Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất lúa gạo ở Đắk Lắk: Nhiều triển vọng để ra "biển lớn" (kỳ 1)

08:12, 05/04/2022

Lúa gạo tuy không phải là nông sản chủ lực của Đắk Lắk, nhưng cũng không thể phủ nhận tiềm năng lúa gạo của tỉnh khi xuất hiện ngày càng nhiều những thương hiệu gạo với sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Kỳ 1: Biến tiềm năng thành lợi thế cạnh tranh

Với đặc thù khí hậu và thổ nhưỡng vùng Tây Nguyên, các loại lúa trồng ở Đắk Lắk luôn mang lại năng suất cao và chất lượng tốt hơn so với những vùng trồng ở đồng bằng. Điều này đã tạo cho sản phẩm lúa gạo ở Đắk Lắk lợi thế cạnh tranh mà ít vùng nào có được.

Nông dân huyện Ea Kar thu hoạch lúa.

Chất lượng khác biệt

Đắk Lắk có diện tích gieo trồng lúa ổn định với khoảng hơn 100.000 ha, chiếm gần 35% diện tích gieo trồng cây hằng năm của tỉnh. Sản xuất lúa của Đắk Lắk đứng đầu khu vực Tây Nguyên, đặc biệt năng suất bình quân của tỉnh đạt 67,1 tạ/ha, đứng đầu khu vực và đứng thứ hai so với cả nước (sau Phú Yên 71,1 tạ/ha); cao hơn 8,4 tạ/ha so với năng suất bình quân cả nước (năng suất lúa bình quân cả nước là 58,7 tạ/ha). Ở vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ cà phê” nhưng không thiếu những cánh đồng lúa hàng trăm héc ta, đạt năng suất cao từ 8 - 12 tấn/ha như huyện Ea Kar, các bãi bồi phù sa ở các xã Buôn Triết, Buôn Tría (huyện Lắk)…

Nhiều chuyên gia và thương nhân kinh doanh lúa gạo đã công nhận lúa trồng tại Đắk Lắk đạt chất lượng rất tốt, cho gạo rất ngon. Theo đó, giá lúa thơm mà các nhà buôn các tỉnh phía Nam đặt mua từ Đắk Lắk chở xuống các nhà máy xay xát dưới đồng bằng thường cao hơn giá lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các doanh nghiệp thu mua cho biết, có sự chênh lệch này là vì chất lượng lúa ở Đắk Lắk tốt hơn, tỷ lệ thu hồi gạo cao hơn.  

Thương hiệu "Gạo sạch Thăng Bình HTB" của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông).

Kỹ sư Hồ Quang Cua, "cha đẻ" của giống lúa và gạo ST24, ST25 - thương hiệu đã đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2019 đánh giá, Đắk Lắk gần như đã hình thành được chỉ dẫn địa lý cho cây lúa, bởi không có nơi nào hạt lúa giữ được mùi thơm lâu như ở Đắk Lắk; chưa có nơi nào thu nhập từ cây lúa đạt trên 100 triệu đồng/ha bởi năng suất và chất lượng lúa rất tốt. Đặc biệt, giống lúa ST24, ST25 trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt giải Gạo ngon nhất thế giới nhưng khi đem lên trồng ở Đắk Lắk thì chất lượng gạo lại ngon hơn cả trồng ở vùng đất đồng bằng. Không chỉ vậy, Đắk Lắk cũng rất phù hợp với sản xuất lúa giống, nhất là các vùng lúa của Công ty TNHH MTV Cà phê 721, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp 714 (huyện Ea Kar). "Các giống lúa thơm thuần chủng được chúng tôi ký hợp đồng cung ứng lúa giống trồng tại đây, so với trồng dưới đồng bằng thì kết quả vượt trội cả về chất lượng lẫn năng suất", kỹ sư Hồ Quang Cua cho hay.

Tận dụng được những lợi thế này, các địa phương trồng lúa của tỉnh đều sử dụng giống lúa chất lượng cao, thích hợp để xuất khẩu như: Đài thơm 8, RVT, ST24, ST25, OM4900, HT1, OM5451… Đơn cử như huyện Ea Kar là một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa nước đứng đầu của Đắk Lắk. Năm 2021, diện tích lúa nước toàn huyện đạt 13.390 ha; năng suất bình quân cả năm đạt 7,1 tấn/ha; sản lượng lúa đạt 95.069 tấn. Chất lượng sản phẩm lúa, gạo của huyện ngày càng được nâng lên, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu thông qua việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là đưa vào sản xuất những giống lúa có chất lượng gạo ngon như ST24, ST25.

 

Trong khuôn khổ Hội thảo giải pháp nâng cao lúa gạo Đắk Lắk (diễn ra vào ngày 26/3), Sở NN-PTNT, UBND huyện Ea Kar, Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, Công ty Cổ phần XNK nông sản Thiên Anh đã ký hợp tác bốn bên về “Chuỗi liên kết lúa gạo” nhằm hỗ trợ thiết lập vùng trồng lúa chất lượng cao, xây dựng thương hiệu gạo đặc sản, kết nối tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn huyện Ea Kar.

Năm 2021, toàn huyện Ea Kar đã có trên 4.000 ha gieo trồng các giống lúa ST24 và ST25 và có thị trường tiêu thụ rất lớn, giá bán sản phẩm cao hơn từ 2.000 – 2.500 đồng/kg so với các giống lúa khác tại địa phương. Đặc biệt, một số đơn vị sản xuất như: HTX Nông nghiệp 714, Công ty TNHH MTV Cà phê 720, Công ty TNHH MTV Cà phê 721, Công ty TNHH MTV Cà phê 716 đã liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất các loại giống lúa lai F1 và giống xác nhận. Việc hình thành các vùng chuyên sản xuất giống lúa đã giúp nâng cao thu nhập cho người sản xuất từ 1,5 - 2 lần/đơn vị diện tích.

Hình thành các thương hiệu gạo

Mặc dù chỉ mới phát triển mạnh trong vài năm gần đây, nhưng ở Đắk Lắk đã lần lượt xuất hiện một số thương hiệu gạo do chính quyền địa phương, hoặc các HTX năng động xây dựng ngay tại vùng trồng. Điển hình như “Gạo sạch Mười Đào”, “Gạo sạch Đồng Nhất” của huyện Lắk; thương hiệu “Gạo Krông Ana” của huyện Krông Ana; thương hiệu “Gạo 721” của Công ty TNHH MTV Cà phê 721 (huyện Ea Kar); thương hiệu “Gạo sạch Thăng Bình HTB” của HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông)…

Tiêu biểu như HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình đã chủ động xây dựng vùng sản xuất lúa nguyên liệu chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ số vào việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, lập kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo. Đặt biệt, HTX liên kết sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao với giống ST24, ST25. Theo đó, thương hiệu "Gạo sạch Thăng Bình HTB" được sản xuất từ giống lúa ST24, ST25 đã ra mắt thị trường vào giữa năm 2020, đạt chứng nhận 4 sao OCOP cấp tỉnh vào cuối năm 2020.

Qua hơn một năm tích cực tiếp thị, thương hiệu "Gạo sạch Thăng Bình HTB" đã chào bán được trên 300 tấn, doanh thu hơn 4 tỷ đồng. Đặc biệt, đầu năm 2022, một doanh nghiệp nước ngoài đến HTX tìm hiểu và thấy chất lượng gạo ở đây tốt hơn nhiều nơi khác nên đã trực tiếp ký đơn hàng gạo sạch xuất khẩu sang New Zealand, với sản lượng bước đầu là 6 tấn. Hiện nay, thương hiệu "Gạo sạch Thăng Bình HTB" cũng đã xây dựng được 26 đại lý tại 12 tỉnh thành trong cả nước.

Nông dân huyện Lắk phơi sấy lúa sau thu hoạch.

Tương tự, thương hiệu “Gạo 721, tốt cho mọi nhà” của Công ty TNHH MTV Cà phê 721 (huyện Ea Kar) cũng đang khẳng định được vị thế của mình trên thị trường lúa gạo. Ông Trịnh Xuân Tài, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 721 cho biết, xác định hướng đi chủ lực là cây lúa, công ty đã sản xuất gạo theo tiêu chuẩn VietGAP, chế biến theo tiêu chuẩn HACCP, vận hành chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ theo tiêu chuẩn hệ thống chất lượng ISO 9001:2015 nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hướng đến mục tiêu góp phần nâng cao vị thế thương hiệu gạo Việt, bên cạnh việc giữ vững ổn định diện tích lúa hiện có, công ty mở rộng vùng nguyên liệu ở cánh đồng 132 xã Cư Elang, đồng thời đầu tư xây dựng thêm 2 lò sấy, nâng công suất lên 120 tấn/ngày; hướng tới trở thành cơ sở sản xuất chính giống lúa ST24, ST25 của Trại giống Hồ Quang tại Tây Nguyên và miền Trung.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, mặc dù các địa phương, doanh nghiệp cũng đã chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu gạo nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nhưng sản lượng gạo có thương hiệu bán ra thị trường vẫn rất ít so với con số 750.000 tấn lúa mà Đắk Lắk sản xuất mỗi năm. Do đó, doanh nghiệp, HTX cần có những giải pháp đồng bộ về sản xuất và thương mại sản phẩm để tìm kiếm những thị trường tốt nhất cho thương hiệu đã xây dựng.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Tháo gỡ nút thắt để nâng tầm sản phẩm lúa gạo

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.