Multimedia Đọc Báo in

Phát triển đô thị: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (Kỳ 1)

06:46, 11/11/2021

Trong quá trình phát triển, đô thị hóa là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để các cấp, các ngành tập trung thực hiện. Hơn thế nữa, phát triển đô thị còn là hạt nhân thu hút nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của mỗi vùng, mỗi địa phương.

Kỳ 1: Đô thị tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội

Đô thị hóa đúng hướng luôn là quá trình tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế ở bất kỳ địa phương nào. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực thực hiện các chính sách nhằm phát triển đô thị phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn.

“Đòn bẩy” để tăng trưởng

Quá trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa luôn gắn liền với quá trình đô thị hóa. Vì vậy, phát triển đô thị có vị trí động lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Với vai trò quan trọng đó, ngày 26-10-2012, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển hệ thống đô thị đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Ông Phạm Văn Lập, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, để cụ thể hóa nghị quyết nêu trên, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11 để làm căn cứ trong việc lập quy hoạch, xây dựng các tiêu chí đánh giá, phân loại đô thị, xây dựng các chương trình phát triển đô thị trong từng giai đoạn sao cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, góp phần từng bước nâng cao điều kiện sống của người dân đô thị thông qua việc đầu tư cải thiện các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và môi trường đô thị.

Ngoài ra, thực hiện Thông tư số 12/2014/TT-BXD, ngày 25-8-2014 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề cương Chương trình phát triển từng đô thị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, các địa phương tiến hành lập chương trình phát triển đô thị như: Chương trình phát triển đô thị TP. Buôn Ma Thuột (giai đoạn 2016 - 2025), Chương trình phát triển đô thị thị xã Buôn Hồ (giai đoạn 2017 - 2025)…

Một góc TP. Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Gia

Nhờ nỗ lực triển khai các chương trình phát triển đô thị, hiện nay, toàn tỉnh đã có 16 đô thị; trong đó có 1 đô thị loại I (TP. Buôn Ma Thuột), 6 đô thị loại IV (thị xã Buôn Hồ, các thị trấn Ea Kar, Phước An, Buôn Trấp, Ea Drăng, Quảng Phú) và 9 đô thị loại V (các thị trấn Ea Pốk, Ea Súp, M’Drắk, Krông Năng, Krông Kmar, Liên Sơn, Ea Knốp và các đô thị Buôn Đôn, Pơng Drang).

Hiện nay, diện tích đất thuộc nội thành, nội thị chiếm 3,1% diện tích tự nhiên của tỉnh; tỷ lệ đô thị hóa trên 24,7%. Đặc biệt là cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khu vực đô thị chiếm gần 50% cơ cấu GDP của toàn tỉnh. Qua đó, có thể thấy rằng, phát triển đô thị có đóng góp đáng kể trong GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất, nhập khẩu và tiến bộ khoa học – công nghệ, có tác động lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Thay đổi diện mạo

Hệ thống đô thị toàn tỉnh đang có chuyển biến tích cực về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, những năm gần đây, bộ mặt kiến trúc, cảnh quan tại một số đô thị trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi thay theo hướng hiện đại hơn. Thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, đến nay hệ thống đô thị trong tỉnh không ngừng hoàn chỉnh, phù hợp với các giai đoạn phát triển. Tỉnh đã có nhiều cố gắng huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương trong bố trí kế hoạch các nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiếp tục các mục tiêu phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh theo chương trình đã được phê duyệt. Việc định hướng không gian đô thị được quan tâm thực hiện.

Một tuyến đường trung tâm thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M'gar).

Trong những năm qua, TP. Buôn Ma Thuột đổi thay mạnh mẽ, với sự bứt tốc trong phát triển đô thị. Xác định đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị là một khâu đột phá chiến lược cần tập trung thực hiện, giai đoạn 2015 – 2020, TP. Buôn Ma Thuột đã huy động nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là hệ thống giao thông, các khu đô thị, khu nhà ở dân cư tập trung và các khu vực công cộng, vui chơi, giải trí. Nhiều công trình đường giao thông, các trung tâm thương mại, dịch vụ được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng làm thay đổi diện mạo đô thị theo hướng khang trang, hiện đại; các khu đô thị, dân cư mới, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được mở rộng… đã nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện dân sinh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Hay như thị xã Buôn Hồ - đô thị loại IV, cũng luôn chủ động nắm bắt cơ hội, tranh thủ huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng; quyết liệt thực hiện các giải pháp xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị; trong đó ưu tiên thu hút đầu tư hạ tầng đô thị. Địa phương đã thực hiện kêu gọi xã hội hóa trong xây dựng hạ tầng và phát triển các hệ thống thương mại dịch vụ để tăng cường nguồn thu và thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng thị xã Buôn Hồ đến năm 2035; xây dựng chương trình phát triển đô thị thị xã đến năm 2025 và hoàn thành quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các đồ án…

Những chương trình, quy hoạch, đồ án này là tiền đề để địa phương tập trung cho công tác đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị và kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, thị xã Buôn Hồ cũng tạo điều kiện, giới thiệu và kêu gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án, trong đó có các dự án khu đô thị trên địa bàn. Đến nay, diện mạo thị xã Buôn Hồ đang ngày càng khởi sắc, hiện đại, văn minh hơn, từng bước trở thành vùng động lực trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Hiện nay, thị xã Buôn Hồ đang tiếp tục đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, phấn đấu hướng đến đạt tiêu chí đô thị loại III trong thời gian tới.

Thời gian qua, tỉnh cũng đã tập trung rà soát, nghiên cứu để bổ sung các quy hoạch xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn, các công trình xây dựng khác, trên cơ sở phát triển đô thị hóa gắn với tăng trưởng kinh tế bền vững. Đồng thời, tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các đô thị hạt nhân như: TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, các thị trấn: Ea Kar, Phước An...

    (Còn nữa)

Kỳ 2: “Vật cản” của quá trình đô thị hóa

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.