nhân lực y tế cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và một số chuyên khoa; tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra; chú trọng kiểm soát các chất thải gây ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải y tế và các chất độc hại; kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; siết chặt quản lý thị trường thuốc…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc