Multimedia Đọc Báo in

Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa: Cần sớm chi trả bồi thường cho người dân

19:37, 15/03/2022

Sau hơn 1 năm khởi công xây dựng, Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) đang gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Hàng chục hộ dân vùng dự án mòn mỏi chờ tiền bồi thường, hỗ trợ, cuộc sống của họ bị đảo lộn và ảnh hưởng nghiêm trọng… 

Người dân “ôm” nợ vì chờ đền bù

Sau khi bàn giao 1,1 ha đất chờ nhận 2,07 tỷ đồng tiền đền bù để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa, chị Vũ Thị Công (43 tuổi, thôn 1B) như ngồi trên đống lửa vì bất đắc dĩ trở thành “con nợ”. Chị Công cho hay, tưởng rằng tự nguyện bàn giao mặt bằng thì sẽ sớm nhận được bồi thường nên chị đã vay 550 triệu đồng để đặt cọc mua 8 sào đất ở nơi khác. Tới hạn thanh toán đất nhưng tiền đền bù chẳng thấy đâu, chị đành phải vay 1 tỷ đồng với lãi suất cao để trả cho chủ đất. Đến nay tổng số lãi phải trả đã lên đến 200 triệu đồng, trong khi đất đã bàn giao không thể canh tác nên chị Công rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”.

th
Chờ đền bù, người dân thôn 1B, xã Cư Êwi xót xa nhìn đất đai bị bỏ hoang hóa.

Tương tự, gia đình anh Vũ Thanh Đông (34 tuổi, thôn 1B) có 1,5 ha đất thu hồi thi công dự án với tổng mức bồi thường 2,5 tỷ đồng. Trên diện tích này, hằng năm anh thu hoạch khoảng 1 tấn tiêu, 4 - 5 tấn cà, và 2 - 3 tấn điều, trừ hết chi phí chăm sóc lãi hơn 300 triệu đồng. Thế nhưng gần 2 năm nay đất bị bỏ hoang, thu nhập không có mà tiền bồi thường cũng chưa thấy đâu. “Từ khi bàn giao đất để thi công dự án, gia đình tôi chẳng dám đầu tư canh tác như trước vì sợ bị nhắc nhở lấn chiếm đất. Ở thời điểm thu hồi giá đất tầm 50 - 70 triệu đồng /sào, còn hiện tại đã lên tới 190 triệu đồng/sào. Vì chậm nhận được tiền bồi thường nên giờ số tiền đó cũng không thể mua lại diện tích đất đã thu hồi của tôi”, anh Đông than thở.

Không riêng chị Công, anh Đông rất nhiều người dân khấp khởi vui mừng khi nhận được khoản bồi thường lớn để tính kế sinh nhai, nhưng đến nay chỉ biết trông chờ vô vọng. Đơn cử như trường hợp ông Đinh Chí Xuân (63 tuổi, thôn 1B) đã tự nguyện bàn giao 1,8 ha đất để triển khai thi công Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa, với mức bồi thường 3,08 tỷ đồng...

Dự án... chờ điều chỉnh vốn

Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2888/QĐ-UBND, ngày 30/10/2018, do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Ban tỉnh) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư là 305,5 tỷ đồng. Dự án có 2 công trình hồ chứa, với dung tích hơn 3,1 triệu m3, gồm hồ Yên Ngựa (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) và hồ Buôn Biếp (xã Yang Tao và Bông Krang, huyện Lắk). Tổng diện tích thu hồi toàn dự án khoảng 121 ha (trong đó hồ Yên Ngựa, xã Cư Êwi 67,2 ha). Được khởi công xây dựng từ tháng 10/2020, đến thời điểm hiện tại, công tác thống kê, kiểm đếm tại hồ Yên Ngựa (xã Cư Êwi) đã thực hiện được 61,9 ha đạt 92,1%; đã có quyết định thu hồi khoảng 38 ha đất, tổng số tiền đã chi trả cho người dân là khoảng 35 tỷ đồng.

Lý giải về nguyên nhân chậm chi trả tiền bồi thường GPMB cho người dân, ông Nguyễn Đình Thìn, Phó Giám đốc Ban tỉnh cho biết, chi phí GPMB Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa hiện nay đã hết. Cụ thể, theo phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1434/QĐ-UBND, ngày 29/6/2020 của UBND tỉnh, chi phí đền bù GPMB của toàn dự án là 47,8 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số tiền phải chi trả theo quyết định thu hồi đất đã phê duyệt cho người dân tại xã Cư Êwi là trên 70 tỷ đồng, nhưng vốn bố trí thực hiện chi trả hiện chỉ khoảng trên 43 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện và rà soát của bộ phận chuyên môn thuộc Ban tỉnh thì chi phí đền bù GPMB cho toàn dự án lên đến hơn 168 tỷ đồng. Phần chi phí này chưa bao gồm phần diện tích bãi vật liệu bổ sung 13 ha khoảng 13 tỷ. Do trong quá trình lập hồ sơ thiết kế, dự kiến lấy vật liệu trong lòng hồ, nhưng khi tiến hành điều tra hiện trạng rừng thì diện tích phần bãi vật liệu trong lòng hồ thuộc đất rừng và lớn hơn 20 ha. Nhằm giảm diện tích đất rừng bị ảnh hưởng, rút ngắn thời gian về thủ tục pháp lý liên quan, nên cần phải khảo sát bổ sung bãi vật liệu khác ngoài phạm vi lòng hồ. Chính các nguyên nhân trên đã dẫn đến tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án trên cơ sở tổng hợp các quyết định phê duyệt về chi phí và khái toán chi phí đền bù GPMB là 449 tỷ đồng, tăng 143,5 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu (thống kê và báo cáo tại thời điểm 30/11/2021).

th
Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) đang gặp khó khăn do thiếu vốn bồi thường GPMB.

Trước đó, nhận thấy sự cần thiết phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư để đảm bảo thực hiện dự án, ngày 20/7/2021, Ban tỉnh đã lập hồ sơ, trình báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, tuy nhiên nội dung này không kịp để được đưa vào Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa X. 

Ngày 7/3/2022, Ban tỉnh tiếp tục có tờ trình thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư điều chỉnh Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức điều chỉnh 468 tỷ đồng, tăng 162,5 tỷ so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt ban đầu. Hiện nay, Ban tỉnh đang phối hợp với trung tâm phát triển quỹ đất các huyện tiến hành lập các phương án bồi thường, tuy nhiên vì vốn bố trí cho GPMB không đủ, dẫn đến không trình thẩm định phê duyệt các dự án được, ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải phóng mặt bằng cũng như tiến độ thi công của dự án. 

Về phía UBND huyện Cư Kuin, ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Ban tỉnh đã chuyển kinh phí đợt 1, đợt 2 cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất. Riêng đợt 3, đơn vị chủ đầu tư mới chuyển một phần (12,4 tỷ đồng) và đợt 4 chưa thực hiện việc chuyển tiền để chi trả cho các hộ bị ảnh hưởng. Số tiền Ban tỉnh chuyển cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã được Trung tâm thực hiện chi trả theo đúng quy định.

Trước những phát sinh trong chi trả GPMB, để đảm bảo quyền lợi của người dân, ngày 22/2/2022, UBND huyện Cư Kuin đã có báo cáo đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, giao Ban tỉnh cân đối, bố trí kinh phí để chi trả sớm cho các hộ dân bị thu hồi đất đã được UBND huyện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. 

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đình Thìn, mới đây, Hội đồng thẩm định của UBND tỉnh đã tổ chức thẩm định lại các dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư trong đó có dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa. Tại cuộc họp, Ban tỉnh đã báo cáo đầy đủ những khó khăn, vướng mắc trong đó có nội dung do thiếu vốn GPMB dẫn đến chậm chi trả bồi thường khiến người dân không hài lòng. Ban tỉnh cũng đã đề nghị UBND tỉnh xem xét đưa nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này vào trong nội dung trình Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa X tới đây.

Có thể thấy rằng, quá trình triển khai thực hiện dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa, chính quyền địa phương và chủ đầu tư đã phối hợp chặt chẽ thực hiện bảo đảm các nội dung, kế hoạch đề ra, tuy nhiên trước những khó khăn phát sinh về vốn đền bù GPMB rất cần sự chia sẻ từ phía người dân. Để kịp thời chi trả đền bù cho người dân tại xã Cư Êwi, đề nghị các cấp, ngành có thẩm quyền liên quan quan tâm bố trí kinh phí, sớm đưa ra giải pháp cụ thể để người dân yên tâm ổn định cuộc sống.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.