Multimedia Đọc Báo in

Nghĩ về doanh nhân Việt Nam

08:50, 13/10/2022

Đã 18 năm kể từ khi ra đời ngày tôn vinh các doanh nhân (13/10), đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã phát triển bùng nổ, rất đáng tự hào, trở thành rường cột của nền kinh tế đất nước. Tinh thần khởi nghiệp của dân tộc được khơi dậy. Hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng đổi mới, sáng tạo.

Ngay từ thế kỷ 18, dù là đất nước nặng nề tập quán “trọng nông” nhưng nhà bác học Lê Quý Đôn (1724 - 1784) đã khẳng định: "Phi công bất phú - phi thương bất hoạt - phi nông bất ổn - phi trí bất hưng". Dân gian thì diễn đạt cụ thể hơn: "Phi thương bất phú". Thương ở đây không chỉ là buôn bán mà còn là sản xuất và dịch vụ.

Thời gian trôi qua, tư duy, tầm vóc của doanh nhân Việt ngày càng vượt ra khỏi khuôn khổ gò bó, nói hóm hỉnh là ra khỏi “lũy tre làng”. Định kiến về nghề kinh doanh cũng không còn hằn sâu trong tâm thức nhiều người.

Nhớ lại tầm 40 năm trước, ước mơ của những ông bố bà mẹ là có con làm bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo hoặc cán bộ. Cũng rất ít học sinh mơ làm doanh nhân. Một thời chưa xa, doanh nhân được gọi với đủ cái tên miệt thị.

Anh Phạm Hoài Nguyên Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV ANH Coffee (đứng giữa, hàng trên cùng) tại Lễ vinh danh.
Vinh danh doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2021. Trong ảnh: Anh Phạm Hoài Nguyên Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV ANH Coffee (đứng giữa, hàng trên cùng) tại Lễ vinh danh. (Ảnh minh họa: Đỗ Lan)

“Con buôn” được xem là nguồn cơn gây rối loạn xã hội. Toàn bộ việc kinh doanh, buôn bán là độc quyền của Nhà nước, được tổ chức thành hệ thống thương nghiệp và hợp tác xã. Người dân chỉ "xé rào" buôn bán nhỏ và hình thành thị trường "chợ đen", không được thừa nhận.

Đất nước mở cửa, công cuộc đổi mới hòa nhập với thế giới đã từng bước “cởi trói” cho doanh nghiệp. Đội ngũ doanh nhân ngày càng đông đảo, đủ mọi lứa tuổi và thành phần. Họ là lực lượng chủ công, xung kích, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, bị tàn phá bởi chiến tranh, trở thành một nước có thu nhập trung bình và đang vững vàng hội nhập.

Chúng ta vui mừng vì đã có một cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp phát triển nhanh, nhưng cũng chưa thể hài lòng vì cộng đồng doanh nghiệp chưa đủ mạnh. Việt Nam đã có những tỷ phú đầu tiên và không ít thương hiệu Việt được thế giới biết đến, nhưng vẫn chưa có được một thế hệ các nhà doanh nghiệp và thương hiệu sánh vai với các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Cũng phải thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn đó không ít doanh nghiệp, thậm chí tầm cỡ tập đoàn kinh tế đã làm giàu nhanh chóng nhờ luồn lách pháp luật và thông qua các mối quan hệ mờ ám. Liên tiếp những “thanh củi bự” bị đưa vào “lò” khiến dư luận ngỡ ngàng, thất vọng, bởi trước đó họ là CEO vô cùng nổi tiếng. Tất nhiên, những “con sâu” đó chỉ là thiểu số.

Cũng phải nói rằng, các doanh nghiệp, doanh nhân không ngại khó khăn, mà chỉ sợ không công bằng. Minh bạch là mong muốn hàng đầu với họ, từ các chính sách cho đến từng công việc cụ thể. Minh bạch phải đến từ hai phía. Nhà nước minh bạch với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng phải minh bạch với Nhà nước.

Mong ước tiếp theo là các chính sách, chí ít phải mang tính nhất quán, không thay đổi bất thường. Doanh nghiệp mong sao không bị đủ thứ thủ tục "trói tay", "buộc chân"; không còn mất ăn mất ngủ vì những trò cạnh tranh "bẩn", được chống lưng và bảo kê, triệt hạ các doanh nghiệp chân chính…

Bản thân các doanh nhân Việt cũng cần phải chung tay xây dựng nét văn hóa kinh doanh mang tính đặc sắc của dân tộc; không ngừng hòa nhập, ứng xử một cách văn minh theo nền kinh tế toàn cầu. Chỉ như thế thì tầm vóc, văn hóa các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam mới vượt được giới hạn.

Hữu Quý


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.