Multimedia Đọc Báo in

V-League vẫn còn “ngủ đông”?

17:26, 06/03/2022

Những tưởng khí thế từ thành tích các đội tuyển nam, nữ, U23 quốc gia ngay những ngày đầu năm sẽ phả luồng gió hứng khởi hơn vào giải chuyên nghiệp, nhưng xem ra mọi thứ chưa như mong muốn, nếu không nói tình hình các sân cỏ cả nước đang rất ảm đạm.

V-League và hạng Nhất vốn là chân đế, bệ phóng cho các đội tuyển quốc gia. Nói cách khác, tương lai của một nền bóng đá phải dựa vào hệ thống giải chuyên nghiệp đủ mạnh về chất và lượng. Vậy mà, qua hai vòng đấu, số khán giả đến sân vẫn èo uột, chất lượng chuyên môn thấp, các đội chưa cho thấy bầu máu nóng dù đã gần 2 năm “ngấm đòn” COVID-19.

Dịch bệnh vẫn còn phức tạp song khi vắc xin đã phủ rộng, VPF và các câu lạc bộ nên có nhiều phương án thu hút “thượng đế” đến sân. Hai năm qua, cũng như cầu thủ, khán giả đang “tụt” năng lượng với giải quốc nội. Dịch COVID-19, cơm áo gạo tiền, cộng thêm giải liên tục hoãn rồi giải tán dường như đã đánh mất quán tính xem V-League của khán giả. Không biết các câu lạc bộ đã tiến hành họp bàn với hội cổ động viên lên phương án cổ vũ đội nhà ra sao?

Phương án kinh doanh, bán vé, đồ lưu niệm trong tình hình mới thế nào? Đấy là điều phải tính đến, bởi ngay cả các địa phương cũng đang sử dụng nhiều chiêu thức để kích cầu du lịch. Đa số các công ty cổ phần bóng đá (và thể thao) chuyên nghiệp hiện nay đều chỉ tồn tại về danh, còn thực là hoạt động theo mô hình cũ. Họ bị động,  phụ thuộc tất cả vào ngân sách nhà tài trợ rót xuống, cùng một ít từ ngân sách địa phương. Nhiều câu lạc bộ (và công ty) chưa đủ tiêu chuẩn AFC nhưng đành phải cho hoạt động.

Bóng đá là chuyên nghiệp không thể lỗ mãi. Các câu lạc bộ cũng cần phải chú trọng khâu truyền thông và lôi kéo khán giả “ruột”, đây là hai “tiền đạo” trong sơ đồ phát triển của một câu lạc bộ cũng như nền bóng đá.

Thanh Hoá (đỏ) thua Hà Nội 2-3 tại Hàng Đẫy hôm 18/3/2021. Ảnh: Lâm Thỏa
Trận Thanh Hoá (áo đỏ) gặp Hà Nội tại Hàng Đẫy. (Ảnh minh họa: Internet)

Dễ thấy bóng đá mà vắng khán giả thì chán đến mức nào. Vòng 2 trên sân Pleiku không có khán giả. Dưới sân, cầu thủ hai bên đá như buồn ngủ, trong khi trên khu VIP hình ảnh bầu Đức thi thoảng ngáp vặt càng khiến cho bốn khán đài phố núi như thênh thang thêm.

Khán giả vắng có thể là tác nhân khiến hai vòng đấu vừa qua của V-League 2022 thiếu “lửa”, “lửa” tinh thần và “lửa” chuyên môn. Đã vậy, mỗi vòng đều hoãn một trận đấu, rơi vào các đội được ví là “thỏi nam châm” của V-League: Thanh Hóa - Hà Nội (vòng 1), Hà Nội - Viettel (vòng 2). Lượt đấu vừa qua, lẽ ra giải chuyên nghiệp đã xôm tụ nếu như trận derby thủ đô, ứng cử viên vô địch Hà Nội - Viettel không bị hoãn. Khán giả đành tiếc nuối khi cuộc chạm trán tóe lửa giữa đội hình 120 tỷ đồng đấu đội hình 95 tỷ đồng, 11 tuyển thủ quốc gia, 5 quả bóng vàng gác lại.

Về chuyên môn, sẽ lý giải như thế nào khi nhìn vòng 2 V-League chỉ có 5 bàn thắng được ghi, trung bình mỗi trận một bàn? Chắc chắn phong độ các cầu thủ có vấn đề, sau quá trình “ngủ đông” quá dài mà thiếu tích lũy, cọ xát đỉnh cao.

Bình thường chưa xảy ra dịch bệnh, việc kéo khán giả đến sân đã nan giải, nay khó khăn lại nhân lên với các câu lạc bộ lẫn VPF. Không còn cách nào khác, những người đang tham gia sân chơi bóng đá chuyên nghiệp cần phải thể hiện được trước khán giả tinh thần vượt khó, thái độ thi đấu chuyên nghiệp, cống hiến, trung thực. Phải chứng minh rằng họ sẽ quyết tâm nâng tầm V-League cùng hạng Nhất. Chỉ như thế khán giả mới chia sẻ, thấu hiểu rồi đến sân ủng hộ. Đương nhiên nhà tài trợ cũng sẽ tin tưởng đồng hành.

Có nghĩa, muốn V-League được “tiếp lửa” thì chính chủ thể cuộc chơi phải là người “thắp” lên “những ngọn lửa” trên các mặt sân.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.