Multimedia Đọc Báo in

“Khoảng trống” xuất khẩu lao động (Kỳ cuối)

08:22, 10/11/2021

Kỳ cuối: Để người dân đi đúng hướng trên con đường thoát nghèo

Trước những hệ lụy từ xuất khẩu lao động trái phép, để giúp người dân đi trên con đường thoát nghèo đúng hướng, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn nữa từ các ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp.

Tăng cường quản lý hoạt động xuất khẩu lao động

Tháng 3-2021, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Đắk Lắk nhận được phản ánh của nhiều người dân về việc họ đã đăng ký tham gia chương trình đi lao động thời vụ tại Hàn Quốc thông qua văn phòng đại diện tại Tây Nguyên của Công ty cổ phần Việt TN (địa chỉ số 217/19, đường Ngô Quyền, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), nhưng không được đi.

Qua xác minh, Phòng An ninh Chính trị nội bộ đã làm rõ, Công ty cổ phần Việt TN có trụ sở ở Hà Nội, văn phòng đại diện tại Tây Nguyên chưa có giấy phép hoạt động, không có chức năng tư vấn, tuyển chọn người lao động Việt Nam đi du học và làm việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, văn phòng này vẫn quảng cáo với dòng chữ “Tư vấn xuất khẩu lao động và du học”. Cho đến khi bị phát hiện, văn phòng này đã tổ chức tư vấn, tuyển chọn trái phép 47 người ở hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông để làm hồ sơ đi Hàn Quốc làm việc với chi phí mỗi người phải đóng là khoảng 30 triệu đồng…

Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Quốc tế Việt Phát trao đổi về nhu cầu học tập và tuyển dụng đối với người lao động tại Đắk Lắk.

Sự việc này cho thấy, người lao động vì có tâm lý e ngại tìm đến các cơ quan chức năng nên thường chỉ tìm hiểu thông tin thông qua những người quen biết, nhờ “cò mồi” với nhiều thông tin không chính xác. Cùng với đó là sự thiếu thông tin khiến những người lao động dễ bị lừa đảo và không cân nhắc được hết các lợi ích và rủi ro cho mình.

Ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, người lao động càng khó tiếp cận và kiểm chứng thông tin về các kênh xuất khẩu lao động chính thống, ít kiến thức pháp luật cùng các kỹ năng mềm liên quan nên dễ trở thành “miếng mồi” cho các đối tượng “cò”, nghe theo những thông tin không xác thực. Trong khi đó, người lao động tại các vùng khó khăn thường thiếu việc làm do canh tác nông nghiệp ngày càng nhiều bấp bênh, rủi ro.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch UBND xã Cư KLông, huyện Krông Năng chia sẻ, dân số toàn xã có hơn 5.600 người thì có đến 42% là người dân tộc thiểu số, trình độ của người trong độ tuổi lao động chưa cao, các chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở địa phương còn rất hạn chế. Những năm gần đây, do nông sản liên tục rớt giá, nên nhiều người đã phải tìm đến các tỉnh thành phía Nam làm công nhân.

Bên cạnh, một số gia đình có điều kiện khá giả đã cho con em mình đi xuất khẩu lao động theo diện vừa học vừa làm để nâng cao tay nghề, trình độ và mở mang kiến thức cho bản thân, cũng có trường hợp đi “chui” và bị nước sở tại phát hiện, bắt giữ. Phần lớn các trường hợp này, địa phương không nắm được thông tin ngay từ đầu để có thể nhắc nhở, tuyên truyền họ tuân thủ các quy định pháp luật.

"Chọn mặt gửi vàng"

Bà Trần Thị Minh Lý, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động –Thương binh và Xã hội) cho biết, lao động nước ngoài là một trong những thị trường khá hấp dẫn, mang đến nhiều lợi ích, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vì vậy cũng thu hút khá nhiều đối tượng tham gia.

Tuy nhiên, thị trường lao động nước ngoài có rất nhiều vấn đề pháp lý liên quan. Nếu không nắm bắt rõ các quy định của cả trong nước và nước ngoài thì quyền lợi của người lao động sẽ rất khó được bảo đảm. Chưa kể là có những đối tượng lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để trục lợi.

Chính vì vậy, ngoài việc chú trọng công tác phối hợp liên ngành để tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia tư vấn, tuyển chọn lao động tại địa phương, Sở cũng đã phối hợp với chính quyền cơ sở trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.

Cán bộ cơ quan công an làm việc với người đại diện Văn phòng đại diện tại Tây Nguyên của Công ty cổ phần Việt TN vào tháng 3-2021. Ảnh: Trọng Tính

Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 1 đơn vị được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động là Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk.

Tuy nhiên, hằng năm còn có các doanh nghiệp từ các tỉnh thành trong cả nước đến phối hợp tổ chức, tư vấn tuyển chọn lao động đi xuất khẩu. Đối với những doanh nghiệp không thuộc địa bàn tỉnh quản lý, trước khi giới thiệu về các địa phương để phối hợp tổ chức tư vấn, tuyển chọn lao động, Sở Lao động –Thương binh và Xã hội đều kiểm tra kỹ hồ sơ năng lực của doanh nghiệp.

Cho nên, để hạn chế những rủi ro gặp phải, bà Nguyễn Thị Minh Lý cũng đưa ra khuyến cáo đó là người dân nếu có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng thì chỉ nên đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk, các doanh nghiệp có uy tín đã được các cơ quan chức năng thẩm định kỹ càng về năng lực để được tư vấn, tránh bị các đối tượng môi giới dụ dỗ biến mình thành nạn nhân từ hoạt động xuất khẩu lao động trái pháp luật.

Ngày 13-3-2020, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 46-CT/TU về tăng cường quản lý công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp tư vấn, tuyển dụng tại địa phương trong tỉnh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, lừa đảo; xử lý những đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và doanh nghiệp.

Lê Hương - Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.