Multimedia Đọc Báo in

Xúc cảm "ngược dòng thời gian"

09:36, 29/09/2016

Bảo tàng tỉnh đang triển lãm bộ ảnh “Tây Nguyên những năm 50 của thế kỷ XX” của tác giả người Pháp Jean-Marie Duchange chụp trong khoảng thời gian từ năm 1953-1955 trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Thưởng lãm bộ ảnh, người xem có dịp “ngược dòng thời gian”, trở về quá khứ ngắm nhìn những nét văn hóa thú vị, đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên dưới lăng kính, góc nhìn của một người nước ngoài.

Triển lãm gồm 34 bức ảnh, là một phần trong gần 200 âm bản, mà con gái cùng cháu ngoại của tác giả gửi tặng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Bộ ảnh được thực hiện bằng máy Rolleiflex và Samflex, chụp phim âm bản 6x6-một trong những loại máy ảnh tiên tiến lúc bấy giờ. Các bức ảnh trưng bày tại triển lãm được phóng theo kỹ thuật tái hiện hình ảnh của các phim âm bản gốc, in tại Pháp trên chất liệu trong suốt, cho phép người xem thưởng lãm ở cả 2 mặt. Cùng với việc bố trí không gian triển lãm hợp lý và sự kết hợp ánh sáng mang tính nghệ thuật cao, dẫn dắt vào từng nội dung thể hiện cụ thể, khiến người xem có cảm tưởng như đang ở giữa một không gian hết sức huyền bí, nguyên sơ của Tây Nguyên những năm 50 của thế kỷ trước. 

Tuy không phải là một nhà dân tộc học, cũng không phải là một nhiếp ảnh gia-như chính lời bộc bạch của tác giả được giới thiệu tại triển lãm, song chính bằng tình yêu với mảnh đất nơi ông đang làm việc, tình yêu với những con người chân chất, mộc mạc ông từng gặp gỡ nên Jean-Marie Duchange đã dấn thân, quan sát, tìm hiểu một cách tỉ mẩn cuộc sống sinh hoạt thường nhật, những nét văn hóa tập quán tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên để cầm máy ghi lại, thực tả qua những tác phẩm có tính nghệ thuật cao. Trong khoảng thời gian 3 năm ở Tây Nguyên, ông đã đi nhiều nơi, đã chụp, chọn lựa gần 200 bức ảnh tiêu biểu phản ánh mảnh đất, con người nơi đây.

Một góc không gian trưng bày bộ ảnh.
Một góc không gian trưng bày bộ ảnh.

 Thưởng lãm bộ ảnh, người xem có cảm tưởng ông là một nhà dân tộc học, am hiểu tận tường Tây Nguyên khi ông chú ý, tập trung nghiên cứu, tìm hiểu những nét đặc trưng riêng về phong tục, tập quán của đồng các dân tộc Êđê, Gia Rai, M’Nông qua những sinh hoạt rất đỗi đời thường của họ, như: lao động sản xuất, giã gạo, làm rẫy, dệt vải, cán bông… Đặc biệt ông dành sự quan tâm riêng, chú ý đến việc đặc tả những nét kiến trúc vốn tạo nên bản sắc của mỗi dân tộc sinh sống trên Tây Nguyên qua việc thể hiện khá chi tiết hình ảnh của nhà dài, nhà rông ở thời gian này, dưới những góc độ khác nhau, như: nhà dài có mái uốn khum của người M’nông Gar, nhà rông của người Xơ Đăng, nhà dài của người Gia Rai… mà hiện nay đã dần bị mai một, thậm chí biến mất, chỉ tồn tại trong ký ức của nhiều người. Bộ ảnh cũng có khá nhiều bức ảnh sinh động về chân dung các ông, bà, cháu nhỏ, thanh niên, thiếu nữ… trong trang phục truyền thống rất riêng của đồng bào mình.

Bên cạnh đó ông cũng quan tâm, ghi lại những cảnh sinh hoạt tín ngưỡng của các dân tộc Tây Nguyên qua những bức ảnh miêu tả lễ hội hiến sinh trâu của người Xơ Đăng, Lễ cầu mùa của người Êđê, Uống rượu cần ngày lễ… Dưới góc nhìn của một người nước ngoài, những nét văn hóa mang bản sắc riêng của mỗi dân tộc trên dải đất Tây Nguyên đan quyện lại với nhau, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên.

Dự định xuất bản một cuốn sách ảnh về Tây Nguyên của tác giả Jean-Marie Duchange dang dở khi ông qua đời ở tuổi 88. May mắn thay, con gái và cháu ngoại ông, bà Évelyne Duchange và Nadège Buorgoin đã quyết định tặng những âm bản cho Bảo tàng Quai Branly (Pháp), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Bảo tàng Đắk Lắk như một cách tưởng nhớ tác giả. Còn đối với những nhà nghiên cứu dân tộc học thì đây là những tư liệu hết sức quý giá, cung cấp những góc nhìn chân thực, sinh động về con người và mảnh đất của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vào những năm 50 của thế kỷ trước.

“Sau 4 năm làm việc trong quân đội, tôi rời quân ngũ và làm việc 3 năm ở Vụ Y tế công cộng khu vực miền núi Nam Đông Dương. Trong 3 năm đó tôi đi nhiều nơi, bằng xe jeep, đi bộ, đi thuyền độc mộc, cưỡi voi… Tôi chụp ảnh vì yêu thích, vì sở thích của chính mình…”, đó là những lời Jean-Marie Duchange mở đầu cuốn sách ảnh mà ông dự định xuất bản.

 

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.