Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ Buôn Hồ liên kết phát triển kinh tế

08:09, 05/04/2022

Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Buôn Hồ đã chú trọng vận động hội viên liên kết phát triển kinh tế tập thể nhằm góp phần giải quyết khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Bà H’Moan Mlô, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị xã cho biết: Toàn thị xã hiện có 4 hợp tác xã (HTX), 10 tổ hợp tác do hội viên phụ nữ làm chủ. Hội luôn chú trọng phát triển mô hình HTX kiểu mới, HTX nông nghiệp, HTX trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với duy trì và phát triển làng nghề truyền thống.

Để các mô hình kinh tế hoạt động hiệu quả, Hội thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; kết nối với các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ vốn, dạy nghề, tạo việc làm; thành lập trang Zalo để giới thiệu sản phẩm của HTX và phụ nữ khởi nghiệp đến người tiêu dùng; chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, chăn nuôi, trồng trọt theo tiêu chí VietGAP...

Cùng với đó, Hội cũng tổ chức các hội nghị kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và tiêu thụ sản phẩm, tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm của HTX, tổ hợp tác nhằm quảng bá, giới thiệu, tạo đầu ra ổn định.

Các thành viên Hợp tác xã Dệt thổ cẩm - dịch vụ xã Ea Blang chăm chút từng sản phẩm.

Với nhiều giải pháp tích cực trong phát triển kinh tế tập thể, hội viên phụ nữ đã từng bước thay đổi nhận thức trong sản xuất, chăn nuôi, khắc phục được hình thức nhỏ lẻ, manh mún. Ngoài ra còn phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau trong cuộc sống của hội viên phụ nữ trên toàn địa bàn.

Gia đình chị H’Mút Êban ở buôn Klat C (xã Ea Đrông) trước đây gắn bó với ruộng vườn, thu nhập chỉ đủ sống qua ngày. Sau khi tham gia vào HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp xã Ea Đrông, vợ chồng chị được bố trí công việc thu gom rác thải. Cùng với 10 thành viên của HTX, chị còn được tham gia các lớp tập huấn, trang bị kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ cần cù, siêng năng, thu nhập từ việc thu gom rác thải, chăn nuôi heo, gà, vịt mang lại cho gia đình chị H’Mút thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.

Tổ hợp tác bánh ít lá gai phường Bình Tân.

Những năm trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Nga ở tổ dân phố 5, phường Bình Tân làm bánh ít lá gai theo phương pháp thủ công, tiêu thụ chủ yếu tại các hàng quán ở địa phương nên mỗi ngày bán chỉ khoảng 200 - 400 bánh. Năm 2016, được sự vận động của Hội LHPN phường Bình Tân, chị cùng với 2 hội viên tham gia vào Tổ hợp tác bánh ít lá gai. Tổ được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn ưu đãi 40 triệu đồng để đầu tư máy móc, dụng cụ làm bánh, giảm bớt các công đoạn làm thủ công. Nhờ kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh mạng xã hội như Zalo, Facebook, hiện nay bình quân mỗi ngày tổ hợp tác bán ra thị trường khoảng 2.000 bánh ít lá gai; riêng các ngày lễ, Tết thì số lượng nhiều hơn với 4.000 - 5.000 bánh. Đến nay, tổ hợp tác có thị trường tiêu thụ ổn định ở các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh..., nhờ đó tạo thu nhập ổn định cho các thành viên từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.

HTX Dệt thổ cẩm – Dịch vụ xã Ea Blang được thành lập từ tháng 5/2019 với 14 thành viên, là những học viên tham gia lớp dệt thổ cẩm do Hội Nông dân thị xã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Qua một thời gian đi vào hoạt động, mặc dù thu nhập từ công việc dệt thổ cẩm chưa đáng kể nhưng đây là cơ hội tốt để chị em có điều kiện trau dồi tay nghề, nuôi dưỡng tình yêu và ý thức gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Ninh Trang


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.