Multimedia Đọc Báo in

Cần tầm soát và điều trị sớm bệnh cườm nước

08:13, 04/07/2021

Bệnh cườm nước (hay còn gọi là bệnh Glocom) là bệnh khá phổ biến, diễn tiến âm thầm, gây nguy cơ mù lòa đứng hàng thứ hai trên toàn thế giới sau bệnh đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn chủ quan, không đi khám và phát hiện sớm, không tuân thủ điều trị dẫn đến tình trạng mất thị lực không thể phục hồi.

Bệnh Glocom là một nhóm bệnh làm tổn hại thần kinh thị giác. Tùy theo dạng bệnh mà có biểu hiện khác nhau nhưng phần lớn thường xuất hiện, diễn tiến một cách thầm lặng, với những dấu hiệu ban đầu rất nhỏ và không xuất hiện thường xuyên như: thị lực giảm từ từ, giảm thị lực khi vào nơi thiếu ánh sáng, xuất hiện những cơn đau đầu, cảm giác nặng mắt khi làm việc nặng… Do đó, người bệnh thường dễ bỏ qua các dấu hiệu bệnh mà không đi kiểm tra, thăm khám mắt.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Glocom là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ hai thế giới. Ở các nước phát triển, khoảng 50% số người bị bệnh Glocom không biết có bệnh và không đi khám. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, con số này có thể lên tới 90%.

Đi khám mắt định kỳ để phát hiện và điều trị sớm  bệnh cườm nước. Ảnh: Đình Thi
Đi khám mắt định kỳ để phát hiện và điều trị sớm bệnh cườm nước. Ảnh: Đình Thi

Tại Bệnh viện Mắt Đắk Lắk, trong tổng số bệnh nhân mắc các bệnh về mắt thì có khoảng 5 - 7% bệnh nhân mắc bệnh Glocom. Phần lớn bệnh nhân đến khám khi bệnh đã chuyển sang mức độ nặng, thị lực đã giảm sút nhiều. Như ông Phan Thành Trung (trú phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) ở tuổi 50, thị lực của ông đã có nhiều dấu hiệu suy yếu nhưng ông chưa từng đi kiểm tra hay khám mắt định kỳ. Đến khi xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội, mắt nhìn mọi vật đều mờ và thấy ánh sáng đèn thành nhiều dải màu sắc, ông Trung mới đến Bệnh viện Mắt Đắk Lắk để khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh Glocom đã chuyển sang giai đoạn nặng và phải phẫu thuật. Sau đợt điều trị, tuy không còn đau đầu, nhìn rõ hơn nhưng thị lực của ông Trung vẫn không thể phục hồi như ban đầu. Hay như trường hợp bà Đặng Thị Thư (ở xã Đắk Nuê, huyện Lắk) do không tuân thủ điều trị nên bệnh Glocom của bà đã chuyển giai đoạn nặng, mắt trái đã bị mù hoàn toàn.

Phẫu thuật cho bệnh nhân mắc bệnh cườm nước tại Bệnh viện Mắt Đắk Lắk. Ảnh: Đình Thi
Phẫu thuật cho bệnh nhân mắc bệnh cườm nước tại Bệnh viện Mắt Đắk Lắk. Ảnh: Đình Thi

Theo các bác sĩ chuyên khoa Mắt, bệnh Glocom không có nguyên nhân gây bệnh rõ ràng nhưng bệnh có liên quan đến tăng áp lực trong mắt hoặc giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng dây thần kinh thị giác. Một số trường hợp bị Glocom có nguyên nhân từ việc lạm dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Trên thị trường có các loại thuốc nhỏ mắt điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc… chứa corticoid, nếu bệnh nhân tự ý mua sử dụng không theo chỉ định của bác sĩ trong thời gian kéo dài có thể dẫn đến bệnh Glocom. Bệnh xuất hiện ở người trên 40 tuổi nhưng phổ biến nhất ở người lớn ở độ tuổi 70 và 80, đặc biệt là ở những phụ nữ hay lo nghĩ, căng thẳng. Bệnh có yếu tố di truyền, trong gia đình có người mắc bệnh cườm nước thì những người cùng huyết thống cũng có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 5 - 6 lần.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hải (Khoa Glocom, viêm màng bồ đào võng mạc, Bệnh viện Mắt tỉnh) khuyến cáo, bệnh nhân mắc bệnh Glocom hoặc nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám sớm, tuân thủ điều trị lâu dài theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt. Nếu không điều trị, thần kinh thị giác sẽ bị hư hại nặng nề dẫn đến tình trạng mù không thể phục hồi. Để phòng tránh, phát hiện và điều trị sớm bệnh Glocom, mọi người nên đi khám mắt định kỳ, nhất là với người từ độ tuổi trung niên trở lên. Có chế độ ăn uống sinh hoạt, lao động hợp lý để bảo vệ đôi mắt luôn khỏe.

Liên Chi


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.