Multimedia Đọc Báo in

Vươn lên nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

06:54, 12/04/2022

Tân Hòa (huyện Buôn Đôn) là xã thuần nông, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm 60 - 70% tổng số 5.858 ha đất tự nhiên toàn xã. Người dân chủ yếu trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, nhưng hiện nay phần lớn đã già cỗi, năng suất thấp.

Thêm nữa, giá cả nông sản không ổn định, đầu ra bấp bênh nên hiệu quả, nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp của nông dân không cao. Trước tình hình đó, người dân tại địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm vực dậy kinh tế.

Trước đây, cũng như nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn xã Tân Hòa, anh Trương Văn Thế (thôn 5) chỉ tập trung vào phát triển cà phê, hồ tiêu và các loại cây trồng ngắn ngày như ngô, đậu... Gần 1 ha hồ tiêu cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, những năm gần đây, hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh chết chậm, năng suất kém, giá cả bấp bênh khiến kinh tế của gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, năm 2018 anh đến huyện Krông Pắc học hỏi cách trồng và chăm sóc cây nhãn hương chi để về trồng tại vườn của gia đình.

Mô hình trồng nhãn hương chi của gia đình anh Trương Văn Thế (Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng nhãn hương chi).

Anh Thế mạnh dạn phá bỏ 1 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh, già cỗi thay thế bằng 300 cây nhãn hương chi. Anh cho biết, chăm sóc cây nhãn khá đơn giản, quan trọng phải đủ nước, biết cách phòng trừ sâu rầy. Cây nhãn không kén đất, đất ở xã Tân Hòa khá cằn, nhiều sỏi đá nhưng cây nhãn phát triển tốt. Ngoài ra, để nhãn bán được giá, anh học cách cho nhãn ra quả trái mùa, để tháng nào cũng có thu nhập. Hiện nay, trung bình 100 cây nhãn cho sản lượng 2 tấn quả, được thương lái tìm đến tận nơi thu mua với giá từ 18.000 - 25.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, anh Thế còn được người dân tin tưởng đặt nhân giống nhãn, học hỏi kinh nghiệm để phát triển mô hình trồng nhãn hương chi.

 

“Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà hiện nay xã Tân Hòa đã có nhiều mô hình kinh tế đa dạng, mang lại hiệu quả cao như mô hình nuôi heo rừng lai, ong mật, thỏ, dê; trồng cây ăn quả như nhãn, mít Thái…”.

ông Lương Thanh Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hòa

Hiện nay, nhiều gia đình trồng hồ tiêu không đem lại hiệu quả tại các thôn 4, 5 và thôn 12 đã tự chuyển đổi sang trồng nhãn hương chi. Với tham vọng đưa nhãn hương chi của xã Tân Hòa tiếp cận được thị trường lớn, hướng người dân trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, tháng 10/2021 anh Thế cùng 11 hộ dân khác thành lập Tổ hợp tác trồng nhãn hương chi. Tổ hợp tác có tổng diện tích hơn 11 ha nhãn, phần lớn mới cho thu hoạch nên sản lượng năm 2021 chỉ đạt 10 tấn. Để phát triển lâu dài, tổ hợp tác được UBND xã Tân Hòa đăng ký bán sản phẩm nhãn hương chi trên sàn thương mại điện tử, tập huấn cho tổ viên các chương trình phát triển lên hợp tác xã…

Ngoài chuyển đổi sang trồng nhãn hương chi, một số hộ dân tại thôn 9 còn chuyển đổi sang trồng nhãn thanh kiệt, với tổng diện tích hơn 10 ha và bước đầu mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, xã Tân Hòa đã chuẩn bị thành lập Tổ hợp tác trồng nhãn thanh kiệt nhằm hướng người dân phát triển kinh tế tập thể.

Từ chăn nuôi heo, gà ông Hoàng Việt Hưng (thôn 8) đã chuyển sang nuôi dê.

Những năm gần đây, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến giá thức ăn chăn nuôi, phân bón tăng chóng mặt, trong khi đó giá heo thịt, gà lại cầm chừng khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là người chăn nuôi nhỏ lẻ.

Đơn cử như trường hợp của gia đình ông Hoàng Việt Hưng (thôn 8), nhiều năm trước là hộ nghèo của xã. Với hơn 2 ha diện tích đất, ông Hưng đầu tư trồng hồ tiêu nhưng hiệu quả thấp. Để có thêm thu nhập, ông đầu tư thêm chuồng trại chăn nuôi heo, gà…

Thấy một số gia đình tại địa phương phát triển chăn nuôi dê cho hiệu quả cao, cuối năm 2020 ông mua 7 con dê cái sinh sản về nuôi. Ông tận dụng các trụ sống của hồ tiêu đã chết làm chuồng cho dê và bắt đầu chăn nuôi. Qua hai năm, ông đã sở hữu đàn dê hơn 40 con.

Ông Hưng cho biết, từ ngày phát triển chăn nuôi dê ông tiết kiệm được rất nhiều chi phí, do dê chỉ ăn lá cây, bắp, cỏ voi nên không tốn tiền mua thức ăn chăn nuôi. Hơn nữa, ông tận dụng được phân dê để bón cho hồ tiêu và bán cho một số người chơi cây cảnh, hoa lan (200.000 đồng/bao phân) Từ mô hình chăn nuôi dê, mỗi năm gia đình ông có thêm thu nhập 60 - 100 triệu đồng. Từ hộ nghèo nhiều năm liền của xã, hiện nay gia đình ông Hưng đã trở thành hộ cận nghèo, chuẩn bị thoát nghèo trong năm tới.

Với những mô hình mang lại hiệu quả, xã Tân Hòa đã có những bước tiến quan trọng trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay còn 18,6% (giảm 4,3% so với năm trước).

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.