Multimedia Đọc Báo in

Hữu duyên với cổ vật

20:19, 11/02/2021

Ngôi nhà nhỏ của chị Nguyễn Thị Vân trên đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Buôn Ma Thuột) là một địa chỉ quen thuộc của những người đam mê cổ vật.

Chị Vân kể rằng, cơ duyên với cổ vật đến từ hồi nhỏ, khi nhìn thấy một chiếc đĩa hơi lạ tại gia đình với hoa văn độc đáo, cổ kính, nó thu hút đến mức chị phải tìm hiểu tại sao lại có sự khác lạ đó. Càng ngày chị càng thích tìm hiểu những đồ cũ, cổ vật và chính thức sưu tầm về đồ xưa, cũ, cổ vật khoảng 10 năm nay.

 

Chị Nguyễn Thị Vân (giữa) cùng bạn bè giao lưu,  chia sẻ kiến thức về các hiện vật quý. 
Chị Nguyễn Thị Vân (giữa) cùng bạn bè giao lưu, chia sẻ kiến thức về các hiện vật quý.

Chị thường đi nhiều nơi để tìm kiếm, giao lưu hoặc hễ thấy ở đâu có các món đồ xưa bị bỏ đi là chị đem về, vệ sinh sạch sẽ để lưu giữ. Với chị, nâng niu những hiện vật cổ mang đến những giá trị tinh thần to lớn, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc đặc biệt. Bởi ẩn sau vẻ đẹp bên ngoài thì mỗi cổ vật còn ẩn chứa những câu chuyện quá khứ, là một nền văn hóa, tinh hoa “vang bóng một thời”.

Ngôi nhà chị hiện trở nên chật chội với khoảng 2.000 hiện vật đủ kiểu loại thuộc nhiều niên đại, thời kỳ khác nhau, từ những món đồ xưa như máy đĩa đá (quay tay), đồng hồ, máy may, đèn măng xông... cho đến những chiếc đĩa, chén cổ thời Lý... Trong đó, chị Vân tâm đắc nhất với bộ sưu tập chóe của người Tây Nguyên. Những họa tiết trên bề mặt gốm dù đã phủ màu thời gian nhưng vẫn thể hiện độ tinh xảo, vẻ đẹp riêng có. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên, chị càng thêm say mê khi tìm hiểu về chóe, ý nghĩa cũng như cách sử dụng chóe của các dân tộc nơi đây. Nhìn chị tỉ mỉ lau chùi, bảo quản và chia sẻ sự hiểu biết của mình về các loại chóe thì đủ biết chị đam mê đến như thế nào.

Đồ xưa, cổ vật được lưu truyền lại có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, nhưng người đam mê và có điều kiện theo đuổi sưu tầm cổ vật không nhiều, nhất là với phụ nữ, theo đuổi đam mê ấy nhiều khi phải chấp nhận thiệt thòi. Vì bận việc gia đình, muốn đi đâu làm gì cũng cần phải sắp xếp thời gian, nên nhiều khi đã bỏ lỡ món đồ mình yêu thích. Bên cạnh đó, nhiều cổ vật có giá trị kinh tế cao, quá khả năng tài chính thì cũng đành bỏ lỡ. Nhưng vượt qua tất cả những điều ấy, với chị Vân, điều kiện tiên quyết để có thể "hữu duyên" với các cổ vật là phải thực sự tâm huyết, không chỉ sở hữu, bảo tồn, giữ gìn mà còn phải phát huy được giá trị cổ vật. Ngoài cất công tìm kiếm, sưu tầm, chị còn đầu tư trang bị tủ kính, máy hút ẩm để giữ các mẫu hiện vật không bị hư hại, giữ được trọn vẹn vẻ đẹp nguyên bản.

Chị Nguyễn Thị Vân giới thiệu cho bạn bè về lịch sử, giá trị  của hiện vật.
Chị Nguyễn Thị Vân giới thiệu cho bạn bè về lịch sử, giá trị của hiện vật.

Niềm tự hào của chị Vân không chỉ ở bộ sưu tập đồ cổ mà còn ở sự lan tỏa đam mê cho cả gia đình. Mỗi thành viên trong gia đình chị, đặc biệt là các con không chỉ yêu thích mà còn có ý thức tìm hiểu về giá trị lịch sử của hiện vật, từ đó biết trân trọng những giá trị văn hóa của cha ông từ ngàn xưa để lại. Tình yêu đó đã đưa ngôi nhà của chị trở thành một điểm đến của những nhà nghiên cứu văn hóa, những người sưu tầm đồ cổ và du khách thập phương... Trong thời gian tới, với mục tiêu đưa giá trị văn hóa của các hiện vật sưu tầm đến gần với công chúng, chị Vân cùng những người đam mê cổ vật trên địa bàn tỉnh dự kiến phối hợp tổ chức các buổi trưng bày định kỳ hiện vật cổ gắn bó với đời sống, lịch sử, văn hóa của mảnh đất Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung tới đông đảo công chúng. Qua đó, giúp cho mọi người cùng nhau thêm hiểu, thêm trân trọng những giá trị văn hóa của quê hương, đất nước.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.