Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa

06:18, 04/12/2022

Là nơi hội tụ của 49 dân tộc cùng chung sống, Đắk Lắk có sự đa dạng, phong phú về văn hóa các vùng miền, văn hóa truyền thống của các dân tộc, với ba hệ thống văn hóa chính thống: văn hóa của các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên, văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc và văn hóa của người Việt mang đậm sắc thái ba miền Bắc, Trung, Nam.

Trong đó nổi bật là Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; hệ thống nghi lễ - lễ hội của các dân tộc; kho tàng sử thi đồ sộ…

Thời gian qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT&DL) tỉnh đã nỗ lực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa: nhiều nghi lễ, lễ hội được phục dựng; triển khai Nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng theo từng giai đoạn; tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc, các cuộc liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc định kỳ… Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng; các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng…

Tuy nhiên, trên thực tế lại có một nghịch lý, đó là mặc dù có sự đa dạng, phong phú về văn hóa như vậy, nhưng sự hưởng thụ văn hóa của người dân về mặt bằng chung còn chưa cao; có sự cách biệt về mức hưởng thụ văn hóa giữa đô thị - nông thôn và giữa các thành phần dân cư. Nguyên nhân của vấn đề này, theo lý giải của các nhà nghiên cứu, quản lý nhà nước về văn hóa, là do điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn; hệ thống thiết chế văn hóa còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ; khoảng cách về không gian, vùng miền của một tỉnh Tây Nguyên đặc thù…

Một tiết mục biểu diễn tại Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc đợt 2 do Đắk Lắk đăng cai tổ chức.

Xin đưa ra một minh chứng cho sự “khát” hưởng thụ văn hóa trong một số sự kiện lớn diễn ra gần đây. Tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1 và Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc đợt 2 do Đắk Lắk đăng cai tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột đều có rất đông khán giả. Không ít người dân ở những huyện lân cận cũng tranh thủ đến thưởng thức các đoàn biểu diễn.

Anh Phạm Ngọc Thân, ở huyện Buôn Đôn đã lặn lội đến TP. Buôn Ma Thuột để xem mấy đêm liền các chương trình của Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc đợt 2 chia sẻ: “Chẳng mấy khi có những sự kiện lớn như thế này được tổ chức tại Đắk Lắk nên tôi tranh thủ đi. Mặc dù không thể theo hết từ đầu đến cuối các đêm diễn trong chương trình của các đoàn, nhưng được thưởng thức sự trình diễn chuyên nghiệp, chất lượng nghệ thuật cao cùng sự dàn dựng công phu, từ nghệ thuật biểu diễn đến âm thanh, ánh sáng... cũng là những trải nghiệm đáng quý. Và tôi nghĩ rằng, tỉnh Đắk Lắk nên đăng cai tổ chức thêm nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ lớn như thế này để người dân có nhiều cơ hội được thưởng thức…”.

 

“Với tầm vóc, vai trò, vị trí của mình, trong tương lai gần tỉnh Đắk Lắk cần có ít nhất một nhà hát chuyên nghiệp để người dân có cơ hội thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao…” - PGS.TS. Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Thực tế cho thấy tại Đắk Lắk, thậm chí ngay cả tại khu vực trung tâm là TP. Buôn Ma Thuột cũng còn thiếu nhiều thiết chế văn hóa thiết yếu. So với các tỉnh thành trong cả nước, Đắk Lắk chưa có nhà hát; một số rạp chiếu phim hiện đã xuống cấp; các nhà văn hóa tại cơ sở hoạt động chưa phát huy hết hiệu quả… Tất cả những điều ấy cho thấy khả năng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật còn ở mức độ thấp.

Để nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân và đạt mục tiêu xây dựng tỉnh Đắk Lắk từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên thì không thể thiếu những thiết chế văn hóa lớn, thật sự chất lượng để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Theo đó, Trung tâm Văn hóa tỉnh cần được thiết kế và xây dựng lại với kiến trúc đặc trưng riêng, trở thành một công trình điểm nhấn văn hóa của tỉnh ngay trung tâm Ngã Sáu Buôn Ma Thuột. Có thể nâng cấp Đoàn Ca múa dân tộc của tỉnh hiện nay thành Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc hoặc Nhà hát Đam San; thị xã Buôn Hồ và các trung tâm lớn khác như Phước An, Ea Kar... cần có ít nhất một rạp chiếu phim và đến năm 2030 thì tất cả các huyện còn lại cần có thiết chế văn hóa này. Mỗi xã, phường, thị trấn cần có một nhà văn hóa cấp xã và mỗi buôn đồng bào dân tộc thiểu số cần có một nhà sinh hoạt cộng đồng kèm theo việc đảm bảo các thiết chế bên trong...

Bên cạnh đó, cần quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động văn hóa thông tin ở cơ sở; phục hồi và đưa vào hoạt động có hiệu quả các đội tuyên truyền, cổ động trực quan, các đội thông tin lưu động, các đội cồng chiêng, đội văn nghệ quần chúng, các lễ hội truyền thống, tổ chức nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.