Multimedia Đọc Báo in

Thanh long Cư Êbur mất mùa, mất giá: Nông dân lo mất Tết

21:02, 26/01/2022

Không những giá thanh long xuống thấp hơn một nửa mà năng suất vườn cây cũng giảm 2/3 so với năm ngoái. Nông dân trồng thanh long của xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) đang “đứng ngồi không yên” vì lo mất Tết.

Nếu như mọi năm, ở thời điểm này, vùng trồng thanh long của xã Cư Êbur đang tất bật chăm sóc vườn cây để kịp cho trái chín đúng vào dịp Tết Nguyên đán thì năm nay, không khí chùng hẳn xuống, vườn cây vắng bóng nông dân và thương lái.

ảnh
Vườn thanh long của ông Mai Sỹ Ánh (thôn 2, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột)

Ông Mai Sỹ Ánh (thôn 2, xã Cư Êbur) buồn bã cho hay, gia đình có 1.000 trụ thanh long, bình quân mỗi năm cho thu hoạch khoảng 12 tấn quả. Và tùy vào tình hình thực tế, gia đình áp dụng kỹ thuật (chiếu bóng đèn) để rải vụ, tránh bị dồn ứ trong những thời điểm cao điểm. Như năm nay, trước tình hình thanh long của các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Bình Thuận… không xuất khẩu được sang Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nội địa nên gia đình chỉ đầu tư 140 trụ chuẩn bị cho dịp Tết. Tuy nhiên, vào thời điểm cây ra nụ thì gặp mưa liên tục nên bị thối gần hết, mỗi cây hiện chỉ có trên dưới chục quả. Mọi năm, 140 cây gia đình sẽ thu hoạch được 3 tấn nhưng nay chỉ còn khoảng 7 – 8 tạ.

“Mất mùa đã đành, thanh long đến thời điểm này lại mất giá thê thảm. Năm trước thương lái vào vườn mua từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, thì giờ chỉ còn 4.000 – 5.000 đồng/kg, trong khi giá vật tư đầu vào cái gì cũng tăng cao. Hiện gia đình và nông dân trồng thanh long trong vùng đang rất lo lắng, với tình hình này thì các nhà vườn sẽ lỗ nặng, nhà nào may mắn thì chỉ đủ trả tiền điện chiếu vườn thanh long”, ông Ánh chia sẻ thêm.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, hiện thanh long là một trong chín sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Do đó, các địa phương cần tận dụng lợi thế này để tuyên truyền, thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ của bà con nông dân, tiến tới xây dựng các vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp vào liên kết chuỗi và nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định đầu ra.

Còn ông Trần Trọng Khánh (thôn 2) cho hay, hiện bà con nông dân đang rất buồn, vì thanh long mất mùa, giá lại thấp. Gần tết rồi mà hàng thì không bán được. Mọi năm, mùa tết bà con phấn khởi lắm vì giá bán cao gấp đôi bình thường, nhưng năm nay, bà con đều buồn và đang lo mất Tết. Vườn của gia đình đã phá bỏ 2 sào, còn lại 3 sào, mọi năm đạt 2,5 tấn/sào, hiện chỉ còn chưa được 1 tấn/sào. Mấy bữa nay giá xuống thấp, có vườn thương lái mua còn 2.000 – 3.000 đồng/kg, nhiều vườn trái đã chín, bán không được nên trái bị nứt hết!

Theo nhiều nông dân chia sẻ, để trồng thanh long đạt hiệu quả, người dân phải đầu tư rất nhiều trong khâu chăm sóc vườn cây và chờ đến mùa thu hoạch để bù lại chi phí nhưng đến nay thì nguy cơ lỗ nặng do giá thấp và mất mùa là có thật.

Hội Nông dân xã Cư Êbur cho biết, vùng trồng chuyên canh thanh long xã Cư Êbur hiện có khoảng 210 ha, tập trung chủ yếu ở thôn 2 và 3, mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 5.000 tấn sản phẩm tươi. Các nhà vườn đã áp dụng khoa học kỹ thuật bằng phương pháp chiếu đèn để tạo ra những sản phẩm thanh long thu hoạch trái vụ trong mùa khô để tiêu thụ sản phẩm với giá tốt hơn. Thế nhưng năm nay do thời tiết không thuận lợi nên nhiều diện tích thanh long bà con đầu tư cho dịp tết bị ảnh hưởng nghiêm trọng về năng suất.

ảnh
Vườn thanh long của người dân xã Cư Êbur chuẩn bị cung ứng cho thị trường dịp Tết.

Được biết, tính đến nay cây thanh long đã phát triển tại xã Cư Êbur khoảng 15 năm, với hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số loại cây trồng khác tại địa phương. Cây thanh long đã mở ra cho người dân Cư Êbur một hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất. Hiện TP. Buôn Ma Thuột đã hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP cho sản phẩm thanh long tại Cư Êbur (với 13 ha, sản lượng 325 tấn) để liên kết đầu ra nhằm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, việc liên kết theo chuỗi với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định vẫn chưa thực hiện được.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cả tỉnh có trên 340 ha thanh long, tập trung ở huyện Ea H’leo, Buôn Ma Thuột…, sản lượng không nhiều nên chủ yếu tiêu thụ thị trường nội địa. Năm nay do ảnh hưởng của tình trạng các cửa khẩu Trung Quốc đóng cửa, thanh long ở các tỉnh trọng điểm không xuất khẩu được, đầu ra bị ách tắc khiến giá thanh long trên địa bàn tỉnh bị giảm theo. Mặt khác, các diện tích thanh long trên địa bàn Đắk Lắk đều không có liên kết với doanh nghiệp, đầu ra sản phẩm phụ thuộc vào thương lái nên rất bấp bênh. Để tránh tình trạng như hiện nay, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh liên kết chuỗi trong sản xuất, tiến hành xây dựng mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.