Multimedia Đọc Báo in

Du xuân làng Mường

08:45, 12/02/2021

Khi hoa cà phê nở rộ trắng xóa, tỏa hương thơm dịu nhẹ khắp vườn đồi, cũng là lúc người Mường ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) tạm gác lại công việc nương rẫy, nô nức chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Xã Hòa Thắng có hơn 1.200 hộ người Mường, sinh sống chủ yếu ở các thôn 1, 2, 3. Đối với người Mường, phong tục dựng cây nêu trong ngày Tết có ý nghĩa rất quan trọng. Cây nêu thường được làm bằng cây tre, trúc, lồ ô dài khoảng 5 - 8 mét còn nguyên ngọn. Sau khi tỉa sạch cành lá ở bên dưới, chỉ để lại lá xanh trên ngọn, người Mường trang trí những tấm vải màu đỏ dọc theo thân cây nêu. “Cuối năm, đàn ông trưởng thành trong làng lại rủ nhau vào rừng tìm những cây tre lớn, thẳng để dựng trước cổng nhà, những cây nhỏ hơn cắm ở giếng nước, nhà bếp, cửa chuồng gia súc của gia đình nhằm trừ tà ma, xua đi cái xấu của năm cũ và đón những điều tốt lành trong năm mới”, ông Nguyễn Văn Phú ở thôn 2 (xã Hòa Thắng) cho hay.

 

Một buổi tập luyện của các thành viên đội chiêng Mường thôn 2 (xã Hòa Thắng).  
Một buổi tập luyện của các thành viên đội chiêng Mường thôn 2 (xã Hòa Thắng).

Do sự giao thoa văn hóa nên phong tục đón Tết của người Mường ở xã Hòa Thắng đã ít nhiều thay đổi song người dân nơi đây còn lưu giữ một tập tục rất đặc sắc, đó là tiếng cồng chiêng vẫn ngân vang trong ngày lễ hội, Tết cổ truyền. Trước đây, chỉ vài nghệ nhân trong xã biết đánh chiêng nhưng hiện nay toàn xã có 3 đội chiêng Mường với hơn 45 thành viên. Điều đáng mừng là trong các đội chiêng có nhiều thế hệ cùng tham gia. Đơn cử như đội chiêng thôn 2 hiện có 15 thành viên, người lớn tuổi nhất năm nay đã 64 tuổi, người trẻ nhất mới 24 tuổi.

Theo phong tục, vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, các gia đình người Mường còn lưu giữ cồng chiêng đều đánh ba hồi chiêng để mời tổ tiên về nhà ăn Tết cùng con cháu. Sáng mùng 1 Tết, sau khi chuẩn bị chu đáo mâm cỗ cúng cho những người đã khuất, các thành viên đội chiêng mặc trang phục truyền thống, xuất phát từ nhà để cồng chiêng rồi lần lượt đi đến từng nhà trong thôn chúc Tết các gia đình. Đội chiêng đi đến đâu không khí sôi nổi, náo nhiệt đến đó, tới nhà nào họ cũng tấu lên những điệu chiêng vui tươi, nói lời hay, ý đẹp, cầu chúc cho gia chủ một năm mới nhiều sức khỏe, ăn nên làm ra. Ông Bùi Văn Thành ở thôn 2 (xã Hòa Thắng) vui vẻ trò chuyện: “Cảm giác chờ đợi, đón đội cồng chiêng của thôn vào nhà chúc Tết hồi hộp và vui sướng lắm. Tiếng chiêng đồng loạt vang lên “pinh, pòng, pinh” nghe rộn rã, có sức lôi cuốn kỳ lạ. Theo quan niệm của người Mường, tiếng chiêng phát ra to, vang, rền là báo hiệu một năm mới tốt lành, may mắn”.

Chuẩn bị trang phục truyền thống đón Tết.
Chuẩn bị trang phục truyền thống đón Tết.

Bên cạnh đó, vào những ngày đầu Xuân năm mới, cộng đồng người Mường còn tổ chức nhiều trò chơi đậm nét văn hóa dân tộc như: hát đối đáp, ném còn, kéo co... Các hoạt động vui chơi diễn ra trong ngày Tết không chỉ mang lại không khí vui tươi, phấn khởi sau một năm lao động vất vả mà còn góp phần phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngày mùng 7 Tết, các gia đình làm lễ hạ nêu cũng là thời điểm đình làng tổ chức Lễ khai hạ (xuống đồng). Đây là lễ hội có quy lớn nhất trong năm của người Mường. Sau ngày này, người dân bắt đầu ra đồng chăm sóc các loại cây trồng với kỳ vọng thời tiết thuận lời, mùa màng bội thu, bản làng được yên bình hạnh phúc.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.