Multimedia Đọc Báo in

Đặc sắc phong tục cưới của đồng bào Dao vùng Tây Bắc

10:20, 05/03/2023

Ở vùng cao Tây Bắc, lễ cưới cổ truyền của người Dao là nghi lễ có ý nghĩa gắn kết cộng đồng và mang đậm triết lý nhân sinh.

Sau một thời gian tìm hiểu và đôi trai gái dường như đã tâm đầu ý hợp, chàng trai về thưa chuyện với bố mẹ, chuẩn bị lễ vật đến nhà cô gái dạm hỏi. Sau khi lễ ăn hỏi được tổ chức, hai bên gia đình sẽ bàn chuyện cưới, một việc đại sự của hai họ. Nhà trai và nhà gái thống nhất chọn ngày lành, tháng tốt, thống nhất về lễ xin dâu, sau đó, hai họ sẽ chuẩn bị lễ cưới theo đúng phong tục cổ truyền.

Lễ cưới của người Dao vùng Tây Bắc thường diễn ra trong 3 ngày (ngày nay, đồng bào đã rút ngắn còn 1 - 2 ngày). Trong đó, lễ đón dâu là quan trọng nhất. Khi đi đón dâu, nhà trai chọn cử người có vai vế trong gia đình, dòng họ làm người đại diện, chuẩn bị đội kèn. Trong lễ cưới của người Dao, lễ đón dâu, đội kèn không thể thiếu vì tiếng kèn thay cho lời chào, lời chúc mừng, lời mời của hai họ. Vì thế cả nhà trai, nhà gái đều phải chuẩn bị đội kèn.

Lễ cưới là nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao ở Tây Bắc.

Khi đi đón dâu, chú rể dù làm nghề gì cũng phải mặc trang phục truyền thống, gồm mũ, quần áo màu đen, được thêu viền hoa văn màu đỏ, xanh, vàng, trắng. Còn cô dâu đầu đội mũ, trùm khăn đỏ kín đến dưới mặt. Theo quan niệm của người Dao đỏ, khi cô gái đi lấy chồng, nếu để ánh nắng mặt trời chiếu vào mặt sẽ bị mất vía, cuộc sống sẽ không hạnh phúc. Cô dâu mặc bộ áo váy truyền thống với màu đỏ rực rỡ kèm theo bộ trang sức đeo trên tai, trên cổ, cổ tay, chân đi giày.

Khi đoàn đón dâu đến nhà gái, thầy cúng sẽ làm lễ bái yết tổ tiên nhà gái rồi chú rể mới đón cô dâu về. Lễ vật gồm thủ lợn, gà luộc, đĩa xôi màu đỏ, chai rượu, 6 chiếc chén. Đoàn đón dâu về đến cổng nhà trai, trong lúc chờ giờ đẹp để vào nhà, đội kèn trống của hai họ tấu lên thể hiện lời chào thân tình. Sau đó, đội kèn trống nhà trai vừa tấu nhạc, vừa đi vòng quanh cô dâu và đoàn nhà gái để thể hiện nghi lễ buộc dây mời nhà gái ở lại để cùng họ nhà trai tổ chức hôn lễ. Sau đó, đội kèn trống lại đi một vòng ngược lại với ý tháo dây để họ nhà gái bước vào nhà.

Trang phục của cô dâu người Dao (bên trái) trong lễ cưới.

Lúc cô dâu vào sân nhà cho đến khi tổ chức lễ trao dâu, đội kèn trống tiếp tục tấu kèn khi mỗi nghi lễ được thực hiện: khi cô dâu bước vào nhà, làm lễ bái yết tổ tiên, hai họ trao cô dâu và đón cô dâu, thắp hương cúng thần linh, tổ tiên để báo cáo cô dâu đã trở thành người trong gia đình.

Khi đón dâu về, chú rể và cô dâu đứng ngoài sân, chờ thầy mo làm lễ “nhập khẩu cho cô dâu và đặt tên cho chú rể” với ý nghĩa, cô dâu mới về nên phải làm lễ nhập khẩu, còn chú rể cưới vợ, đã trưởng thành nên phải đặt tên mới. Nghi lễ này được thầy mo thực hiện ngay trước bàn thờ tổ tiên. Lễ vật gồm có lợn, gà trống, 6 chén rượu, ấm rượu và gói gạo bọc trong tấm vải trắng, bên trong có hai hào bạc trắng và một tập tiền âm để thầy cúng dùng làm lễ. Sau khi thầy mo làm các thủ tục cúng lễ nhập khẩu, đặt tên thì chú rể mới bước ra sân đón cô dâu vào trong nhà.

Lễ nghi trước bàn thờ tổ tiên xong, cô dâu chính thức trở thành người nhà chàng trai, gia đình bày cỗ mời anh em họ hàng và dân bản cùng chung vui. Trong khi hai họ cùng nhau ăn cơm ngoài sân thì đội kèn trống tiếp tục đến từng mâm để tấu lên những bài đối đáp mang nội dung chào mời, chúc sức khỏe, trao đổi tâm tư, tình cảm. Khi đoàn nhà gái ra về, đội kèn trống lại cất lên nhạc điệu như một lời chào, lời chúc khách ra về thượng lộ bình an.

Nghệ nhân Ưu tú Triệu Văn Thêu (tỉnh Lào Cai) chia sẻ: “Lễ cưới là việc trọng đại của đời người, của mỗi gia đình, dòng họ, đánh dấu sự trưởng thành của những chàng trai, cô gái Dao. Đồng thời, là nghi lễ hội tụ những tinh hoa văn hóa dân tộc Dao như văn hóa trang phục, phong tục, tập quán, nghi lễ, ẩm thực, âm nhạc... Tất cả đều toát lên nét độc đáo, riêng biệt của văn hóa Dao. Trong lễ cưới của người Dao, những nghi lễ truyền thống thực chất gắn liền với những quan niệm nhân sinh của đồng bào nơi đây, đó là khát vọng hạnh phúc lứa đôi, là sự kết nối tình cảm vợ chồng, là niềm tin vào tương lai tốt đẹp”.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.