Multimedia Đọc Báo in

Tập trung kiểm soát chặt bệnh dịch tả heo châu Phi

08:07, 13/08/2021

Mặc dù bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn Đắk Lắk đã cơ bản được khống chế, nhưng thời gian gần đây lại có dấu hiệu bùng phát mạnh ở một số địa phương. Điều này đang gây nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi vẫn còn xảy ra rải rác ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh.

Hiện dịch bệnh đã xảy ra tại 40 hộ, 33 thôn, buôn, 20 xã, phường, thị trấn và 10/15 huyện, thị, thành phố (Buôn Đôn, Cư Kuin, Krông Pắc, Krông Ana, Ea Súp, Krông Bông, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột, huyện Krông Búk). Tổng số heo mắc bệnh là 636 con, số heo chết buộc tiêu hủy là 629 con, với khối lượng tiêu hủy là 24.741 kg.

Hiện còn 8 địa phương có dịch bệnh chưa qua 21 ngày là xã Cư Kbang (huyện Ea Súp); xã Ea Kao, phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột); xã Buôn Tría, xã Đắk Liêng (huyện Lắk); xã Ea Tam, xã Ea Hồ (huyện Krông Năng), xã Tân Lập (huyện Krông Búk).

Vận chuyển heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi đi tiêu hủy trên địa bàn huyện Lắk. Ảnh: Minh Thuận

Đáng chú ý là trong tháng 7-2021, dịch bệnh có chiều hướng tăng so với các tháng trước. Cụ thể: dịch bệnh đã phát sinh tại 9 hộ ở 4 xã thuộc 2 huyện (Krông Ana, Lắk) và TP. Buôn Ma Thuột; số heo mắc bệnh là 133 con, số tiêu hủy là 125 con, với khối lượng 6.274 kg. Trong khi tháng 6-2021 chỉ phát sinh 1 hộ, buộc tiêu hủy 7 con heo.

Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Tây Nguyên đang trong mùa mưa, nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi tái phát, lây lan diện rộng là rất cao, cần chủ động có biện pháp phòng, chống.

 

Đặc biệt, tại huyện Lắk, bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát mạnh vào khoảng trung tuần tháng 7-2021. Cụ thể, ổ bệnh đầu tiên xuất hiện tại một hộ dân ở thôn Đông Giang 1 (xã Buôn Tría), với 9 con heo thịt bị mắc bệnh, đã chết và tiêu hủy toàn bộ (khối lượng là 482 kg). Sau gần 20 ngày từ khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên, đến đầu tháng 8-2021, dịch tả heo châu Phi đã phát sinh tại 5 hộ thuộc 4 thôn của hai xã Buôn Tría (thôn Đông Giang 1, Hưng Giang, Liên Kết 2) và Đắk Liêng (thôn Yuk Lah 3). Tổng số heo mắc bệnh là 34 con, trong đó có 17 con heo thịt, 7 heo nái và 10 heo con. Tất cả đều bị chết và đã được tiêu hủy, tổng khối lượng là 1.878 kg.

Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Lắk, đến thời điểm hiện tại, bệnh chủ yếu xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi. Tuy nhiên, do số lượng đàn heo lớn, với 22.000 con (chiếm gần ½ tổng đàn gia súc của huyện), cùng với mật độ nuôi dày nên nguy cơ bệnh phát sinh và lây lan rộng trên địa bàn huyện là rất lớn.

Để tránh tình trạng bùng phát bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn, Trạm Chăn nuôi và Thú y đã tích cực phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện, cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn heo của gia đình. Khi phát hiện heo có biểu hiện bệnh dịch tả thì báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý kịp thời, không giết mổ, bán thịt heo bị bệnh, không tự ý chôn lấp và tuyệt đối không vứt xác heo ra môi trường. Đồng thời, tiến hành tiêu độc, khử trùng bằng hóa chất, vôi tại khu vực chuồng nuôi, hố chôn khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả heo châu Phi.

Phun khử khuẩn chuồng trại chăn nuôi để phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Để khẩn trương kiểm soát tốt ổ dịch đang xảy ra, chủ động phòng bệnh kịp thời và có hiệu quả, Chi cục đã yêu cầu trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh để tiêu hủy kịp thời và triệt để. Nếu nghi ngờ có heo mắc bệnh, cần chủ động lấy mẫu gửi về Chi cục để xét nghiệm, xác định chính xác bệnh. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo, nhất là heo để tái đàn, nuôi thương phẩm và heo đến cơ sở giết mổ để ngăn chặn kịp thời nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan. Đặc biệt đối với các địa phương có biên giới giáp Campuchia (huyện Buôn Đôn, Ea Súp) cần chú ý vấn đề này.

Ngoài ra, Chi cục yêu cầu các trạm phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch bệnh; tiêm đầy đủ các loại vắc xin bắt buộc cho vật nuôi; tiêu độc sát trùng chuồng trại thường xuyên bằng vôi bột, hóa chất; tiêu diệt các động vật trung gian truyền bệnh cho vật nuôi như: ruồi, muỗi, ve, mòng…; giám sát chặt chẽ việc tái đàn tại các cơ sở chăn nuôi heo tại địa phương. Đối với các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ, chuồng trại không bảo đảm, tạm bợ, không có khả năng thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh hoặc chăn nuôi an toàn sinh học thì khuyến cáo không nên tái đàn. Các trường hợp không khai báo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác heo bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường; không khai báo việc tái đàn, làm phát sinh và lây lan dịch bệnh ra diện rộng phải xử lý nghiêm khắc.

Chi cục cũng đề nghị các trạm, chốt kiểm dịch động vật đầu mối giao thông tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật (nhất là đối với heo và sản phẩm từ heo) và kiên quyết xử lý các trường hợp vận chuyển động vật và sản phẩm động vật không có giấy tờ kiểm dịch, giấy chứng nhận kiểm dịch không hợp lệ, không đúng mục đích sử dụng, không rõ nguồn gốc….

Minh Thuận - Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.