Multimedia Đọc Báo in

"Điểm nghẽn" trong thực hiện tiêu chí môi trường ở Ea Bông

08:37, 29/03/2018

Từ hàng chục năm nay, tình hình ô nhiễm khói bụi từ các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn xã Ea Bông (huyện Krông Ana) đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân địa phương. Không những thế, tình trạng này đã trở thành “điểm nghẽn” về tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Với nhiều địa phương ở vùng nông thôn, việc hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới không phải dễ thực hiện. Đối với xã Ea Bông thì đây càng là vấn đề nan giải, trong đó, trở ngại lớn nhất là việc các cơ sở sản xuất gạch đang ngày đêm gây ô nhiễm môi trường xung quanh, tác động đến đời sống người dân.

Theo số liệu thống kê, toàn huyện hiện có gần 70 cơ sở sản xuất gạch. Trong đó, thị trấn Buôn Trấp có 24 cơ sở và xã Bình Hòa 2 cơ sở, riêng xã Ea Bông có trên 40 cơ sở. Theo người dân xã Ea Bông, các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn đã hoạt động trên 20 năm, tập trung ở các buôn Mlớt, Sah, Riăng và buôn Kô. Hầu hết các lò gạch đều đốt bằng than đá hoặc củi nên không khí xung quanh luôn bị ô nhiễm bởi khí thải ra, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sinh hoạt cũng như sức khỏe của người dân. Không những thế, khói bụi ô nhiễm của các lò gạch trên còn tác động đến việc sản xuất, kinh doanh của nhiều hộ dân khi bụi bám trắng từ mái tôn, các vật dụng trong nhà đến các loại cây trồng.

Bụi mù mịt do hoạt động khai thác đất sét phục vụ sản xuất gạch ở xã Ea Bông gây ra.
Bụi mù mịt do hoạt động khai thác đất sét phục vụ sản xuất gạch ở xã Ea Bông gây ra.

Bên cạnh đó, tình trạng các xe tải chở đất sét từ đồng ruộng về lò gạch và xe chở gạch đi tiêu thụ cũng thường xuyên gây ô nhiễm môi trường bởi bụi mù từ đất sét, gạch vương vãi trên các tuyến đường xe đi qua. Được biết, dù hằng ngày chính quyền địa phương đã thuê xe tưới nước tại các mặt đường nhưng cũng không hạn chế được là bao bởi vào mùa khô nước tưới được một lúc thì lại khô khiến đường lại bụi mù.

 Ông Nguyễn Xuân Khu, Chủ tịch UBND xã Ea Bông cho biết: “Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã yêu cầu các cơ sở sản xuất gạch phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, hạn chế sản xuất giờ cao điểm, liên tục tưới nước trong khu vực sản xuất. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở chuyển từ sản xuất gạch nung sang gạch không nung. Không chỉ thế, chúng tôi đã lập danh sách một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng để kiến nghị lên cấp trên đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, đây không phải là việc có thể làm được trong một sớm, một chiều, nên đối với địa phương, không biết đến bao giờ tiêu chí số 17 về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm mới có thể hoàn thành”.

Một cơ sở sản xuất gạch ở xã Ea Bông.
Một cơ sở sản xuất gạch ở xã Ea Bông.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Khu, ngoài vấn đề ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất gạch, xã Ea Bông đang gặp khó trong việc thực hiện các chỉ tiêu trong tiêu chí số 17 về số hộ dân được sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường; tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm…

Dẫu biết, hoạt động của các lò gạch này đã giải quyết một phần không nhỏ lao động cho người dân địa phương cũng như góp phần tạo nguồn ngân sách, nhưng với thực trạng hiện nay, thiết nghĩ việc xóa bỏ lò gạch thủ công ở những khu dân cư, chuyển đổi sang đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất gạch không nung là việc làm cấp thiết. Do đó, chính quyền các cấp cần có kế hoạch quy hoạch lại làng nghề, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho các lao động; đặc biệt phải tạo điều kiện cho các hộ các cơ sở này chuyển đổi, cải tiến việc sản xuất gắn sự phát triển kinh tế gia đình, địa phương đi đôi với bảo vệ môi trường.

Theo Quyết định số 35/2014/QĐ-UBND, ngày 13-10-2014 của UBND tỉnh về quy định lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng … thì đến năm 2020, các loại lò gạch này không được cấp phép xây dựng mới, phải chấm dứt hoạt động và chuyển đổi sang công nghệ lò tuynel hoặc sản xuất gạch không nung. Như vậy, theo lộ trình đưa ra, thì phải còn 3 năm nữa tình trạng ô nhiễm môi trường này ở xã Ea Bông mới được cải thiện.

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.