Multimedia Đọc Báo in

Tuổi cao vẫn miệt mài bên khung dệt

06:40, 03/07/2022

Đến nay bà H’Lim Niê (tên thường gọi là Aduôn Trường, dân tộc M’nông, ở buôn Tul, xã Yang Mao, huyện Krông Bông) đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm gần 60 năm.

Năm nay ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng Aduôn Trường vẫn ngày ngày miệt mài bên khung dệt, dệt ra những chiếc váy, áo, tấm chăn thổ cẩm để tặng cho con cháu trong gia đình với mong muốn lưu giữ được nghề dệt truyền thống của người M’nông.

Hơn 10 tuổi, cô bé H’Lim đã thích xem bà và mẹ dệt thổ cẩm. Đến năm 12 tuổi thì được mẹ dạy và bắt đầu những đường dệt đầu tiên. Năm 15 tuổi H’Lim đã tự dệt được những tấm vải thổ cẩm để may váy áo với những hoa văn truyền thống. Và từ đó, suốt mấy chục năm qua, bà vẫn luôn giữ được nghề dệt mà bà và mẹ đã truyền dạy, cho dù việc dệt thổ cẩm giờ không đem lại nhiều thu nhập. Aduôn Trường tâm sự: “Ngày trước gia đình khó khăn nên mình chỉ học hết lớp 2 rồi phải ở nhà làm rẫy, phụ giúp công việc gia đình. Dệt thổ cẩm không khó lắm nhưng đòi hỏi phải có tính kiên trì, chịu khó. Trước đây phần lớn phụ nữ M’nông ở các buôn đều biết dệt, song không phải ai cũng dệt đẹp vì dệt thổ cẩm ngoài sự kiên trì, tỉ mỉ thì cần phải có sự sáng tạo, đặc biệt là phải biết đưa những họa tiết, hoa văn truyền thống hoặc những dòng chữ, con số vào trong tấm thổ cẩm”.

Hằng ngày A Duôn Trường miệt mài bên khung dệt.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm truyền thống lớn tuổi trong các buôn ngày càng ít, thậm chí nhiều buôn bây giờ không còn ai lưu giữ được nghề; lớp trẻ thì ít người mặn mà với nghề dệt nên khi gia đình nào có con, cháu sắp lấy chồng, lấy vợ cần đến những vật phẩm bằng thổ cẩm như váy áo, khăn, túi xách, chăn thì họ lại tìm đến đặt Aduôn Trường dệt. Tiền công dệt chẳng đáng bao nhiêu nhưng khi có ai đến nhờ dệt là bà vui mừng lắm, nhận lời ngay. Bà bảo: “Nếu tính công thì mỗi ngày ngồi dệt cũng chỉ được mấy chục nghìn đồng, chẳng đáng là bao. Song mình thích dệt vải, may áo, đó là niềm vui mỗi ngày. Hôm nào mà không ngồi vào khung dệt thì cảm thấy nhớ. Hơn nữa có người đặt dệt, đặt may tức là người ta vẫn nhớ, vẫn yêu thích sản phẩm may mặc truyền thống nên mình vui lắm”.

ADuôn Trường dệt và tự tay may tặng cho người thân trong gia đình những chiếc áo, váy bằng vải thổ cẩm.

Mỗi ngày Aduôn Trường dành ít nhất vài giờ ngồi dệt. Những tấm thổ cẩm dệt ra, bà cắt may thành những chiếc áo váy, khăn, chăn… gấp cẩn thận xếp vào tủ, mỗi khi con cháu lập gia đình thì lấy ra tặng. Sản phẩm thổ cẩm của Aduôn Trường làm ra đẹp, chất lượng, giá cả phải chăng nên được nhiều người biết đến. Khi có người đặt hàng thì bà miệt mài bên khung dệt mỗi ngày, có khi dệt cả vào ban đêm để kịp cho khách. Aduôn Trường còn truyền dạy nghề dệt cho con gái và các cháu gái trong gia đình với mong muốn nghề dệt truyền thống của người M’nông vẫn mãi được bảo tồn, lưu giữ. 

    Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.