Multimedia Đọc Báo in

Chiến thắng Buôn Ma Thuột - khúc ca hùng tráng

08:25, 10/03/2023

Cuối tháng 12/1974, đầu tháng 1/1975, trước tình hình phát triển cách mạng trong cả nước, Bộ Chính trị triệu tập hội nghị lịch sử, quyết định: “Tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ Trung ương đến địa phương giành chính quyền về tay nhân dân, tiến tới thống nhất nước nhà”.

Theo đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên (mật danh A275) nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng các tỉnh Nam Tây Nguyên, thực hiện chia cắt chiến lược và tạo thế chiến lược mới trên chiến trường toàn miền nam, trong đó lấy Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch Tây Nguyên.

Việc chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu quyết chiến trong Xuân 1975 có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi Buôn Ma Thuột là thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk và cũng là thị xã lớn nhất ở Tây Nguyên, là trung tâm chính trị ở vùng dân tộc. Bên cạnh đó, thị xã Buôn Ma Thuột nằm trên trục đường 14, 21, tạo thuận lợi cho việc phát triển chiến đấu ra các tỉnh Tây Nguyên, xuống duyên hải miền Trung và vào Nam Bộ.

Xe tăng quân giải phóng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, ngày 10/3/1975 trong chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu TTXVN

Nhằm tạo bất ngờ cho trận quyết chiến chiến lược ở Buôn Ma Thuột, từ đầu năm 1975, lực lượng chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên đã tiến hành một kế hoạch nghi binh rất tài tình thu hút được sự chú ý đối phó của địch ở Bắc Tây Nguyên. Cuối tháng 2/1975, Sư đoàn 968 đánh tiêu diệt chốt Mỹ và một số cứ điểm ở tây Pleiku, Sư đoàn 3 (Quân khu V) cắt đường 19 và đánh diệt một số vị trí của địch từ An Khê đến Bình Khê.

Theo kế hoạch, ngày 4/3/1975, bộ đội ta chính thức nổ súng mở chiến dịch Tây Nguyên. Theo đó, bắt đầu từ ngày 4 đến 9/3/1975, quân ta đánh cắt giao thông trên các đường số 19, 21, cô lập Tây Nguyên với vùng duyên hải miền Trung, chia cắt đường số 14 để cô lập hai khu vực Bắc Tây Nguyên với Nam Tây Nguyên; tiến công lần lượt đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn (8/3/1975), Đức Lập (9/3/1975), cô lập triệt để Buôn Ma Thuột.

Đúng 1 giờ 55 sáng 10/3/1975, cuộc tấn công như bão lửa vào các mục tiêu then chốt Buôn Ma Thuột bắt đầu. Đặc công đánh sân bay thị xã, đánh khu kho Mai Hắc Đế, lực lượng bộ binh đánh sân bay Hòa Bình; 11 giờ 30 ta đánh chiếm tiểu khu 23 quân y và sư bộ 23 ngụy làm chủ khu truyền tin, các mũi thọc sâu vào trong căn cứ đầu não của địch ở trong thị xã Buôn Ma Thuột. Tiêu diệt sở chỉ huy kho Mai Hắc Đế, đánh chiếm các đồn Cư Êbur, Cư Dluê, ở hướng nam quân ta đánh vào khu hành chính, khu tiếp vận, khu ngân khố, sở thú y, khu cư xá sĩ quan, quận lỵ Hòa Bình. Cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng kéo lên cột cờ của sư bộ. Tàn binh địch ở sư bộ trốn chạy nhưng bị quân ta truy bắt gọn.

Ngày 11/3/1975, ta tiến công nhiều mục tiêu quan trọng, toàn bộ quân địch ở trong thị xã bị tiêu diệt, ta làm chủ các mục tiêu, bắt sống tên tỉnh trưởng Đắk Lắk và đại tá sư đoàn phó 23 ngụy, lực lượng ta đã làm chủ hoàn toàn thị xã. Có thể thấy, sau khi mất Buôn Ma Thuột và sư đoàn 23 phản kích bị đánh bại, tất cả các thủ đoạn tác chiến các hình thức chiến thuật của địch bị đánh bại ở nam Tây Nguyên, gây ra một sự đột biến về chiến dịch, tác động lớn đến chiến lược của địch, buộc địch phải rút lui để co cụm phòng ngự.

Tối 11/3/1975, đoàn cán bộ chính trị do đồng chí Tô Tấn Tài (Ama H’Oanh), Bí thư Thị ủy Buôn Ma Thuột dẫn đầu tiến vào thị xã. Các lực lượng đoàn thể của thanh niên, học sinh, phụ nữ, công nhân với những nhiệm vụ khác nhau, tích cực, hăng hái tham gia vào các đội công tác để ổn định tình hình sau chiến dịch.

Ngày 18/3/1975 Ủy ban quân quản thị xã Buôn Ma Thuột được thành lập, ra mắt tại đình Lạc Giao do Đại tá Y Blốk Êban làm Chủ tịch; toàn tỉnh Đắk Lắk đã hoàn toàn giải phóng, chính quyền thuộc về tay nhân dân.

Đồng bào Tây Nguyên múa hát mừng chiến thắng. Ảnh: Thanh Tụng/TTXVN

Như vậy, trải qua chưa đầy một tháng, bộ đội chủ lực của ta ở Mặt trận Tây Nguyên đã tiêu diệt, làm tan rã toàn bộ sinh lực và phương tiện chiến tranh trên một chiến trường rộng lớn, mở đầu cho sự sụp đổ dây chuyền và thất bại thảm hại của toàn bộ hệ thống chính quyền tay sai toàn miền Nam và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một khúc ca hùng tráng, một chiến công oanh liệt tô thắm truyền thống vẻ vang, một niềm vinh dự và tự hào to lớn của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột trước hết là nhờ sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã có quyết tâm cao, chọn đúng thời cơ lịch sử, chọn đúng điểm quyết chiến chiến lược để giành thắng lợi; là chiến thắng của đỉnh cao nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch, trước hết là nghệ thuật sử dụng không gian và thời gian mở chiến dịch; nghệ thuật xác định hướng, chọn mục tiêu tiến công; nghệ thuật sử dụng lực lượng, bố trí đội hình tiến công. Là chiến thắng của tinh thần dũng cảm, kiên cường, mưu trí, linh hoạt của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương trên khắp chiến trường, đồng thời là chiến công chung của quân và dân trong cả nước mà trực tiếp là lực lượng chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên. Thắng lợi ấy còn là kết quả của sự đoàn kết, đùm bọc, gắn bó keo sơn giữa lực lượng quân đội chủ lực và đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.