Multimedia Đọc Báo in

Người Kinh Bắc “giữ hồn” câu quan họ trên cao nguyên

21:29, 25/09/2013

Họ là những người nông dân chân lấm tay bùn. Họ đến với quan họ, say với quan họ và “giữ hồn” câu quan họ trên cao nguyên bằng tấm lòng của những người con Kinh Bắc xa quê, bằng tình yêu mộc mạc, chân chất và hồn hậu…

Vừa đi làm cỏ cà phê về, nghe thông báo đến tập trung tại nhà anh Trường để chuẩn bị bàn bạc và tập luyện cho chương trình đi giao lưu, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng ở Câu lạc bộ quan họ thôn Tân Hiệp, xã Ea Toh (huyện Krông Năng) vội vàng rửa chân tay rồi chở nhau ngay đến địa điểm đã hẹn. Cùng lúc ấy, có đôi ba thành viên khác, quần còn ống cao ống thấp, có vẻ mới đi làm rẫy về cũng vừa đến. Và chỉ chừng sau mươi phút, những anh nông dân, chị nông dân đã hóa trang thành các liền anh liền chị. Những miếng trầu têm cánh phượng cũng nhanh chóng được hoàn tất để phục vụ cho các tiết mục. Bao mệt nhọc như tan biến, họ nói về quan họ, hát quan họ say sưa, mặc cho cái nắng ban trưa đã lên cao. Ông Nguyễn Văn Thu, một trong những thành viên gạo cội của câu lạc bộ tâm sự: Câu lạc bộ quan họ Tân Hiệp khởi sinh từ một nhóm gồm có 3 người yêu và hay hát quan họ trong các dịp hội hè, cưới hỏi trong thôn. Bắt đầu từ năm 2008, người nọ mời gọi người kia, đến giờ đã phát triển được 26 thành viên, chủ yếu là người dân gốc Hà Bắc cũ, nay là hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Có liền chị, mỗi lần đi tập phải nhờ chồng chở đi, chở miết rồi cũng bị quan họ “thôi miên” để trở thành liền anh trong câu lạc bộ, điển hình như vợ chồng liền chị Nguyễn Thị Hồng. Những người khác không hát được nhưng có chồng hoặc vợ tham gia câu lạc bộ, cũng nhiệt tình, hăng hái đi “nâng khăn sửa túi”, phục vụ hậu cần cho cả đoàn tham gia biểu diễn, giao lưu. 

Các liền anh, liền chị Câu lạc bộ quan họ Tân Hiệp .
Các liền anh, liền chị Câu lạc bộ quan họ Tân Hiệp .

Còn khi hỏi ai là “ông bầu” của câu lạc bộ, tất cả thành viên đều cười vui vẻ vì từ nhạc, lời, trang phục, đạo cụ, cách đi đứng họ tự dàn dựng, người nọ chỉ cho người kia và ai cũng là... “ông bầu, bà bầu”. Chưa biết lời thì tập hợp lời lại in, đóng thành tập, rồi photo chuyền tay nhau. Còn trang phục, đạo cụ, lúc đầu chưa có thì tự cách điệu, vui nhất là lấy cái sàng thiết kế thành chiếc nón quai thao. Sau đó, để chuyên nghiệp hơn, cả câu lạc bộ quyết đầu tư, nhờ người may và mua trang phục ở tận Bắc Ninh rồi gửi vào. Anh Nguyễn Văn Trọng, một liền anh của câu lạc bộ chia sẻ: Ban đầu anh chị em trong câu lạc bộ chỉ nhóm họp nhau sinh hoạt mang tính sở thích và giải trí; sau rồi được đi giao lưu biểu diễn nhiều hơn, hết trong thôn, ngoài xã rồi lên huyện. Có những thời điểm, thời gian đi hát cũng chiếm đến nửa tháng trời, việc nương rẫy có phải gác lại đôi chút, tuy vậy nhưng ai cũng mê và say. Tình yêu quan họ đã ngấm vào máu họ, cứ lâu lâu không được hát lại nhớ. Đến hẹn lại lên, câu quan họ dùng dằng người đi người ở. Vậy nên cứ nghe được đi giao lưu là ai cũng vui lắm, tranh thủ tập luyện, ban ngày không có thời gian thì buổi tối tập cho đến khuya vẫn chưa muốn nghỉ dù ngày hôm sau còn phải quần quật với chuyện nương rẫy.

Còn với đội văn nghệ của thôn Quyết Tiến, xã Dlie Ya (huyện Krông Năng), thành viên ít tuổi nhất cũng đã 55 và nhiều nhất là 73 tuổi. Ông Nguyễn Văn Lộ, phụ trách đội văn nghệ cho biết: Năm 1999, khi đội được thành lập, lúc đầu sinh hoạt hát đủ các thể loại dân ca, nhạc đỏ với mục đích chính là tạo sân chơi cho người cao tuổi. Khi quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cả đội bàn nhau và quyết định chuyên hát về quan họ với tâm niệm: những người con Kinh Bắc xa quê cũng muốn góp sức để giữ hồn câu quan họ trên cao nguyên. Sân khấu biểu diễn của đội cứ hết trong thôn, ngoài xã, ra huyện; hát trong buổi mừng thọ các cụ  cao tuổi; hát nhân dịp các sự kiện do Hội cựu chiến binh xã tổ chức. Hát để sống vui, sống khỏe, sống có ích. Vậy nên cứ có thời gian là cả đội lại tập trung hát cho nhau nghe, trời mưa có khi hát, tập luyện cả ngày, còn định kỳ thì cứ tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần, cả đội cùng nhau sinh hoạt. Nhiều cụ tuổi cao, sức khỏe yếu, có khi hát được vài bài là mệt nhưng vẫn mê hát lắm.

Huyện Krông Năng hiện có 5 câu lạc bộ, đội văn nghệ hát quan họ với trên 100 liền anh, liền chị, chủ yếu là những người con quê gốc Kinh Bắc. Đó là câu lạc bộ: Quyết Tiến (xã Dliê Ya); Tân Hiệp, Tân Bắc (xã Ea Toh); Lộc Xuân, Lộc Yên (xã Phú Lộc). Ông Hồ Văn Thái, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Hằng năm các câu lạc bộ quan họ thường tổ chức chương trình giao lưu nhằm tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, qua đó góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở, bảo tồn nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Thêm nữa mô hình văn hóa văn nghệ này còn là sợi dây đoàn kết, gắn bó, tập hợp người dân, gắn chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Còn với những liền anh, liền chị trong các câu lạc bộ, họ đến với quan họ bằng tất cả nỗi nhớ quê hương, ý thức giữ gìn giá trị văn hóa của xứ sở Kinh Bắc. Tình yêu với quan họ đã thẩm thấu vào trái tim họ, hiển hiện trong từng lời ca tiếng hát chân chất, mộc mạc, giản dị và cả cái lúng liếng của liền chị, cái ý nhị của liền anh...

Thuận Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.