Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn: Dịch tả heo châu Phi bùng phát mạnh

09:19, 08/11/2019

Sau gần 4 tháng xuất hiện dịch tả heo châu Phi, trên địa bàn huyện Buôn Đôn đã phát hiện 24 hộ có heo bị bệnh thuộc 21 thôn, buôn, buộc phải tiêu hủy 507 con với tổng trọng lượng 24.466 kg. Chỉ tính riêng hai tháng 9 và 10-2019, toàn huyện phát hiện và xử lý dịch tả heo tại 22 hộ. Hiện dịch bệnh đang ngày càng diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan trên diện rộng.

Trong hai ngày 27 và 28-10, tại xã Krông Na đã xuất hiện 3 ổ dịch thuộc gia đình bà Tạ Thị Hương Bưởi, ông Y Mai Bkrông (ở buôn Ea Rông B) và Đồn Biên phòng 749 (buôn Đrang Phốk) với tổng cộng 14 con heo. Những ổ dịch này, khi heo phát bệnh đều có các biểu hiện như: sốt cao, xì máu mũi, máu mồm, nôn, chết... Tương tự, trong ngày 27-10, dịch tả heo châu Phi cũng đã được phát hiện tại hộ gia đình ông Long Văn Dũng ở thôn Ea Kning, xã Cuôr Knia. Lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy 19 con heo bị bệnh với tổng trọng lượng 616 kg.

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy heo nhiễm bệnh ở xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn).
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy heo nhiễm bệnh ở xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn).
 
“Dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp, giá thịt heo trên địa bàn lại tăng mạnh với mức dao động 90.000 - 110.000 đồng/kg nên các địa phương cần tăng cường kiểm tra tại các chợ để ngăn chặn việc tiểu thương nhập heo thịt từ nơi khác về”.
 
Bà Trần Thị Thủy, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn

Theo bà Trần Thị Thủy, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Buôn Đôn, nguyên nhân dẫn đến việc dịch lây đàn nhanh chóng có thể xuất phát từ nguồn thức ăn cho đàn heo; công tác vệ sinh và tiêu độc khử trùng ở các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ kém hiệu quả; khu chăn nuôi gần chợ, điểm chợ buôn bán thịt sống, đường giao thông, bãi rác tập trung...

Trước tình hình đó, Phòng NN-PTNT huyện đã triển khai quyết liệt công tác xử lý ổ dịch và khống chế dịch bệnh. Tất cả heo nhiễm bệnh đều được tiến hành tiêu hủy theo đúng quy định; công tác tiêu độc khử trùng ổ dịch được thực hiện liên tục trong 7 ngày. Đến nay, huyện Buôn Đôn đã thực hiện phun 168 lít hóa chất và rải 9.000 kg vôi bột để tiêu độc, khử trùng vùng có dịch. Ngoài ra, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện còn tập trung công tác thông tin tuyên truyền cho người dân các biện pháp an toàn sinh học để phòng bệnh cho heo; vận động các hộ chăn nuôi tiêm phòng vắc xin phòng các loại bệnh truyền nhiễm; không tái đàn trong vùng dịch.

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy lợn nhiễm bệnh ở xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn).
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy lợn nhiễm bệnh ở xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn).

Để kìm hãm dịch lây lan trên diện rộng, UBND huyện cũng đã chỉ đạo tiếp tục duy trì Đội ứng phó nhanh của huyện và Ban phòng, chống dịch tả heo châu Phi tại các xã nhằm thường xuyên kiểm tra trên các tuyến đường, các đơn vị thu mua; kiểm dịch các lò giết mổ... Phòng NN-PTNT đã tạm ứng kinh phí để hỗ trợ các xã rắc vôi trên các trục đường giao thương giữa huyện Buôn Đôn với các huyện Ea Súp, Cư M’gar, TP. Buôn Ma Thuột và những điểm “nóng” bị dịch uy hiếp; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi tập trung đầu tư kinh phí mua thuốc hóa chất tiêu độc khử trùng, vệ sinh dụng cụ, phun khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.