Multimedia Đọc Báo in

Chỉ 40% doanh nghiệp quan tâm bảo vệ thông tin cá nhân cho khách hàng

10:25, 15/06/2012

Theo Báo cáo Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam 2011 vừa được Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương) công bố, mặc dù việc bảo vệ thông tin cá nhân trong giao dịch trực tuyến có ý nghĩa ngày càng quan trọng nhưng kết quả điều tra cho thấy mới có 40% doanh nghiệp quan tâm tới việc bảo vệ thông tin cá nhân.

Báo cáo cũng chỉ rõ có sự khác biệt đáng kể giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với việc triển khai các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân cho khách hàng. Cụ thể, trong khi 66% doanh nghiệp lớn cho biết đã áp dụng các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân thì tỷ lệ này tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới là 40%. “Nhìn chung, sự quan tâm tới việc bảo vệ thông tin cá nhân của các doanh nghiệp năm 2011 không thay đổi nhiều so với năm 2010”, bản báo cáo cho biết thêm.

Ngoài ra, dù hầu hết doanh nghiệp và người tiêu dùng đã biết tới lợi ích to lớn của TMĐT nhưng vẫn chưa ứng dụng hoặc mới ứng dụng ở mức thấp do lo ngại về các rủi ro trong giao dịch trực tuyến. Ngược lại, cũng có nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia thương mại nhưng chưa chú ý thỏa đáng tới việc bảo vệ thông tin trên môi trường mạng.

Kết quả điều tra năm 2011 về hoạt động bảo đảm an toàn thông tin tại các doanh nghiệp cho thấy có 37% sử dụng biện pháp tường lửa, 92% sử dụng các phần mềm, 14% sử dụng các biện pháp phần cứng.

Nếu khảo sát chi tiết hơn về việc bảo đảm an toàn thông tin theo quy mô doanh nghiệp, có thể thấy tỷ lệ các doanh nghiệp lớn sử dụng các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin cao hơn hẳn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ví dụ như biện pháp tường lửa chỉ có 36% doanh nghiệp vừa và nhỏ (trong khi các doanh nghiệp lớn ở mức 55%) hay bảo đảm an toàn thông tin qua phần cứng với 13% doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng (trong khi 39% doanh nghiệp lớn sử dụng biện pháp này)...

Ông Vũ Quốc Thành, Tổng thư ký Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) dự đoán, nếu nền kinh tế năm 2012 vẫn tiếp tục khó khăn, việc đảm bảo an toàn thông tin giữa các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước sẽ tiếp tục có sự phân chia rõ rệt. Các doanh nghiệp lớn có sự đầu tư, quan tâm về an toàn thông tin sẽ ngày càng khó bị tấn công hơn trong khi những đơn vị khác dễ dàng trở thành mồi ngon cho tin tặc.

Đối với các trở ngại trong việc ứng dụng, triển khai TMĐT, các doanh nghiệp được khảo sát đều đã coi an toàn thông tin là trở ngại lớn nhất và có thể sẽ vẫn tiếp tục thuộc nhóm các trở ngại lớn nhất trong những năm tới. Chính vì thế, các doanh nghiệp đã đề xuất, kiến nghị Nhà nước tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đảm bảo thông tin trên các website TMĐT có độ tin cậy cao, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Tại Việt Nam, theo thống kê của VNISA, tấn công từ chối dịch vụ năm 2011 tăng 70% và các cuộc tấn công mạng cũng tăng gấp 3 lần so với năm 2010, thậm chí trong tháng 5 và 6-2011, đã có đến 329 website .gov.vn bị tấn công. Còn thống kê của Bkav cho thấy, trong năm 2011 có đến 64,2 triệu máy tính tại Việt Nam bị nhiễm virus (trung bình một ngày có hơn 175 nghìn máy tính bị nhiễm virus), 2.245 website của cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công (trung bình mỗi tháng có đến 187 website bị tấn công).

Nguồn ICTnews


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.