Multimedia Đọc Báo in

Theo dấu... COVID-19 (kỳ 2)

08:00, 30/06/2021

Mạnh mẽ đối mặt với hiểm nguy

COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ lây lan, chưa có đủ vắc xin phòng bệnh và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu... Song, với sứ mệnh cao cả là bảo vệ sức khỏe người dân, các y bác sĩ vẫn sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, nỗ lực khống chế dịch bệnh.

Sẵn sàng, chủ động ứng phó

Đêm 8-5, khi ca bệnh COVID-19 đầu tiên trong đợt dịch thứ tư được ghi nhận trên địa bàn tỉnh, các y bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh lại tiếp tục bước vào một “chiến dịch” mới. Tình huống khẩn cấp nhưng đã được dự liệu trong kịch bản trước đó nên bệnh viện chủ động ứng phó, tất cả cùng chung một ý chí, dồn toàn tâm sức cho nhiệm vụ chống dịch.

Tiến sĩ, bác sĩ Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh chia sẻ, ngay khi nhận được sự chỉ đạo của Sở Y tế về việc tiếp tục tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19, bệnh viện lập tức huy động toàn bộ lực lượng nhanh chóng giải phóng tất cả các bệnh nhân đang điều trị tại đây, những bệnh nhân nặng được làm thủ tục chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh nhân tạm ổn thì chuyển về các Trung tâm Y tế huyện, còn các bệnh nhân đã ổn định thì cho xuất viện và kê đơn thuốc, hướng dẫn về nhà tự điều trị thêm. Đồng thời, bệnh viện cũng chia nhân lực thành nhiều ê kíp (mỗi ê kíp gồm 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng và 1 hộ lý) thay phiên nhau làm nhiệm vụ trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Đến sáng 9-5, công tác chuẩn bị hoàn tất, bệnh viện tiếp nhận điều trị ca bệnh COVID-19 đầu tiên (bệnh nhân 3237), đến chiều cùng ngày tiếp nhận ca bệnh COVID-19 thứ hai (bệnh nhân 3334) .

Điều dưỡng  Lê Thị Hằng  được kiểm tra  sức khỏe  sau ca trực.
Điều dưỡng Lê Thị Hằng được kiểm tra sức khỏe sau ca trực.

Tham gia kíp trực đầu tiên khi bệnh nhân COVID-19 số 3237 nhập viện, bác sĩ Y Piare Bkrông (Khoa Hồi sức tích cực) sẵn sàng cho "cuộc chiến" lâu dài. Với kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng tiếp cận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 từ đợt dịch trước, anh cùng đồng nghiệp tự tin bắt tay vào nhiệm vụ mới. Cùng với việc áp dụng quy trình khám chữa bệnh chặt chẽ theo đúng phác đồ, không lơ là, chủ quan trong chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, cả ê kíp trực luôn xác định một yêu cầu quan trọng không kém đó là tuân thủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm, phải cẩn trọng trong từng thao tác, tuyệt đối không để bệnh từ F0 lây sang nhân viên y tế, làm tăng nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Với anh, việc đảm nhận chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19 là sứ mệnh thiêng liêng của tất cả đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng trong hành trình cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh.

Điều dưỡng kiêm “chuyên gia tâm lý”

Nguy hiểm, gian khó là vậy, song những “chiến sĩ áo trắng” ở tuyến đầu của trận chiến chống đại dịch vẫn luôn giữ vững ý chí, bản lĩnh, tận tâm động viên, chăm sóc, bảo vệ tính mạng của bệnh nhân.

Trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, thực hiện y lệnh của bác sĩ, hằng ngày, điều dưỡng Lê Thị Hằng (Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh) cùng các đồng nghiệp phải có mặt ở phòng cách ly, trang phục bảo hộ kín mít hàng giờ giữa thời tiết nóng nực. Thế nhưng, họ đã nỗ lực thích nghi với môi trường làm việc, phục vụ, chăm sóc bệnh nhân với trách nhiệm cao nhất.

Điều dưỡng Lê Thị Hằng bộc bạch, hầu hết bệnh nhân COVID-19 khi vào điều trị tại bệnh viện đều có tâm trạng hết sức nặng nề, họ lo lắng rất nhiều chuyện từ gia đình, bạn bè và cả những thông tin trên mạng xã hội, chỉ cần một lời bình luận trái chiều trên mạng xã hội cũng khiến họ cảm thấy bị tổn thương, suy nghĩ rất nhiều, ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Qua tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19, chị đọc được ở họ tâm lý e ngại, cảm giác cô đơn khi điều trị bệnh mà không có người thân bên cạnh. Vì thế, chị và các đồng nghiệp luôn tận tình chăm sóc bệnh nhân, xem họ như là bạn, là người nhà. Những việc làm hằng ngày của chị Hằng và đồng nghiệp là liều thuốc tinh thần quý giá tiếp cho bệnh nhân thêm sức mạnh chiến thắng bệnh tật, trở về với gia đình.

Các bác sĩ trong phòng điều trị bệnh nhân COVID-19 số 3836 tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh. (Ảnh chụp qua màn hình).
Các bác sĩ trong phòng điều trị bệnh nhân COVID-19 số 3836 tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh. (Ảnh chụp qua màn hình).

Làm bạn với bệnh nhân COVID-19 ở bệnh viện còn có những hộ lý với công việc lặng thầm nhưng hết sức đặc biệt. Dọn rác, thay đồ, giặt sấy toàn bộ chăn, ga, gối, xử lý rác thải của bệnh nhân và vệ sinh trong, ngoài khu điều trị căn bệnh nguy hiểm là công việc đòi hỏi sự chịu khó và hy sinh rất lớn, chỉ sơ sẩy một chút trong cả "núi" công việc hằng ngày thì dịch bệnh rất có thể lây nhiễm cho bản thân và cộng đồng. Hộ lý Nguyễn Thị Ngọc Hà chia sẻ, công việc dù vất vả, nhưng đặt hoàn cảnh của mình vào bệnh nhân COVID-19 và xem mỗi việc làm dù rất nhỏ của mình cũng góp phần đẩy lùi dịch bệnh, nỗi mệt nhọc của chị cũng được vơi bớt.

Với nhiệm vụ cao cả là bảo vệ sức khỏe nhân dân, hơn một tháng kể từ khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện, những y bác sĩ ở Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh phải tạm xa gia đình để miệt mài cùng các bệnh nhân “chiến đấu” với dịch bệnh. Là thầy thuốc, họ cũng là những “chuyên gia tâm lý” giữ ổn định tinh thần và mang đến những nụ cười hạnh phúc cho người bệnh trong suốt quá trình chữa trị.

Kim Hoàng

 


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.