Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng đội ngũ cán bộ “có tâm, có tầm”

08:12, 06/10/2022

Xuất phát từ quan điểm của Đảng cũng như vai trò quan trọng của công tác cán bộ, trong các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk qua các nhiệm kỳ luôn nhấn mạnh và đề cao đến việc xây dựng, đào tạo nguồn cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ được giao.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã nâng tầm lên cao hơn đối với việc xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ. Cụ thể, Đảng bộ tỉnh xác định, một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là "Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hội nhập quốc tế và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương… Thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về công tác tổ chức, cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “vừa hồng, vừa chuyên”.

Với việc xác định là khâu đột phá không những cho một nhiệm kỳ mà là tạo tiền đề, nguồn lực cho sự phát triển lâu dài của tỉnh, Đảng bộ tỉnh đặt ra yêu cầu, đòi hỏi cao hơn đối với công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ là điều hết sức cần thiết. Cán bộ ở đây đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu là “nguồn nhân lực chất lượng cao”, có thể gánh vác những trọng trách, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, thật sự là “trụ cột” của mỗi địa phương.

Rõ ràng, trong bất cứ giai đoạn phát triển nào thì luôn đòi hỏi người cán bộ, nhất là người lãnh đạo đứng đầu phải có tâm và phải có thực tài mới có thể lãnh đạo cả một tập thể, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, có hướng phát triển đi lên. Đặc biệt, trong xu thế hợp tác, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, người cán bộ lãnh đạo không chỉ dừng lại ở việc “có tâm, có tài” nữa mà còn phải biết nhìn xa, trông rộng, nghĩa là phải “có tầm”.

Các đại biểu tỉnh Đắk Lắk tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Ảnh: Lê Thành

Tâm của người cán bộ lãnh đạo ở đây được hiểu là phẩm chất, đạo đức, luôn có tinh thần nhiệt huyết với công việc, trăn trở với việc đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả, biết hài hòa các mối quan hệ, biết lấy lợi ích tập thể, xã hội lên trên hết và phải trung thực với đồng nghiệp, bạn bè. Cái tâm của người lãnh đạo còn thể hiện ở đạo đức cách mạng, đó là có phẩm chất chính trị, tư tưởng, lập trường kiên định, lòng trung thành; có tinh thần giác ngộ, giáo dục mọi người cùng thực hiện các chuẩn mực đạo đức và biết đặt lợi ích của mình trong lợi ích tập thể và xã hội.

Cái tài của người cán bộ lãnh đạo được biểu hiện thông qua hoạt động thực tiễn và bằng kết quả hoạt động. Đó là phải có năng lực chỉ đạo, chuyên môn, xác định được mục tiêu, kế hoạch thực hiện cũng như biết cách đôn đốc thực hiện, kiểm tra, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm thực hiện. Người cán bộ lãnh đạo còn phải có năng lực giao tiếp, năng lực sáng tạo, biết làm việc và biết phát huy trí tuệ tập thể, có hiểu biết sâu rộng.

Cái tầm của người cán bộ lãnh đạo đó là biết nhìn xa trông rộng, vĩ mô, bao quát, tư duy chiến lược, nhưng phải có tính thực tế.

Để đạt được những yêu cầu trên thì đòi hỏi bản thân người cán bộ lãnh đạo phải luôn rèn luyện, hoạt động thực tiễn và không ngừng học hỏi, cầu tiến bộ, nhất là biết tự đấu tranh chống suy thoái nhân cách. Cùng với việc luôn phải thể hiện mình là một tấm gương mẫu mực, nhất quán giữa lời nói và việc làm, người cán bộ lãnh đạo còn phải có kế hoạch bồi dưỡng, rèn luyện, xác định hướng phát triển cho mỗi người theo những nhu cầu đặt ra.

Một vấn đề cần phải nói đến nữa đó là nhân cách người cán bộ lãnh đạo được hình thành và phát triển trong quá trình sống, hoạt động. Mỗi cán bộ lãnh đạo có coi trọng việc tự học, tự bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng thì mới có thể nắm vững và thực hành nghiêm chỉnh đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đức và tài là hai mặt cơ bản nhất của nhân cách, nhưng nó không phải từ “trên trời rơi xuống” mà phần lớn là do bản thân mỗi người đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà hình thành, phát triển...

Trong bối cảnh toàn tỉnh đang cùng với cả nước tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay chính là những môi trường hoạt động thực tiễn quan trọng để mỗi người, mỗi cán bộ lãnh đạo rèn luyện, nâng cao kiến thức, năng lực, phẩm chất đạo đức, phát triển và hoàn thiện nhân cách. Đặc biệt, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các ảnh hưởng, tác động tiêu cực luôn có chiều hướng gia tăng nên vai trò tự giáo dục, tự rèn luyện để chống suy thoái nhân cách có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách của mỗi con người, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo.

Một điều phải khẳng định, “cái tâm, cái tầm”, nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp luôn là những biểu hiện thực tế, sinh động nhất, thuyết phục nhất để xây dựng niềm tin trong nhân dân về sự chân chính và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự điều hành của chính quyền các cấp.

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.