Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan nội chính có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

14:07, 31/03/2022

Sáng ngày 31/3, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng TAND tối cao và Ban cán sự đảng Viện KSND tối cao (gọi chung là các cơ quan phối hợp) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 7 năm thực hiện quy chế phối hợp.

Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện KSND tối cao, ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk, đồng chí H’Lim Niê, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh chụp từ tivi)

Theo Báo cáo tại hội nghị, nhìn chung, từ khi có Quy chế phối hợp, công tác phối hợp giữa 4 cơ quan đã được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện ngày càng chặt chẽ, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao, thượng tôn pháp luật và đúng quy định của Đảng. Các cơ quan phối hợp đã tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cơ quan có thẩm quyền nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) và cải cách tư pháp (CCTP). Tham mưu cơ chế, tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính, góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, PCTN,TC và CCTP; góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác nội chính, PCTN,TC và CCTP. Chủ động phối hợp theo dõi, nắm tình hình, tổ chức giao ban định kỳ về công tác nội chính, tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…

Các đồng chí chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. (Ảnh chụp màn hình tivi)
Các đồng chí chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. (Ảnh chụp màn hình tivi)

Quán triệt theo đúng quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan phối hợp đã tham mưu có hiệu quả với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo xử lý nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; xử lý nghiêm các vi phạm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Theo đó, các cơ quan đã phối hợp tham mưu đưa 965 vụ án, vụ việc vào theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ, trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 171 vụ án, 130 vụ việc. Đến nay, đã tham mưu Ban Chỉ đạo kết thúc theo dõi, chỉ đạo 119 vụ án và 86 vụ việc; xử lý 31 cán bộ, nguyên cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Các được tặng thưởng
Đại diện các tập thể có thành tích xuất sắc được tặng thưởng. (Ảnh chụp màn hình tivi)

Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan cần có biện pháp tháo gỡ, giải quyết. Công tác phối hợp trao đổi thông tin, cung cấp tài liệu có việc còn chậm; chất lượng báo cáo và thông tin trao đổi trong một số trường hợp còn chung chung, chưa kịp thời. Việc phối hợp tham mưu chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án còn chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phối hợp đôn đốc xử lý khó khăn, vướng mắc trong giám định, định giá tài sản ở một số vụ án, vụ việc còn kéo dài…

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhấn mạnh, thời gian tới 4 cơ quan khối nội chính cần tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong công tác nghiên cứu, tham mưu các chủ trương, quan điểm, định hướng lớn của Đảng trong lĩnh vực nội chính, PCTN,TC và CCTP; tiếp tục tăng cường phối hợp, tham mưu chỉ đạo, đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử dứt điểm, thi hành án các vụ việc tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các cơ quan nội chính. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan nội chính có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước. Phối hợp tham mưu cơ chế sạng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghệ nghiệp…

Nhân dịp này, Ban Nội chính Trung ương đã trao Quyết định tặng thưởng cho 15 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC theo dõi, chỉ đạo; tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Nội chính Đảng cho 2 cá nhân; tặng Bằng khen cho 6 tập thể và 12 cá nhân có thành tích trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác nội chính, PCTN,TC giữa các cơ quan với Ban Nội chính Trung ương.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.