Multimedia Đọc Báo in

Kết nghĩa buôn làng: Vững vàng khối đại đoàn kết (kỳ 1)

08:29, 30/08/2021

Ngày 22-3-2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 75-CV/TU về việc "Phân công các cơ quan, đơn vị kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số”. Hành trình kết nghĩa của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên những chặng đường xây dựng buôn làng giàu đẹp, ấm no.

Kỳ 1: Bền chặt những ân tình

Chủ trương kết nghĩa mang ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, lực lượng vũ trang, các cấp, ngành cùng đồng bào các dân tộc tin tưởng, tích cực hưởng ứng. Bằng những cách làm sáng tạo, hoạt động này đã góp phần xây dựng nghĩa tình giữa người dân buôn làng với các cơ quan, đơn vị thêm thắm thiết và bền chặt. 

“3 bám 4 cùng”

Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, sau khi có Công văn số 75-CV/TU, ngày 22-3-2004 của Tỉnh ủy về việc “Phân công các cơ quan, đơn vị kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số”, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức quán triệt đến cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hướng dẫn các cơ quan, đơn vị khảo sát, lập kế hoạch phân công địa bàn, chú trọng kết nghĩa với các buôn có tình hình an ninh chính trị phức tạp, địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước được chuyển tải sinh động đến người dân, giúp bà con dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu và thực hiện hiệu quả.

Thượng tá Trần Minh Trọng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Chung tay giúp buôn làng phát triển kinh tế - xã hội, nhiều phong trào như: “Xóa hộ đói, giảm hộ nghèo”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Dân vận khéo”, “Bộ đội chung sức làm việc nghĩa”... được các cơ quan, đơn vị phối hợp triển khai hiệu quả. Hằng năm, mỗi dịp tết đến xuân về, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lại triển khai cho các cơ quan, đơn vị hành quân dã ngoại về buôn. Như về thăm chính gia đình mình, trong thời gian tham gia sinh hoạt với bà con, các cán bộ, chiến sĩ quây quần sẻ chia và lắng nghe để thấu hiểu hơn tâm tư, tình cảm của đồng bào.

Đại diện Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M’gar trao dê giống hỗ trợ cho người dân buôn Pốk B. Ảnh: Quỳnh Anh

Với mong muốn cùng bà con đón xuân mới ấm áp và tươm tất, bộ đội tỏa đi khắp buôn làng, thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa như: cắt tóc miễn phí cho người già, trẻ em; tham gia thu hoạch mùa màng, dọn dẹp vệ sinh trục đường thôn, buôn; giao lưu văn hóa văn nghệ; gói bánh chưng xanh và tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn... Chỉ từ năm 2016 đến 2020, lực lượng vũ trang tỉnh đã phối hợp tặng trên 4.800 suất quà cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp lễ, tết; hỗ trợ trên 2.500 ngày công giúp dân phát triển sản xuất; tu sửa, nạo vét, làm mới hàng trăm ki-lô-mét kênh mương, đường giao thông; xây 20 căn nhà Tình nghĩa, nhà đồng đội và tặng 64 con bò giống cho gia đình nghèo…

Đồng hành trên mọi mặt trận

Trong mọi chương trình, hoạt động, các cơ quan, đơn vị đều khắc ghi phương châm “3 bám 4 cùng” (bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương, chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) để triển khai sát với điều kiện thực tế của từng thôn, buôn” - Thượng tá Trần Minh Trọng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Kể từ khi xây dựng mối quan hệ kết nghĩa (năm 2004), buôn Pốk B, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar với Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M’gar gắn bó như thể anh em. Không chỉ thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, tết, Ban Chỉ huy Quân sự huyện còn trăn trở tìm hướng đi giúp đỡ bà con buôn Pốk B sớm thoát nghèo.

Từng hỗ trợ người dân tiền mặt và hiện vật để phát triển kinh tế nhưng không mấy hiệu quả, năm 2016 Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M'gar tìm giải pháp mới là phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện thực hiện hỗ trợ vật nuôi luân chuyển. Từ chương trình đã có 10 hộ dân được hỗ trợ bò và dê giống. “Tặng cần tặng cả cách câu”, các đơn vị thường xuyên xuống thăm địa bàn, hướng dẫn bà con xóa bỏ thói quen chăn thả lạc hậu, tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường, nhờ đó mang lại hiệu quả kinh tế, tạo nguồn thu nhập ổn định.

Cán bộ Viện KSND tỉnh tặng quà cho buôn Huk A (xã Cư M'gar, huyện Cư M'gar) trong Chiến dịch Kỳ nghỉ hồng năm 2020. Ảnh: Hồng Chuyên

Trung tá Bùi Hữu Gia, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M'gar cho hay, hạnh phúc lớn nhất đối với các chiến sĩ áo xanh có lẽ là việc góp phần giảm nghèo cho bà con buôn làng. Nếu thời điểm năm 2016 toàn buôn có đến 30 hộ nghèo, nay chỉ còn 5 hộ, trong số đó có nhiều hộ được hỗ trợ vật nuôi luân chuyển đã thoát nghèo.

Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Nguyễn Xuân Hòa cho biết, để đồng hành với đơn vị kết nghĩa (buôn Huk A, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) trên mọi mặt trận, Viện chỉ đạo thực hiện tốt công tác bám sát địa bàn, liên hệ mật thiết với tổ chức đảng và chính quyền địa phương, vận động quần chúng nhân dân giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao cảnh giác, không nghe theo kẻ xấu.

Công tác kết nghĩa góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. (Trong ảnh: Lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Xê Đăng ở buôn Kon H'ring, xã Ea H'đing, huyện Cư M'gar). Ảnh: Lê Hương

Thông qua các buổi thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, tết, Viện lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhất là các chuyên đề về chính sách các dân tộc, tôn giáo. Đến nay, Viện cũng đã xây dựng tủ sách pháp luật với hàng trăm đầu sách, báo, hỗ trợ người dân trong việc tìm hiểu các kiến thức pháp luật, tiếp cận với nhiều thông tin bổ ích. Việc duy trì thường xuyên nhiều hoạt động trong công tác kết nghĩa đã góp phần giáo dục ý thức chính trị, nâng cao nhận thức của người dân, giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự xã hội, phát huy truyền thống tương thân tương ái, thắt chặt tình đoàn kết.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Trên hành trình kiến tạo cuộc sống mới

Lê Hương - Quỳnh Anh - Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.