Multimedia Đọc Báo in

"Đánh thức" tiềm năng di tích (kỳ 1)

17:42, 18/04/2021

Ngày 30-10-2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2615/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, cần thiết và kịp thời để chính quyền địa phương cùng các sở, ngành liên quan vào cuộc nhằm “đánh thức” tiềm năng vốn di sản quý báu này, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.

Di tích được xếp hạng vẫn chờ "sổ đỏ"

Trong thời gian qua, việc điều tra, khảo sát và xếp hạng di tích được các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện liên tục và thường xuyên. Theo Sở VH-TT-DL, đến nay trên địa bàn Đắk Lắk đã có 38 di tích được xếp hạng (bao gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh). Theo đó, số di tích này cũng đã được phân cấp cho chính quyền các huyện, thị xã, thành phố và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quản lý, bảo vệ và khai thác.

Tháp cổ Yang Prông (huyện Ea Súp) chưa thu hút du khách do hạ tầng chưa được đầu tư.
Tháp cổ Yang Prông (huyện Ea Súp) chưa thu hút du khách do hạ tầng chưa được đầu tư.
“Trước mắt xếp hạng cho di tích là nhằm có kế hoạch quản lý, bảo vệ và hạn chế tình trạng xâm hại di tích. Xa hơn là xác định giá trị trên các mặt lịch sử, văn hóa, sinh thái cho thế hệ sau lấy đó làm nền tảng phát triển. Tất nhiên vấn đề đầu tư, tôn tạo và phát huy những giá trị ấy là điều đáng quan tâm nhất hiện nay”.
ông Lê Ngọc Quế, Trưởng Phòng Quản lý di sản - Sở VH-TT-DL

Tuy nhiên, do lực lượng quá mỏng lại thiếu quy chế phân cấp quản lý cụ thể và rõ ràng (về mặt kinh phí cũng như con người) nên đã dẫn đến tình trạng có không ít di tích bị xâm phạm nghiêm trọng. Ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk chia sẻ: Tình trạng này xảy ra đối với những di tích đứng chân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa… vốn chịu nhiều áp lực từ nhu cầu mở rộng, phát triển kinh tế (chủ yếu là nông nghiệp) của người dân sở tại. Để xảy ra điều đó là do công tác cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ chưa được chú trọng kịp thời, nhất là vấn đề triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất di tích còn “bỏ ngỏ”. Hiện trên địa bàn Đắk Lắk mới chỉ có 4 di tích được cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ gồm: Thắng cảnh thác Drai Yông (huyện Cư M’gar), Thác Bìm Bịp (huyện Lắk), Tháp Chăm Yang Prông (huyện Ea Súp) và Điểm cao 519 (huyện M'Drắk). Số di tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng hết sức khiêm tốn, đến nay chỉ có 2 di tích có “sổ đỏ” là Biệt điện Bảo Đại (TP. Buôn Ma Thuột) và Miếu thờ Đồn điền CADA (huyện Krông Pắk).

Mới đây, vào đầu tháng 3-2021, Sở VH-TT-DL phối hợp cùng các ban, ngành liên quan làm việc với chính quyền địa phương về việc triển khai nội dung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích được xếp hạng đã cho thấy rõ thêm về những hạn chế, bất cập nêu trên. Có không ít huyện, thị xã đã “bỏ qua” việc quy hoạch sử dụng đất di tích theo quy định hiện hành. Nhất là các huyện, thị xã có di tích gắn với đất lâm nghiệp, rừng bảo tồn lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng và danh lam thắng cảnh… càng bộc lộ “khoảng trống” đáng lo ngại này, khiến công tác quản lý và bảo vệ vốn di sản ở đây thêm nan giải.

Danh thắng Hồ Lắk (huyện Lắk) luôn đối mặt với tình trạng xâm phạm do áp lực mưu sinh của người dân.
Danh thắng Hồ Lắk (huyện Lắk) luôn đối mặt với tình trạng xâm phạm do áp lực mưu sinh của người dân.

Ví như di tích Đồn điền Rosi (thị xã Buôn Hồ) hiện đang được Công ty Cà phê Buôn Hồ thuê đất để trồng cà phê; Di tích Sở chỉ huy - Nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3 (huyện Ea H’leo) nằm trong lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Thuần Mẫn và Công ty Hoàng Thiên; Di tích Nhà nghỉ Bảo Đại, Hồ Lắk (huyện Lắk) thuộc Ban Quản lý rừng văn hóa - lịch sử Hồ Lắk; Danh thắng Drai Sáp thượng và Drai Nur (huyện Krông Ana) thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ địa phương; hay như Khu di tích Căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) huyện Krông Bông phần lớn nằm trong lõi Vườn Quốc gia Chư Yang Sin… hết thảy đều gặp khó khăn trong việc khoanh vùng, bảo vệ (chứ chưa nói đến quy hoạch sử dụng đất di tích) phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội do vướng vào quy định của Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp, nên nảy sinh tình trạng “khó chồng thêm khó” khi triển khai kêu gọi đầu tư, tôn tạo di tích theo "Đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” mà UBND tỉnh đã phê duyệt. 

Có thể nói việc xếp hạng cho di tích là động thái tích cực và đáng ghi nhận từ các cấp, ngành có trách nhiệm. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm ở đây là việc công nhận di tích chưa đi đôi với lộ trình đầu tư, tôn tạo đúng mức, kịp thời để biến vốn tài nguyên này trở thành nguồn lực nội tại giúp những địa phương sở hữu di tích có thêm điều kiện, cơ hội để vươn lên.

  Đình Đối

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.