Multimedia Đọc Báo in

"Chung tay xây dựng nông thôn mới"

10:26, 23/03/2012

Có  thể nói rằng, hầu hết chúng ta dù ở cương vị, môi trường công tác nào thì ít nhiều dòng máu của người nông dân vẫn âm thầm chảy trong huyết quản. Hình ảnh về một miền quê thanh bình, yên ả với những người nông dân cần cù, chất phác hẳn còn in đậm trong ký ức nhiều người... “Chung tay xây dựng nông thôn mới” chính là trách nhiệm của mỗi chúng ta và vì chúng ta.

Lịch sử dân tộc đã bao lần từng chứng kiến mỗi khi đất nước lâm nguy, mỗi người nông dân lại trở thành một người lính để giữ đất giữ làng. Họ đi vào chỗ hiểm nguy không hề đắn đo, toan tính thiệt hơn, “vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng” miễn sao đất nước sạch bóng thù. Thật xúc động khi đọc lại những dòng di chúc của Bác viết trước khi người đi vào cõi vĩnh hằng: "Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta... Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi đẩy mạnh sản xuất". Chừng đó thôi, cũng đủ cho ta thấy rõ cái nhìn thấu suốt cõi nhân sinh, cái “nghĩa đồng bào” ở Bác thật sâu nặng.

Đến thời điểm hiện nay, sau hơn hai mươi lăm năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, ta đã đạt được thành tựu nhưng nhìn chung nước ta vẫn đang là một nước nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người vẫn ở mức thấp. “Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng còn lớn, phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc”. Đó chính là những hạn chế, bất cập được đánh giá tại Nghị quyết số 26 - NQ/T.Ư ngày 5-8-2008, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Trung ương đã xác định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước”. Quán triệt và triển khai Nghị quyết của BCH Trung ương, Chính phủ đã ra Nghị quyết ban hành chương trình hành động xác định nhiệm vụ xây dựng “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”. Theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ, đây là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng, gồm 11 nội dung rất cụ thể. Mục tiêu đề ra là trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 cả nước sẽ có 20% số xã đạt tiêu chí Nông thôn mới và đến năm 2020 con số này sẽ là 50%.

Chương trình xây dựng nông thôn mới hiện đang có sức lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng tích cực trong các tầng lớp nhân dân. Thủ tướng xác định đây là một chương trình lớn, có ý nghĩa về nhiều mặt, “chăm lo cho 70% dân số của đất nước”. Để Chương trình thật sự mang lại hiệu quả, mọi hoạt động cần phải thật cụ thể, thiết thực, tránh bệnh hình thức, làm theo phong trào. Mục tiêu cuối cùng phải hướng đến là nhằm cải thiện và nâng cao đời sống của những người nông dân lam lũ, xây dựng nông thôn trở thành những vùng “nông thôn mới” ấm no, hạnh phúc.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.