Multimedia Đọc Báo in

Đà Lạt - một “gánh” phim trường

17:00, 25/09/2013

Có những kỳ cao nguyên trong thanh, Đinh Anh Dũng, Trần Mỹ Hà, và tôi  tìm lên đỉnh núi Langbian để ngồi. Lên núi chẳng phải để  tìm không gian  đàm luận thế sự, phim ảnh, hay chuyện báo chí mà chỉ đơn giản ở nơi thế này đủ… hoang vu để làm thinh, đẩy mọi thứ xô bồ của Sài Gòn  lùi xa ra, và  chạy về  núi là cách mỗi khi hai “ngài”  đạo diễn hoạt động ở TP. Hồ Chí Minh này cần thoát “ngộ độc” đám đông ở nơi thừa bát nháo mà thiếu trầm tư kia…

Thế mà có lần khi rời núi, không làm thinh được nữa, bỗng rất tự nhiên hai vị đạo diễn quê Đà Lạt này cùng thốt ra:  “Chẳng thể có một nơi thứ hai ở  Việt Nam!”…       

“Chỗ” nào cũng “vào phim” được

Trong bộ phim thuộc hàng kinh điển, xem lại mãi vẫn không chán, của điện ảnh Việt Nam đương đại “Ván bài lật ngửa” của đạo diễn tài danh Lê Hoàng Hoa (Khôi Nguyên) rất nhiều lần “Đà Lạt” hiện ra. Hễ cứ chuyển cảnh Đà Lạt là phim thú vị lạ, là biết chắc gợi cái đẹp, hay đưa câu chuyện “phiêu” hơn. Khó phai trong trí nhớ người xem cảnh  những chiếc xe Jeep kia rượt nhau ngoạn mục trong không gian thơ mộng của rừng thông ở đèo Prenn, cũng như cuộc vây ráp nhau bắn nhau chí chóe ở một biệt thự trên đồi lưa thưa cây, hay cuộc hội họp quan trọng căng thẳng bàn chiến cuộc mà tầm nhìn ra bên ngoài là không  gian phóng đãng của núi hồ, rừng thông… Chiếu ngược thời gian, nhận ra ở miền Nam trước 1975 gần như phim nào cũng có “Đà Lạt” trong đó. Đà Lạt là nơi để người ta làm phim, manh nha một nền “công nghiệp điện ảnh” hướng đến công chúng.

Lấy kiến trúc của một Giáo đường hoang phế làm bối cảnh quay phim.
Lấy kiến trúc của một Giáo đường hoang phế làm bối cảnh quay phim.

Và từ sau 1975, lại càng vậy. Cứ như đô thị này sinh ra cho điện ảnh, phim ca nhạc, truyền hình. Ngày nay, cả nước cả chục hãng phim, từ phim điện ảnh đến phim truyền hình. Hệ thống nhà đài và kênh sóng truyền hình thì đông đến số trăm, phát suốt ngày đêm, ngốn chương trình như uống nước lã. Xuất hiện nhiều nhà làm phim để bán cho nhà đài, rồi nhiều nhà đài tự  lập hãng phim. Suốt  ngày phải sản xuất phim, suốt ngày quay phim, suốt ngày diễn, suốt ngày bày binh bố trận phim. Người ta “đổ bộ” đi làm phim. Đất nước hội nhập, phim ảnh cũng hội nhập, nhưng ở những đô thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng cũng chả có phim trường để làm phim, hình thành nên nền công nghiệp phim ảnh. Như ruộng bậc thang, nền phim ảnh quốc gia vẫn dựa vào “nước… trời”, thiên nhiên. Thế là Đà Lạt càng trở  thành không gian cứu cánh cho phim ảnh.

Vậy nên ở Đà Lạt không ngày nào không có đoàn làm phim. Chỗ nào cũng thấy quay phim. Từ sáng tới tối, ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày có sương cũng như ngày không sương. Lúc thì ven hồ Xuân Hương, lúc thì những đồi núi khuất lấp, lúc thì dưới thung lũng, lúc ven những rừng thông, những nhà thờ, nhà chùa, biệt thự hoang, biệt thự mới, trên những con đường mượt mà ở nội thị hay những con hẻm sỏi dốc tàn tạ ở ngoại ô. Như việc trồng lơghim ở Đà Lạt, phim ảnh người ta cũng sản xuất được quanh năm ở đây, cho dù với các hãng phim đều từ nơi khác đến. Đến quay video clip ca nhạc, người ta cũng mượn Đà Lạt, từ nhạc sến cho đến nhạc xưa, nhạc trẻ cho đến nhạc đỏ. Người ta lên đây làm phim cũng bình thường như nông dân Đà Lạt trồng sú lơ, khoai tây, nên chả mấy khi người Đà Lạt để ý đến các đoàn phim, hay đi xem ai đóng. Chỉ biết rằng, khi đi qua chỗ nào thấy túm tụm người đông đông, thêm chút xe cộ và máy nổ, đấy chắc chắn là một đoàn phim.

Cứ vậy, Đà Lạt trở thành một phim trường tự nhiên khổng lồ. Đời sống phim ảnh, mọi thứ tự nhiên, giản dị, hoặc bình dân, hoặc sang trọng như thảo mộc ở Đà Lạt vậy. Đà Lạt là “môi trường sống”, dinh dưỡng, cho các hãng phim, nhà đài. Vì thế mà Đà Lạt thân thương với cánh đạo diễn, diễn viên… Nhiều khi chủ quan mà “phán” ẩu rằng:  Không có Đà Lạt, mấy hãng phim ở phương Nam cứ như “giải tán” hết. Thử “đóng cửa” quay phim ở Đà Lạt một năm đi, biết liền.

Nhưng nhờ phim ảnh mà Đà Lạt được các “quảng cáo” du lịch miễn phí, lan tỏa đi khắp nơi. Người chưa đến Đà Lạt, xem phim, là ước thích được đến. Người đến rồi thì muốn đến mãi. Nhưng nhờ “ Đà Lạt” mà các nhà đài kiếm lợi, khai thác quảng cáo, khi phát phim. Có lẽ  bởi sự tương sinh này mà cho đến nay, chưa mét phim nào sản xuất ra mà nhà làm phim phải trả chi phí cho rừng thông Đà Lạt cả.

Bảo vật của thượng đế

Xưa giờ, nhờ xấu tướng đến độ biết chắc không thể… đóng phim, nên tôi chơi, giao du tự nhiên hết cỡ với mọi đạo diễn, diễn viên khi đến Đà Lạt hành nghề. Đạo diễn mới vào nghề cho tới đạo diễn nổi tiếng. Các em chân dài cho đến các em chân ngắn. Chỗ nào quay phim chỗ đó có kẻ lang thang tôi chơi xa xỉ bụi... Nói chung có một “xã hội phim ảnh”, nó hiện ra quanh những cánh rừng thông, núi đồi Đà Lạt, với  đầy đủ giai điệu cuộc đời, lung linh và lầy lội.  Nhiều khi nhìn người ta làm phim tôi thấy họ cũng chẳng khác dân cày. Những đoàn quân làm phim chẳng khác đám cái bang mấy, cũng bụi bờ, lây lất, cơm bịch, nước lọ, thưa lạy chúng sinh qua lại; cũng tối mặt tối mũi, và tuôn đổ mồ hôi. Mồ hôi kia rơi xuống ruộng, mồ hôi này chảy vào phim. Tất nhiên tôi biết, họ “bình dân” khi ở phim trường và khệnh khạng khi về Sài Gòn, Hà Nội. Họ chảnh chọe ở chỗ khác, nhưng ở Đà Lạt, ngay với một anh chàng đánh xe  ngựa họ cũng không hỗn được. Đà Lạt có một thứ “quyền  lực mềm”, bởi thiên nhiên Đà Lạt và sự hồn hậu  sâu đậm của con người nơi đây đứng trên mọi thứ phù hoa và quyền lực. Bảy trăm khách sạn và ngàn rưỡi nhà trọ, nhà nghỉ tha hồ là chỗ để họ hạ trại ăn nằm làm phim. Khách sạn rẻ như cơm bình dân khi  lưu trú là khách làm phim. Nhiều nhà nghỉ, khách sạn trở thành “bản doanh” cho một đoàn phim suốt ba tháng trời. Nhiều khách sạn “sống” nhờ phim ảnh như thế suốt bao năm nay.

*

Đạo diễn Đinh Anh Dũng bảo Đà Lạt như một thiếu nữ đẹp nên phim ảnh người ta cần đến nó. Đạo diễn Lê Cung Bắc bảo Đà Lạt là báu vật của trời. Đạo diễn Trần Mỹ Hà bảo cả cao nguyên Langbian này là màu nhiệm, kỳ bí, một thứ “Lâu đài thiên nhiên”, thách thức sáng tạo của người nghệ sĩ. Đạo diễn Đào Bá Sơn bảo đặc điểm có đủ bốn mùa trong một ngày khiến Đà Lạt dĩ nhiên phải hấp dẫn các nhà làm phim…

Vị đạo diễn - diễn viên Đào Bá Sơn bảo ngay cái nắng Đà Lạt nó cũng khác nơi khác, và nó nhẹ nhàng, từ từ, có tầng nấc ánh sáng, nắng nhưng không nóng. Nắng Đà Lạt không phủ ùm xuống mà lướt qua vạn vật. Phim ảnh cần vô cùng những góc hình tinh tế đó. Lê Cung Bắc nói rằng có gì sung sướng hơn với một nhà làm phim khi ở đây, muốn hồ có hồ, suối có suối, núi có núi, rừng có rừng, vườn có vườn, hoa có hoa, người có người… Muốn quay thiên nhiên “phẳng” tha hồ quay, mà muốn có sương mù vẫn cứ có, mà chẳng cần phải huy động máy móc tối tân, nhân tạo, dựng cảnh, đầu tư, suy tính, mỏi mòn… Thành phố cũng không đông đúc để phải bị chi phối vì đám đông, hay trật tự giao thông. Bất cứ giờ nào đi quay cũng “ngon”. Nếu đủ sức, làm phim cả ngày cũng được. Không phải như những nơi khác là phụ thuộc từ thời tiết, con người, đến sinh hoạt xã hội, phép tắc nhiêu khê… Làm phim ở Đà Lạt là tiết kiệm nhất. Không gian Đà Lạt cho độc lập sáng tạo khi làm phim, mà đặc sắc nhất là sự yên tĩnh, mát mẻ. Vị đạo diễn từng làm đến tám phim quay ở Đà Lạt khẳng định đây là xứ sở “ Nóng” chứ không “Lạnh”. Ngoài lạnh mà trong nóng. “Nóng” bởi nó nó thôi thúc người đạo diễn sự đam mê, đốt cháy cơn thèm sáng tạo, thèm cái đẹp. Tĩnh lặng lại khiến người ta nôn nao. Ông bảo đoàn phim của ông khi làm phim ở nơi khác từ đạo diễn đến diễn viên thường vất vả, mỏi mệt hơn, sau một ngày vật lộn; và hiệu suất không cao. Thế nên có những phim nói về chuyện và cảnh của nơi khác, nhưng ông Lê Cung Bắc cứ dựng cảnh lên ở Đà Lạt mà quay. “ Tránh thông ra là được, thành nơi khác thôi à !”, Lê Cung Bắc sảng khoái.

Mượn không gian hồ nước ở Đà Lạt để dựng Chợ quay phim.
Mượn không gian hồ nước ở Đà Lạt để dựng Chợ quay phim.

Họa sĩ Lê Cương - thuộc dòng dõi danh họa Lê Phổ thời mỹ thuật Đông Dương,  một người chuyên công việc thiết kế cảnh cho phim hai mươi  năm qua nói chẳng đâu mà thiên nhiên nhiều màu sắc như Đà Lạt. Anh thuộc từng cung đường, hẻm phố, cánh rừng, đường cong núi đồi của Đà Lạt. Anh nói khi thiết kế cảnh cho phim ở Đà Lạt, anh có cảm hứng cao, và bay bổng.  Như khi thiết kế để nhân vật đi trên đỉnh đồi, cho ông họa sĩ này cái cảm giác của một bức tranh, thật như ảo, tức là vượt trên một trường đoạn phim để đạt đến cái tinh tế hội họa. Hoặc khi muốn hình ảnh nói về sự cô đơn của một nhân vật, Lê Cương dùng ngay yếu tố cái lạnh của trời đất để thể hiện về trạng trái này - “ăn tiền” ngay.

Dân điện ảnh - thiệt thòi nếu chưa “ăn nằm” với Đà Lạt

  Có lần nữ diễn viên Hồng Ánh nói với tôi, ở Việt Nam, trong một nghiệp đời diễn viên mà chưa được đóng phim nào  ở Đà Lạt thì quả là một Tiếc nuối lớn. Hồng Ánh nói, trong đời diễn viên đã đi nhiều, đóng cũng được nhiều vai thích, nhưng cô vẫn thích một vai trong một câu chuyện tình nào đó thật huyền ảo ở Đà Lạt. Hồng Ánh nghĩ thiên nhiên Đà Lạt có một chiều sâu bí ẩn. “Rất khó hiểu khi ở Đà Lạt, thấy thoải mái, nhưng  vẫn có cái gì đó không hiểu hết, không thể làm sáng rõ”. Hồng Ánh cũng tin vẻ đẹp của cảnh quan Đà Lạt cũng tốt cho ngay cả khi người ta làm phim hành động. Nhìn nhận của nữ diễn viên danh tiếng này làm tôi  nhớ ra vì sao đạo diễn trẻ Hồ Anh Tuấn ngay khi khởi sự dựng phim đầu tay là “Trinh thám nghiệp dư” với câu chuyện mà ở đấy chồng  sắp nhiều sự bí ẩn anh đã nghĩ ngay đến Đà Lạt, lấy không gian đô thị cao nguyên này làm bối cảnh chủ đạo cho bộ phim 30 tập.  Ngay đạo diễn kỳ cựu Đặng Nhật Minh cũng có lần tâm sự rằng sẽ rất uổng với chính ông nếu  bỏ qua Đà Lạt. Ông hoạt động ở phía Bắc, cách Đà Lạt một ngàn ba trăm cây số, nhưng ông nghĩ về Đà Lạt với một mơ tưởng đặc biệt của người nghệ sĩ, và ông tự thấy rất “thiệt thòi” khi cho đến giờ ông chưa được “cắm” xuống mảnh đất, đại phim trường thiên nhiên này một bộ phim.

Đà Lạt xuất hiện ở trần thế để đón nhận người ta tìm lên sáng tạo, làm phim, và tranh thủ sống với nó, rồi nhớ nhung về nó. Ông đạo diễn từng khởi lập ra Ban kịch Thụ Nhân nổi tiếng ở Viện Đại học Đà Lạt gần 50 năm trước, Lê Cung Bắc, ước một ngày nào đó, các nhà hoạch định chính sách nhận ra được “Quyền lực mềm” của Đà Lạt, và định hướng xây dựng luôn những phim trường công nghệ như ở Mỹ,  Hàn, Ấn, Tàu đã làm, ngay tại Đà Lạt này của Việt Nam. Hình thành nên nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam ở đây, khi mà đã sẵn có một phim trường Thiên nhiên hoạt động trường kỳ, hội đủ Thiên thời-Địa lợi-Nhân hòa.

Ký sự của Nguyễn Hàng Tình


Ý kiến bạn đọc