Multimedia Đọc Báo in

"Khoảng trống" sân chơi hè cho trẻ em nông thôn

06:23, 03/07/2022

Sân chơi cho trẻ em là điều rất cần thiết, nhất là vào dịp nghỉ hè. Tuy nhiên, sân chơi cho trẻ trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Thiếu sân chơi, trẻ em đi hái măng, chăn bò

Dịp hè, khi đi đến những địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ hồn nhiên chạy nhảy, vui đùa với những trò chơi đơn giản như bắn bi, nhảy dây, đuổi bắt…

Với các em, đây là lựa chọn không thể thay thế vì không có trò nào khác để chơi do không có khu vui chơi giải trí, nhà văn hóa thanh thiếu nhi hoặc không có điều kiện để chơi.

Không được vui chơi, tham gia các lớp năng khiếu đã đành, nhiều em nhỏ phải theo chân cha mẹ lên nương, lên rẫy để chơi, hoặc giúp bố mẹ làm việc.

Các em học sinh tại xã Yang Mao (huyện Krông Bông) thích thú với những trò chơi liên hoàn từ dự án "Sân chơi cho em" do nhóm Kết nối yêu thương cùng Doanh nghiệp xã hội Bồ Công Anh đứng ra vận động thực hiện. Ảnh: Huyền Diệu

Chiều muộn, bên cánh rừng cạnh Tỉnh lộ 1 (đoạn qua Vườn Quốc gia Yok Đôn), mấy đứa trẻ đang vô tư rượt đuổi nhau, giành những chùm chòi mòi vừa hái được. Cô bé Nara Rya (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) lớn tuổi nhất nên nhận nhiệm vụ quản các em nhỏ hơn. Em chuẩn bị lên lớp 8 (học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu), nhà có ba anh chị em. Nghỉ hè, em út đang học mẫu giáo, hằng ngày theo bố mẹ lên rẫy. Nara cũng không đi học thêm gì mà hằng ngày đi chăn bò, hoặc đi vào rừng hái măng về bán lấy tiền giúp gia đình.

Tương tự, kỳ nghỉ hè của hai anh em Luân Siu và Hoàng Siu (xã Cư Mlan, huyện Ea Súp) cũng không có những chuyến đi chơi hay tham gia lớp học năng khiếu. Ngày hai buổi, đứa anh (12 tuổi) và em (10 tuổi) vừa đi chăn bò, vừa chơi với nhau. Thú vui của các em cùng các bạn là nhảy lò cò, đuổi bắt hay thi nhau hái quả rừng. Các em chưa một lần đến khu vui chơi, bể bơi, hay sân bóng…

Thực tế hiện nay, ở các huyện hầu như chưa có điểm vui chơi cho trẻ em, do nguồn lực của địa phương còn hạn chế, trong khi việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng các công trình cũng khó khăn. "Khoảng trống" về sân chơi dẫn đến những thiệt thòi cho trẻ em vùng nông thôn. Bên cạnh đó, bố mẹ các em cũng bận rộn với công việc nương rẫy, không có nhiều thời gian quan tâm tới con mình nên trẻ em phải tự chơi với nhau bằng những trò tự nghĩ ra.

Thú vui ngày hè của trẻ con buôn Lách Ló, xã Nam Kar, huyện Lắk.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ea Súp cho hay, sân chơi cho trẻ em trên địa bàn huyện rất thiếu thốn. Huyện chưa có nhà văn hóa thanh thiếu nhi, khu vui chơi trẻ em. Về sân chơi thể thao, toàn huyện chỉ có 1 hồ bơi tư nhân, 3 câu lạc bộ võ thuật và 3 câu lạc bộ thể thao (bóng chuyền, bóng đá, cầu lông). Những địa điểm này chủ yếu phục vụ các em ở khu vực thị trấn và các xã lân cận. Nhiều em nhỏ ít có điều kiện tham gia các hoạt động hè, các lớp năng khiếu bổ ích, nhất là những em ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, xã biên giới.

Nỗ lực tạo sân chơi cho các em

Do ở địa bàn nông thôn, các điểm vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao còn hạn chế, nên nhiều cơ quan, đơn vị đã có những cách làm hay để tạo thêm sân chơi cho trẻ em trong dịp hè.

Ông Phạm Xuân Thắng, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Đắk Lắk cho biết, từ ngày 31/5 đến 14/7, Trung tâm chiếu phim miễn phí để phục vụ các em thiếu nhi tại 3 rạp của đơn vị. Từ đầu tháng 7/2022 đến hết hè, Trung tâm tổ chức chiếu phim hè lưu động cho trẻ em tại các huyện. Ngoài phim thiếu nhi, các em cũng được xem những phim ngắn hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh, đuối nước.

Tại huyện biên giới Ea Súp, để tạo thêm sân chơi bổ ích cho trẻ em, đầu dịp hè, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã phối hợp với các cá nhân thành lập những câu lạc bộ về bóng đá, bóng chuyền, cầu lông.

Theo đó, ngành văn hóa hỗ trợ một phần trang thiết bị, tạo điều kiện về địa điểm tập luyện. Các câu lạc bộ thể thao đang dần hoạt động ổn định, góp phần tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ em.

Em Dương Hữu Bảo Kiên (học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, thị trấn Ea Súp) bày tỏ, nghỉ hè em được bố mẹ cho tham gia lớp học bơi, đến đây em vừa được học bơi, vừa được vui chơi thoải mái cùng các bạn chứ không phải ở nhà xem ti vi, điện thoại.

Lớp võ taekwondo dịp hè tại thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp.

Tại huyện Buôn Đôn, khu vui chơi trẻ em, nhà văn hóa thiếu nhi chưa được xây dựng nên sân chơi hè cho thiếu nhi còn hạn chế.

Anh Nguyễn Quang Trung, Bí thư Huyện Đoàn Buôn Đôn cho biết, để tạo thêm sân chơi cho các em, các hoạt động hè 2022 cho thiếu nhi sẽ được Đoàn Thanh niên triển khai cao điểm trong tháng 7.

Cụ thể, các cấp bộ đoàn tổ chức hoạt động sinh hoạt hè, dạy thêm, dạy kỹ năng bơi lội, phòng, chống đuối nước, phòng, chống thương tích, xâm hại, tổ chức giải bóng đá thiếu nhi, trò chơi dân gian; trải nghiệm "Một ngày làm chiến sĩ", thăm Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Bên cạnh đó, Huyện Đoàn vận động xã hội hóa để tặng quà, xe đạp, sách vở, quần áo mới cho học sinh nghèo.

Việc tạo ra những hoạt động tập thể ngày hè cho trẻ ở nông thôn không chỉ giúp các em được vui chơi lành mạnh, an toàn mà còn tạo cơ hội cho các em học hỏi, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp thông qua các hoạt động tập thể, hạn chế tai nạn đuối nước.

Tuy nhiên, các cấp, các ngành cần quan tâm xây dựng nhiều công trình vui chơi, giải trí, văn hóa để trẻ em nông thôn có thêm niềm vui trong những ngày hè tuổi thơ.

Minh Chi – Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.