Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo mặt nạ gỗ của bộ tộc Mah Mery

04:09, 05/03/2023

Liên bang Malaysia có nhiều dân tộc cùng chung sống. Ngoài người Malay là dân tộc đa số còn có nhiều dân tộc thiểu số. Trong đó, bộ tộc Mah Mery thuộc về nhóm Senoi – một nhánh của dân tộc Orang Asli sinh sống rộng rãi tại miền trung bán đảo Mã Lai.

Người Mah Mery sinh sống tại một ngôi làng ở đảo Carey, quận Kuala Langat thuộc bang Selangor với số dân rất thấp. Theo ngôn ngữ Mã Lai, Mah Mery có nghĩa là người rừng. Người Mah Mery nổi tiếng về nghệ thuật điêu khắc gỗ. Họ sáng tạo rất nhiều mặt nạ gỗ để trang trí nhà cửa và sử dụng trong các lễ hội truyền thống.

Bộ tộc Mah Mery có đời sống tâm linh khá phong phú. Trong tín ngưỡng dân gian, họ có cả một hệ thống thần linh phức tạp, chi phối cuộc sống của con người. Việc chạm khắc mặt nạ được lấy cảm hứng từ niềm tin về thế giới tâm linh, nơi chứa đầy sức mạnh siêu nhiên dù là thiện hay ác. Tất cả những câu chuyện thần thoại, huyền thoại trong quá khứ đều được tái hiện qua những hình tướng, những diện mạo trên mặt nạ.

Nghệ sĩ Samri chế tác mặt nạ gỗ.

Gỗ Pơlai là loại gỗ mềm thường được dùng để làm mặt nạ. Hiện này, do gỗ dùng để chạm khắc trở nên khan hiếm nên những người thợ chạm khắc sử dụng loại gỗ Nyireh Batu có màu hơi đỏ để sản xuất các sản phẩm mặt nạ. Một số mặt nạ kiểu mới được gắn thêm râu, lông mày được làm từ lông thú. Nghệ sĩ điêu khắc mặt nạ gỗ của làng Carey nổi tiếng nhất hiện nay là Samri. Tuy còn rất trẻ nhưng với tài nghệ điêu khắc, Samri đã được người dân và chính quyền địa phương phong là “Nghệ nhân bậc thầy” (master-craftsman). Samri đã được cử đi dự nhiều lễ hội, sự kiện trong và ngoài nước để trình diễn thực hành nghề điêu khắc mặt nạ. Nghệ sĩ trẻ tài năng này đã từng đi châu Âu, Trung Quốc để quảng bá hình ảnh văn hóa bản địa của mình. Vào cuối tháng 10/2022, Samri được mời tham dự cuộc trình diễn nghề thủ công của các dân tộc Malaysia trong khuôn khổ Hội thảo Nghề dệt may truyền thống các nước ASEAN do Malaysia đăng cai tổ chức tại thủ đô mới Putrajaya.

Những chiếc mặt nạ được chăm chút là biểu hiện của sự tôn trọng đối với linh hồn của tổ tiên người Mah Mery. Từ “Moyang” được sử dụng trên mỗi bức tượng ám chỉ tổ tiên của họ, được cho là những người bảo vệ hạnh phúc của cuộc sống và có quyền áp đặt hình phạt. Người Mah Mery làm ra mặt nạ để lưu giữ hình ảnh của tổ tiên, để thông quan với thần linh, xua đuổi tà ma xấu ác, đón rước, cầu vọng các vị phúc thần phù hộ cho gia đình và bộ tộc không bị dịch bệnh, tai ương. Qua những chiếc mặt nạ gỗ tái hiện những truyền thuyết, huyền thoại xa xưa để răn dạy những bài học ý nghĩa nhân văn cho hậu thế. Trong Lễ hội Ari Muyang - Lễ tưởng nhớ tổ tiên, đàn ông Mah Mery đeo mặt nạ nhảy múa, gọi là điệu Mayin Jo-oh. Hình thức diễn xướng này tương đồng với lễ hội Pơthi (lễ bỏ mả) của các dân tộc J’rai, Bhanar ở bắc Tây Nguyên Việt Nam.

Những chiếc mặt nạ gỗ vừa chế tác.

Người Mah Mery, dân số không đông, chỉ khu trú trong một ngôi làng nhỏ trên một hòn đảo ở bán đảo Mã Lai nhưng là tộc người lập “kỷ lục” về làm mặt nạ. Trong công trình nghiên cứu về mặt nạ gỗ của tác giả người Úc là Joanne viết năm 1925 đã sưu tầm, chụp ảnh, đo vẽ đến 600 cái mặt nạ. Đây là số “kiểm kê” chưa đầy đủ trong kho tàng mặt nạ gỗ của tộc người này. Tác giả đã khảo tả chi tiết, nêu ý nghĩa của từng chiếc mặt nạ với kiến thức dân tộc học sâu rộng. Từ trước thế chiến thứ 2 đến những năm giữa sau thế kỷ 20, người Mah Mery vẫn giữ kỷ lục về làm mặt nạ gỗ. Theo tài liệu công bố năm 1965, dân số của họ là 1.212 người nhưng lúc đó bộ tộc này đã sở hữu hơn 600 mặt nạ. Số mặt nạ bằng phân nửa dân số của mình. Chính vì vậy, ngôi làng của bộ tộc Mah Rery được chính quyền Malaysia đưa vào diện chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các dân tộc thiểu số, được khách du lịch nước ngoài biết đến như một điểm du lịch hấp dẫn.

Nếu so sánh mặt nạ gỗ của người Mah Mery ở xứ Mã Lai với mặt nạ gỗ của các dân tộc ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên nước ta như Cơ Tu, J’rai, Bhanar, Xê-đăng... thì có thể thấy những điều thú vị. Mặt nạ gỗ của bộ tộc Mah Mery được nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản, lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Malaysia. Trong khi đó, nghệ thuật điêu khắc gỗ của các dân tộc nước ta, đặc biệt là các dân tộc Tây Nguyên thì chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu đáng kể, chỉ thấy lưu giữ, trưng bày sơ sài ở một số bảo tàng địa phương.

Quanh chuyện làm mặt nạ gỗ của người Mah Mery ở Mã Lai cho thấy chúng ta cần trân trọng, nâng niu, đánh thức và phát triển hơn nữa tài sản nghệ thuật của các tộc người đang sinh sống ở các tỉnh, thành của đất nước ta. Đó là tài nguyên nhân văn vô cùng quý giá, hiện đang còn rất dồi dào nhưng chưa được khai thác hiệu quả.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.